Thị trường tiền tệ ổn định, các chỉ tiêu lớn sẽ đạt và vượt
Mặc dù chịu những áp lực rất lớn bên ngoài thời gian qua nhưng thị trường tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam vẫn khá ổn định. Đây là yếu tố quan trọng, và cùng với việc phối hợp tốt với chính sách tài khóa sẽ giúp đạt được các mục tiêu đặt ra.
- 22-08-2019Lãi suất tăng cao, tiền gửi vào ngân hàng tăng đột biến
- 22-08-2019Cuộc đua hút tiền gửi tiếp tục "nóng": VIB đẩy lãi suất lên 9,1%, VPBank cũng không chịu ngồi yên
- 22-08-2019Trái phiếu doanh nghiệp: Lãi suất 10-15%/năm là cao hay thấp?
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Thị trường tiền tệ: Bình yên trong “bão”
Trong những tuần đầu tháng 8, nền kinh tế, thương mại và đặc biệt là thị trường tài chính toàn cầu trải qua nhiều biến động lớn. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/8 bất ngờ tuyên bố sẽ áp thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 1/9.
Ngay sau tuyên bố trên, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc bắt đầu xu hướng giảm mạnh và chính thức vượt qua “lằn ranh đỏ” - mức 7 NDT/USD vào ngày 5/8, khiến Mỹ kích hoạt ngay động thái tiếp theo, cáo buộc Trung Quốc là "nước thao túng tiền tệ”. Từ ngày 5/8 đến nay, diễn biến NDT/USD có tăng - giảm nhưng giảm là chủ yếu. Đến phiên 22/8, tỷ giá đã ở mức 7,0759 NDT/USD.
Thị trường toàn cầu tuần qua cũng trải qua đợt chao đảo do diễn biến lợi tức trái phiếu Chính phủ của Mỹ. Chênh lệch lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đang thu hẹp, đặc biệt bắt đầu xuất hiện những phiên giao dịch mà lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm vượt cao hơn cả kỳ hạn 10 năm trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm hiện đang ở vùng thấp nhất trong lịch sử. Xu hướng đảo ngược của đường cong lợi suất là một chỉ báo rất quan trọng, báo hiệu về sự tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy thoái của nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Trong 9 cuộc khủng hoảng kinh tế kể từ sau 1945 đến nay, đã có tới 7 lần được chỉ báo đúng bởi xu hướng đảo ngược của đường cong lợi suất. Rõ ràng sự bất ổn, xuất phát từ những nền kinh tế lớn nhất đang lan rộng trên toàn cầu, tác động rất mạnh đến tâm lý giới đầu tư và các thị trường.
Trái với những chao đảo trên thị trường toàn cầu, thị trường tiền tệ Việt Nam lại có những tuần bình yên cả về mặt lãi suất và tỷ giá. Cập nhật thị trường tiền tệ của Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấy, liên tiếp trong 2 tuần qua, lãi suất trên liên ngân hàng duy trì ổn định, dao động quanh mức 3%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,1%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Chênh lệch lãi suất VND-USD duy trì ở mức 0,8%/năm. Trên thị trường 1 cũng không có nhiều biến động, lãi suất huy động ổn định ở mức 4,1%-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 5,5-7,55%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và từ 6,4-8,0%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Trong khi diễn biến thị trường ngoại hối toàn cầu ghi nhận sự biến động mạnh, đặc biệt là tỷ giá NDT/USD thì ở trong nước, diễn biến của VND khá yên ả. Tuần từ 12-16/8, tỷ giá giao dịch USD/VND duy trì ổn định ở mức 21.150/23.270, tăng 5 đồng/USD trên ngân hàng. Tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 18 đồng/USD, lên mức 23.120 đồng/USD - mức cao nhất từ trước tới nay và tiệm cận với tỷ giá mua vào 23.200 đồng/USD của NHNN.
“Nguồn cung ngoại tệ giai đoạn tới vẫn khả quan nhờ các giao dịch bán vốn cổ phần, cán cân thương mại và FDI vẫn tích cực, thêm vào đó là mùa kiều hối cuối năm. Nhờ vậy, tỷ giá USD/VND sẽ vẫn dao động quanh mức 23.200VND/USD”, báo cáo cập nhật của Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân thuộc Công ty SSI nhận định.
Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam của Khối Nghiên cứu toàn cầu, Ngân hàng HSBC công bố đầu tháng này cho rằng, với chiều hướng lạm phát trong 7 tháng qua thì không có áp lực nào cho thấy lạm phát sẽ vượt mức 4% trong năm nay. “Áp lực lạm phát không lớn củng cố quan điểm của chúng tôi rằng, NHNN sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ trong năm 2019”, chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC dự báo.
Cùng quan điểm trên, báo cáo kinh tế toàn cầu quý III/2019 do Ngân hàng Standard Chartered công bố mới đây dự báo, lãi suất chính sách sẽ không thay đổi trong năm 2019 và VND có thể sẽ tăng giá nhẹ. Dòng vốn FDI mạnh mẽ và thặng dư tài khoản vãng lai sẽ hỗ trợ VND trong ngắn hạn và tỷ giá USD/VND được dự đoán sẽ ở mức 23.100VND/USD vào cuối năm 2019 và 23.000 VND/USD vào giữa năm 2020.
Nỗ lực về đích
Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong ngắn hạn, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,9% trong năm 2019. “Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ, KTVM nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì ổn định. Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm so với mức nửa đầu năm”, Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á của Standard Chartered cho biết.
Lĩnh vực sản xuất có vốn FDI được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 2 con số trong năm thứ tư liên tiếp và đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính. Theo báo cáo của Standard Chartered, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất, với tổng lượng vốn thu hút được dự kiến đạt 18 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu sẽ duy trì ổn định và vượt trội hơn so với các nước trong khu vực.
Xuất khẩu hàng điện tử (hiện chiếm khoảng 1/3 trong tổng lượng xuất khẩu), có khả năng sẽ giảm tốc so với những năm gần đây do nhu cầu bên ngoài và giá cả các thiết bị bán dẫn suy giảm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này sẽ được bù đắp nhờ xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như dệt may và nông nghiệp ngày càng được cải thiện. Trong bối cảnh nhập khẩu nguyên liệu sản xuất giảm tốc, tăng trưởng nhập khẩu dự kiến sẽ vẫn ở mức gần 10%, nhờ đó, cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư trong năm 2019.
Nghiên cứu cũng dự đoán, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt trong ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng, khi lạm phát vẫn còn ở mức thấp. Standard Chartered dự báo lạm phát sẽ tăng khiêm tốn ở nửa cuối năm, đạt trung bình 2,8% so với mức 2,6% trong nửa đầu năm và lạm phát cơ bản sẽ ở mức 2% trong năm nay.
Từ góc độ trong nước, TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra một số nhận định có phần nào khác biệt. Theo đó, mặc dù cũng tin tưởng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm nay sẽ đạt được nhưng chuyên gia này cho rằng, “chất lượng” đằng sau nhưng con số đạt được mới là quan trọng và trong bối cảnh với nhiều bất định hiện nay, Việt Nam đang ở trong giai đoạn không dễ để đạt được tăng trưởng, chuyển biến thực sự về mặt chất lượng.
“Một trong những rủi ro lớn là kinh tế của mình vẫn phải dựa rất nhiều vào ngoại thương mà hiện tại nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm nên Việt Nam sẽ không thể miễn nhiễm, sẽ gặp những khó khăn về các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu, tỷ giá, tác động của thị trường hàng hóa thế giới...”, chuyên gia này dự báo.
Do đó, một trong những giải pháp là cần tập trung vào thị trường trong nước, làm sao tăng cầu nội địa, tăng sức mua lên nữa. Bên cạnh đó, cần tận dụng các FTA để mở rộng thị trường, xuất khẩu được hàng hóa sang các thị trường mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường lớn. Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần phối hợp chặt chẽ, mạnh mẽ hơn nữa và thị trường tài chính - ngân hàng cần tiếp tục được lành mạnh hóa, đồng thời củng cố các gối đệm tài khóa để sẵn sàng giảm thiểu những tác động từ các cú sốc bên ngoài.