Thị trường tiền tệ chao đảo khi Mỹ thông báo lạm phát cao kỷ lục 39 năm
Thị trường tiền tệ quốc tế biến động mạnh sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát gần đúng như kỳ vọng. Theo đó, USD quay đầu giảm nhưng nhanh chóng hồi phục trở lại trong bối cảnh các nhà đầu tư vốn đã chuẩn bị tinh thần cho việc lạm phát tiếp tục tăng cao nên đặt cược rằng Mỹ sẽ giữ nguyên lộ trình thắt chặt tiền tệ.
- 10-12-2021USD hồi phục mạnh mẽ, Bitcoin lại lao dốc xuống dưới 49.000 USD
- 09-12-2021Tỷ giá trung tâm và USD ngân hàng lao dốc mạnh
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11 đã tăng 6,8% so với 1 năm trước và đây là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/1982 khi lạm phát ở mức 7,1%. Chỉ số này được tính toán sau khi cân nhắc giá cả của một loạt mặt hàng và dịch vụ bao gồm xăng dầu, dịch vụ chăm sóc y tế, giá thuê nhà, và hàng tạp hóa. Cũng theo báo cáo này, giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 11 đã tăng 0,8% so với tháng 10, sau khi tăng 0,9% trong tháng 10 so với tháng 9.
Nguyên nhân của tình trạng này được cho là tổng hợp của một số yếu tố bao gồm các gói kích thích kinh tế của chính phủ, mức lãi suất thấp do Cục Dự trữ liên bang điều chỉnh, thiếu hụt nguồn cung tại các nhà máy ở Mỹ và trên thế giới.
Greg Anderson, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối toàn cầu của BMO Capital Markets cho biết: "Tôi cho rằng chỉ số CPI đúng như kỳ vọng nhưng thị trường ngoại hối đã chuẩn bị tinh thần đón nhận con số cao hơn thế".
Tuy nhiên, theo ông Anderson: "Thị trường ngoại hối đã tràn ngập tiền đô trong vài tháng qua, do đó thị trường gần như không để ý tới những yếu tố có thể đẩy xu hướng tăng của USD kéo dài từ nay đến cuối năm". Ông lưu ý rằng cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FOMC)) vào tuần tới và Bài phát biểu của Powell sau cuộc họp có thể là sự kiện lớn cuối cùng trong năm nay tác động tới xu hướng tỷ giá USD.
"Thông thường các nhà đầu tư tiền tệ mở rộng vị thế mua trở lại vào cuối năm", ông Anderson nói.
So với rổ các đồng tiền đối tác, chỉ số Dollar index kết thúc thứ Sáu (10/12) theo giờ Việt Nam tăng 0,04% lên 96,233.
Bảng Anh cũng biến động mạnh so với USD sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát, theo đó bảng Anh tăng mạnh trước khi quay đầu giảm trở lại, kết thúc ngày 10/12 giảm 0,09% xuống 1,3210 USD. Đồng euro phiên này cũng giảm 0,04% xuống 1,1289 USD.
Trong số các đồng tiền khác, nhân dân tệ Trung Quốc giảm so với USD sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) nâng tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc lần thứ 2 trong năm nay kể từ tháng 6. Nhân dân tệ cũng tiếp tục chịu áp lực bởi việc PBoC hạ biên độ giao dịch tỷ giá tham chiếu xuống thấp hơn dự kiến. Nhân dân tệ tại Trung Quốc kết thúc tuần này ở mức giá 6,365 CNY/USD, còn ở thị trường nước ngoài giao dịch ở mức 6,3717 CNY, sau khi tăng lên 6,33 CNY ở phiên liền trước.
Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp duy trì mua đồng nhân dân tệ sau khi đã tích lũy được lượng USD dự trữ khổng lồ trong những năm đại dịch tiếp tục hỗ trợ nhân dân tệ.
