Thị trường thuận lợi cho giao dịch mua bán T+ nhưng chưa phải là thời điểm tốt để “all in”
Theo VDSC, tháng 6 sẽ là cơ hội tái cơ cấu danh mục, đặc biệt cho những nhà đàu tư đã “vô tình đầu tư dài hạn”.
Trong báo cáo chiến lược thị trường mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá điểm tích cực cho thị trường trong thời gian tới là dòng tiền đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường trong bối cảnh trần lãi suất huy động ngắn hạn liên tục điều chỉnh giảm trong ba tháng trở lại đây. Tuy nhiên, mức độ lan tỏa của dòng tiền tại nhóm vốn hóa lớn còn khá thấp do lo ngại các yếu tố nội tại của phần lớn các doanh nghiệp này chưa thực sự phục hồi rõ rệt trong quý 2.
Theo VDSC, động thái nới lỏng chính sách tiền tệ đã có những tác động tích cực ban đầu lên thanh khoản của thị trường vốn. Sau gần ba tháng NHNN hạ lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhóm ngân hàng tư nhân lớn giảm hơn một điểm phần trăm, trong khi mức giảm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn này của các ngân hàng quốc doanh là khoảng 60 điểm cơ bản.
Trong tuần đầu tháng 6, giá trị khớp lệnh đã đạt gần 70.000 tỷ, cải thiện so với mức bình quân tuần của tháng 4- 5/2023 là 46.000 tỷ, so với mức bình quân tuần của quý 1/2023 là 38.000 tỷ. Xét trong tương quan với mặt bằng lãi suất, mức thanh khoản và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện nay có phần tương đồng với giai đoạn đầu quý 4/2022. Tuy nhiên, dòng tiền còn tập trung ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, do đó, VN Index chưa thực sự bứt phá về mặt điểm số.
VDSC không kỳ vọng rằng thị trường có thể tiến xa hơn quá nhiều về mặt điểm số trong tháng 6. Một “thị trường giá lên” vẫn đang chờ đợi các “điều kiện đủ” đến từ các tín hiệu cho thấy nền kinh tế trong nước thực sự thẩm thấu các chính sách tiền tệ và tài khóa mang tính hỗ trợ vừa qua, kết hợp với triển vọng tích cực hơn từ vĩ mô thế giới. Do đó, VN-Index được dự báo sẽ dao động trong khoảng 1.060-1.120 điểm.
“Thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để nói rằng nền tăng trưởng kinh tế đã đi qua vùng trũng. Thị trường nhiều khả năng tiếp tục xu hướng chính là đi ngang đến khi các tín hiệu rõ ràng hơn”, báo cáo VDSC cho biết.
Tín hiệu ở đây là sự “hấp thụ” của những chính sách hỗ trợ lên nền kinh tế như thị trường bất động sản, trái phiếu được cải thiện, kéo theo tăng trưởng tín dụng và bức tranh lạm phát thế giới dần hạ nhiệt, cùng sự phục hồi của sức mua và dòng thương mại của Việt Nam.
Về chiến lược mua bán, VDSC vẫn giữ quan điểm thị trường vẫn thuận lợi cho giao dịch mua – bán T+, song chưa phải là thời điểm tốt để “all in”. Do đó, tháng 6 sẽ là cơ hội tái cơ cấu danh mục, đặc biệt cho những nhà đàu tư đã “vô tình đầu tư dài hạn”. Nhà đầu tư cũng có thể tận dụng cổ phiếu có sẵn trong danh mục để thực hiện giao dịch T+ nhằm tối ưu hiệu suất đầu tư của danh mục tổng thể.
Ngoài ra, ẩn số vĩ mô đã khiến nhóm cổ phiếu đầu ngành với đại diện là rổ VN30 kém khả quan hơn so với các nhóm cổ phiếu còn lại. Song, với nền tảng kinh doanh bền vững, các doanh nghiệp này sẽ “bật dậy” nhanh chóng khi khó khăn qua đi và nhà đầu tư có thể tiếp tục tích lũy các cổ phiếu thuộc nhóm này cho danh mục dài hạn.
Ở khía cạnh khác, trên nền tăng trưởng kinh tế yếu của quý 1/2023, câu chuyện phục hồi từ vùng trũng lợi nhuận sẽ được quan tâm khi mà các doanh nghiệp đang vào tháng kinh doanh cuối cùng của quý 2/2023. Với chỉ số SXCN và PMI không khả quan, VDSC không kỳ vọng sự bứt phá bất ngờ về tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2 của doanh nghiệp, song các doanh nghiệp đi qua vùng trũng trong quý 1 mà vẫn có lợi nhuận dương thì có thể sẽ tiếp tục có quý 2 khả quan hơn mặt bằng chung, điển hình ở một số nhóm ngành như điện, ngân hàng, dệt may, dầu khí và hàng không.
Nhịp Sống Thị Trường