MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường tiền tệ đang trở nên khó lường

06-01-2022 - 10:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường tiền tệ đang trở nên khó lường

Thị trường tiền tệ Việt Nam đã, đang và sẽ có những diễn biến trở nên khó lường, ngay cả với những đầu mối bám sát hàng ngày.

Như BizLIVE đề cập vừa qua, hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) vừa đón kỳ chốt sổ năm 2021 với khác biệt. Dù không lớn, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải bơm ròng qua thị trường mở (OMO) hơn 10.500 tỷ đồng hỗ trợ, đặc biệt phiên cuối cùng của năm bơm gần 10.000 tỷ đồng, trong khi chốt năm 2020 không phải làm điều này.

Trước đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã sớm phản ánh nhu cầu mùa cao điểm cuối năm. Lãi suất VND ở đây tăng mạnh, như qua đêm đã tăng khoảng gấp đôi so với quãng chỉ quanh 0,6-0,7%/năm trước đó, tương tự ở kỳ hạn 1 tuần - những kỳ hạn chiếm doanh số chủ yếu trên thị trường này.

Nhìn sang tỷ giá, sớm hơn, từ cuối tháng 11/2021 đã có những đợt biến động thực sự. Tỷ giá USD/VND đã cho những bước tăng tới 200-300 VND chỉ “qua một đêm”, khác biệt hoàn toàn so với quãng êm đềm đến tẻ nhạt suốt từ đầu năm.

Chưa dừng lại, cho đến thời điểm này tỷ giá USD/VND vẫn thường xuyên biến động trên các thị trường với mức thay đổi quanh 50 VND hàng ngày là… bình thường. Một dòng chảy song song, Kho bạc Nhà nước thời gian gần đây cũng liên tục có hoạt động chào mua ngoại tệ với quy mô đáng kể.

Bứt khỏi vùng ổn định, thị trường tiền tệ với những diễn biến điển hình như trên đang trở nên khó lường hơn. Đặc biệt, tháng 1/2022, thị trường bước vào mùa cao điểm thực sự của năm – đón Tết Nguyên đán.

Thị trường tiền tệ đang trở nên khó lường - Ảnh 1.

Sự khó lường đó cũng thể hiện rõ ở kỳ dự báo tháng này mà Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) vừa công bố. Tập hợp khối nghiên cứu của hầu hết các NHTM, cùng một số công ty chứng khoán lớn, đây là những đầu mối bám sát diễn biến từng ngày cũng như nắm bắt các dòng chảy trên các thị trường. Thế nhưng, kỳ dự báo đầu tiên của năm 2022 cho thấy phân tán rõ rệt giữa các dự báo.

Định kỳ hàng tháng, các thành viên VIRA đưa ra dự báo về 4 chỉ tiêu chính: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ năm trước; lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng; tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng; lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm.

Mức độ phân tán lớn giữa các thành viên VIRA cho thấy thị trường đang trở nên khó lường.

Ngay ở chỉ tiêu CPI, đây là “tháng củ mật” cận Tết Nguyên đán, thông thường hàng năm đều tăng cao; giá dầu trên thị trường thế giới cũng đã bật mạnh trở lại… Nhiều thành viên của VIRA hướng đến mức tăng trên 2% của CPI tháng này, thậm chí từ 2,3-2,5% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên một số thành viên lại kỳ vọng chỉ tăng nhẹ quanh 0,6%. Chênh lệch ở đây rất lớn. Còn bình quân dự báo là 1,99%.

Tương tự, ở chỉ tiêu lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng, mức độ phân tán giữa dự báo của các thành viên VIRA cũng khá lớn, một phần phản ánh sự khó lường trên thị trường. Cụ thể, đã có những thành viên hướng đến mức lãi suất vượt mốc 2%/năm (bình quân trong tháng 1/2022), song cũng có nhiều dự báo lạc quan với sự bình ổn dưới 2% và chỉ quanh 1,8%, thậm chí có kỳ vọng chỉ chớm nhẹ trên 1%/năm. Bình quân dự báo của VIRA là 1,9%/năm.

Dĩ nhiên lãi suất liên ngân hàng thường biến động rất mạnh vào những ngày cận Tết Nguyên đán, NHNN thường phải bơm ròng lượng lớn hỗ trợ thanh khoản và bình ổn, cũng như có “lãi suất trần” trên OMO, song các dự báo trên được tính bình quân cho tháng.

Nhìn sang tỷ giá USD/VND, như đề cập ở trên, từ tháng 11/2021 đến nay đây là chỉ tiêu thường xuyên thể hiện mức độ thay đổi lớn qua từng ngày thay vì “tĩnh lặng” suốt phần lớn thời gian của năm 2021. Mức độ thay đổi quanh 50 VND qua mỗi ngày đã trở nên bình thường, ngay cả tỷ giá trung tâm NHNN công bố cũng thường thay đổi lớn. Như vậy tỷ giá USD/VND đã “thị trường hơn” và cũng trở nên khó lường hơn.