Các nhà phân tích thuộc Ngân hàng OCBC ở Singapore cho biết: "Các động thái của PBOC ngăn chặn tỷ giá USD/CNY giảm thêm nữa, mặc dù cũng không thể kỳ vọng tỷ giá của cặp tiền tệ này sẽ tăng". Theo đó, đồng tiền này dự kiến sẽ dao động trong khoảng 6.360 – 6.400 CNY.
Tuy nhiên, một số nhà chiến lược thị trường và thương nhân cho biết các yếu tố cơ bản, bao gồm xuất khẩu mạnh mẽ, thặng dư thương mại kỷ lục, dòng vốn ổn định vào tài sản của Trung Quốc và thanh khoản USD trong nước dồi dào sẽ bị ảnh hưởng nếu PBoC điều chỉnh chính sách.
Ở Châu Á, hầu hết các loại tiền tệ và chứng khoán trong khu vực đều giảm giá trong phiên cuối tuần, xóa đi mức tăng có được vào đầu tuần.
Won Hàn Quốc phiên này giảm 0,4%, mức giảm mạnh nhất trong vòng một tháng, còn rupiah của Indonesia giảm 0,2%; rupee Ấn Độ giảm còn 75,7 INR, thấp nhất kể từ tháng 6 năm ngoái và giảm tuần thứ 3 liên tiếp do ngân hàng trung ương nước này đang cân nhắc về mức lãi suất thấp kỷ lục.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, tiền tệ châu Á hầu hết tăng giá, ngoại trừ rupee Ấn Độ, do mối lo về virus biến thể Omicron giảm bớt. Theo đó, đô la Singapore kết thúc chuỗi 6 tuần giảm liên tiếp; baht Thái Lan tăng hơn 1% trong tuần qua, trong khi ringgit Malaysia tăng nhẹ.
Tuần tới, các ngân hàng trung ương Châu Âu, Anh và Nhật Bản đều họp chính sách trong bối cảnh lạm phát tăng và virus biến thể Omicron tiếp tục lây lan nhanh.
Jim Reid, chiến lược gia của Deutsche Bank, cho biết những phát ngôn mang tính chất "diều hâu" gần đây của Fed đã hướng tới chính sách thắt chặt tiền tệ, và các dữ liệu về lạm phát đã lên tới "ngưỡng cực kỳ cao để buộc các nhà hoạch định chính sách phải thay đổi lộ trình nâng lãi suất".
Cập nhật tỷ giá tiền tệ.
Tiền tệ của các nước Mỹ Latinh chịu áp lực nặng nề do USD mạnh lên trong thời gian gần đây. Theo đó, peso của Chile và real của Brazil giảm khoảng 1% trong ngày 10/12, trong khi peso của Mexico cũng kết thúc 3 phiên tăng liên tục trước đó do lạm phát gia tăng làm gia tăng lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Lạm phát ở Mexico cao nhất 21 năm.
Trên thị trường tiền điện tử, giá bitcoin giảm tuần thứ 3 liên tiếp dù có lúc hồi phục ngắn ngủi sau báo cáo cho thấy lạm phát ở MỸ vẫn tăng tốc.
Ngày 10/12, bitcoin tăng mạnh 4,4% trong phiên giao dịch sáng, lên 50.101 USD, nhưng giảm nhanh sau đó, xuống 47.738 USD lúc kết thúc ngày.
Diễn biến giá bitcoin ngày 10/12
Giá vàng tăng sau dữ liệu lạm phát của Mỹ khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang tài sản trú aanra an toàn.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 10/12 theo giờ Việt Nam tăng 0,5% lên 1.783,61 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12/2022 tăng 0,4% lên 1.784,30 USD.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures cho biết: "Triển vọng Fed sắp nâng lãi suất sẽ gây áp lực lên thị trường vàng, nhưng mối lo hiện tại là áp lực lạm phát, và điều này sẽ hỗ trợ giá vàng".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk