Thanh toán thẻ Việt Nam: Cơ hội và rủi ro
Theo khảo sát của GlobalData, năm 2019, tổng chi tiêu trực tuyến tại Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 3,9 tỷ USD trong năm 2015 lên 9,4 tỷ USD, và dự đoán sẽ đạt 17,3 tỷ USD vào năm 2023.
- 09-03-2020Thế giới đang thanh toán thế nào giữa mùa dịch Covid-19?
- 21-02-2020Khuyến khích giao dịch online tránh covid-19, SHB cộng lãi suất tiền gửi tới 0,5%, hoàn tiền khi thanh toán
- 13-02-2020Ngân hàng đồng loạt vào cuộc giảm ảnh hưởng của dịch Covid-19: Giảm lãi vay, miễn, giảm phí thanh toán trực tuyến
Báo cáo mới nhất của GlobalData với nội dung "Thanh toán thẻ Việt Nam: Cơ hội và rủi ro đến năm 2023", cho biết giá trị thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua với tổng chi tiêu trực tuyến tăng từ 90,1 nghìn tỷ đồng (3,9 tỷ USD) năm 2015 lên đến 218,3 nghìn tỷ đồng (9,4 tỷ USD) trong năm 2019.
Sự phát triển và phổ biến của Internet và điện thoại thông minh cùng với cơ cấu dân số trẻ đã thúc đẩy thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển trong những năm qua. Theo dự báo từ GlobalData, một công ty phân tích và dữ liệu hàng đầu, dự án sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 16,3% từ 218,3 nghìn tỷ đồng (9,4 tỷ USD) năm 2019 đến 399,5 nghìn tỷ đồng (17,3 tỷ USD) vào năm 2023.
Nikhil Reddy, chuyên viên phân tích ngân hàng và thanh toán tại GlobalData nhận định, "Trong khi các công cụ thanh toán truyền thống như tiền mặt, thẻ và chuyển khoản ngân hàng được sử dụng rộng rãi trong việc mua hàng qua các trang thương mại điện tử, sự ưa thích của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán thay thế đang gia tăng. Ngày càng có nhiều nhu cầu về các phương tiện thanh toán nhanh và thuận tiện hơn, đặc biệt là với các thế hệ thanh niên am hiểu công nghệ."
Theo Khảo sát thanh toán và ngân hàng toàn cầu 2019 của GlobalData, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán được ưa chuộng nhất trong việc mua hàng qua các trang thương mại điện tử tại Việt Nam, chiếm 35,6% tổng giá trị giao dịch trong năm 2019. Theo sau đó là thanh toán qua thẻ và chuyển khoản ngân hàng lần lượt chiếm 28,4% và 20,5%. Các giải pháp thanh toán thay thế đang dần chiếm lĩnh và hiện chiếm 15,5% thị phần. Khảo sát cũng cho thấy MoMo là giải pháp thanh toán thay thế được ưa thích nhất tại Việt Nam, tiếp theo đó là PayPal.
Giá trị thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam (2015 - 2023 [dự báo]) và thị phần của các phương tiện thanh toán (2019) (Nguồn: GlobalData Banking and Payments Intelligence Center)
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử đã thúc đẩy các công ty toàn cầu gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Năm 2018, Tiki đã lần lượt nhận được khoản tài trợ 5,3 triệu USD và 44,0 triệu USD từ VNG Corporation và nhà đầu tư Trung Quốc JD.com. Cũng trong năm đó, tập đoàn tài chính Nhật Bản SBI Group và một vài công ty khác có trụ sở tại châu Á cũng đã đầu tư tổng cộng 51 triệu USD vào một nền tảng mua sắm trực tuyến khác tại Việt Nam là Sendo. Đáng chú ý hơn, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc - Alibaba đã đầu tư thêm 2 tỷ USD vào Lazada, một trong những doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam.
"Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thanh toán, cùng với niềm tin của người tiêu dùng ngày càng tăng đối với mua sắm trực tuyến và sự sẵn có của các giải pháp thanh toán thuận tiện được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam trong những năm tới," Nikhil Reddy kết luận.
Tham khảo: GlobalData