Như ở dự báo giữa các thành viên VIRA, chênh lệch dự báo cho tháng 1 này lên tới 200 VND, thậm chí 300 VND. Có nhiều thành viên dự báo mức bình quân tháng trên thị trường liên ngân hàng sẽ hạ nhiệt rõ rệt và chỉ quanh 22.700 VND = 1 USD, song cũng có những dự phòng bật lại vùng 22.900 VND và thậm chí gần 23.000 VND.

Ở dự báo chung của VIRA, bình quân tháng 1/2022 giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng sẽ ở 22.753 VND, giảm mạnh so với đợt biến động trong tháng 12/2021 (bình quân 22.912 VND).

Nhiều năm qua, cứ cận Tết Nguyên đán thì tỷ giá USD/VND giảm rất mạnh, một phần do nhu cầu chuyển đổi lấy VND đáp ứng thanh toán và chi trả dồn dịp Tết; một phần cũng là cao điểm kiều hối dồn về tạo cung ngoại tệ lớn… Năm nay dự báo trên cũng phản ánh kỳ vọng vào nguồn cung ngoại tệ thuận lợi và có thể lấn át tạm thời khiến tỷ giá giảm.

Sự phân tán trong dự báo của các thành viên VIRA cũng thể hiện rõ ở chỉ tiêu lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm. Suốt nhiều kỳ dự báo, đây là chỉ tiêu ổn định nhất, gần như có tiếng nói chung nhất giữa các thành viên, và ít biến động. Nay, dự báo cho tháng 1 đã có phần phản ánh mức độ khó lường nhất định.

Cụ thể, chênh lệch dự báo giữa các thành viên đã doãng ra 0,12 điểm phần trăm, dù con số tuyệt đối thì nhỏ nhưng so với lợi suất trái phiếu Chính phủ hiện nay là đáng kể. Tuy nhiên, bình quân dự báo của VIRA vẫn khá ổn định, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm trong tháng 1/2022 dự báo sẽ đi ngang so với bình quân thực tế tháng 12/2021 ở 2,09%.

Thị trường tiền tệ đang trở nên khó lường - Ảnh 2.

Các chỉ tiêu dự báo của các thành viên VIRA cho năm 2022

 

Năm 2022 chỉ mới bắt đầu. Ở tầm dự báo xa hơn cho cả năm, khác biệt càng thể hiện. Nếu xem đây là sự khó lường của thị trường tiền tệ 2022 thì dự báo của các thành viên VIRA phản ánh khá rõ.

Cụ thể, ở chỉ tiêu CPI, khác biệt rất lớn khi đã có nhiều thành viên dự báo năm nay sẽ có mức tăng mạnh tới quanh 3,5%, trong khi nhiều thành viên phân rã trong khoảng rộng từ 2,1-2,9%, và có cả trù tính lạm phát chỉ tăng khoảng 1,69% năm nay mà thôi.

Ở chỉ tiêu tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng, nếu so với năm 2021 thì kỳ vọng chung lại khá ổn định. Đa số thành viên VIRA dự báo tỷ giá này sẽ nằm dưới mốc 23.000 VND, trong khoảng 22.600-22.800 VND; song một số thành viên dự báo tăng nhẹ lên 23.000 – 23.100 VND bình quân năm nay. Bình quân dự báo ở 22.789 VND. Theo đó, dự báo chung gần như sẽ không có biến động lớn của tỷ giá USD/VND trong năm 2022.

Nhưng với lợi suất trái phiếu Chính phủ thì không, ở kỳ hạn đại diện là 10 năm. Hầu hết thành viên VIRA đều dự báo chỉ tiêu này sẽ tăng mạnh trong năm 2022, trong khoảng 2,2-2,35%, tăng mạnh nếu so với bình quân 2,09% tháng 12/2021. Điều này cũng gián tiếp “cảnh báo” chi phí đi vay của Chính phủ sẽ không còn nhiều “dễ chịu” như năm qua.

Trong khi đó, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng năm 2022, với đại diện kỳ hạn 1 tuần, vẫn khá bình ổn theo dự báo của các thành viên VIRA; bình quân dự báo chỉ ở 1,33%/năm, dù vậy vẫn tăng đáng kể khi năm 2021 phổ biến dưới 1%/năm.

*Bạn đọc tham khảo chi tiết dự báo của VIRA tại www.vira.org.vn



Theo Minh Đức

BizLive

Trở lên trên