Thị trường toàn cầu phập phồng theo diễn biến xung đột Nga - Ukraine
Nếu xảy ra tình huống Nga xâm lược Ukraina thì tác động sẽ thể hiện ngay lập tức ở một số thị trường, từ chứng khoán đến giá lúa mì đến năng lượng, tài sản trú ẩn an toàn, thậm chí cả trái phiếu chính phủ.
- 20-02-2022Fed sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ? Thị trường bảo “có”, Fed nói “không”
- 17-02-2022USD biến động mạnh, vàng tăng vọt do Mỹ không tin Nga đang rút quân
- 07-02-2022Nhà đầu tư ở các thị trường mới nổi bắt đầu tính chuyện săn lùng cổ phiếu khi Fed nâng lãi suất
Cuộc xung đột giữa Nga – Ukraina không còn chỉ là vấn đề của khu vực mà đã lan sang mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây, và đến nay chưa có dấu hiệu sớm hạ nhiệt. Do đó, đây không chỉ đơn thuần là vấn đề địa chính trị, mà đang ảnh hưởng tới toàn bộ các thị trường tài chính - kinh tế - hàng hóa trên toàn cầu.
Diễn biến các thị trường năm 2022 khi căng thẳng Nga – Ukraina leo thang.
Các tài sản trú ẩn an toàn lên ngôi khi Mỹ và phương Tây liên tiếp cảnh báo về nguy cơ Nga tấn công Ukraina.
Giá vàng, một tài sản trú ẩn ở mỗi thời điểm xảy ra xung đột hoặc khủng hoảng kinh tế, hiện đang ngất ngưởng ở mức cao nhất trong vòng 13 tháng.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái euro/franc Thụy Sĩ - được coi là chỉ báo lớn nhất về rủi ro địa chính trị trong khu vực đồng euro, vì đồng tiền Thụy Sĩ từ lâu đã được các nhà đầu tư coi là nơi trú ẩn an toàn. Tỷ giá này đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2015 vào cuối tháng 1/2022.
Nhu cầu trái phiếu kho bạc cũng tăng mạnh bởi đây được coi là tài sản an toàn nhất, vì nếu xảy ra tình huống Nga xâm lược Ukraine, giá dầu chắc chắn sẽ tăng mạnh, đẩy giá lạm phát tăng theo, khi đó trái phiếu trở thành "bến đỗ" an toàn cho các khoản tiền của các nhà đầu tư.
Mặc dù căng thẳng giữa Nga và Ukraina chưa trở thành mối xung đột, nhưng lạm phát của Mỹ đã ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và các đợt tăng lãi suất sắp xảy ra đã khiến lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức 2%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức vượt lên trên ngưỡng 0% lần đầu tiên kể từ năm 2019.
Tuy nhiên, không phải tài sản của chính phủ nào cũng tăng giá nếu xảy ra cuộc xung đột này. Nhiều tài sản của Nga đã chật vật trong thời gian gần đây cùng với đà leo thang của căng thẳng. "Các tài sản Nga đang yếu hơn so với thị trường nói chung do căng thẳng địa chính trị leo thang và khả năng Nga bị áp các biện pháp trừng phạt mới", báo cáo của Barclays cho biết.
Các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) đầu tư vào các tài sản Nga đã bị bán nhiều. Quỹ iShares MSCI Russia ETF đã giảm 7,7% trong một năm trở lại đây và giảm gần 22% trong vòng 3 tháng qua. Và các tài sản của Nga sẽ đứng đầu trong bất kỳ thị trường nào bị ảnh hưởng bởi các hành động quân sự nếu xảy ra. Tài sản của Ukraina cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự.
Trái phiếu chính phủ bằng đô la Mỹ của hai quốc gia này trong những tháng gần đây đã hoạt động kém hơn so với các đối tác của họ của họ khi bị các nhà đầu tư giảm tiếp cận trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và các đồng minh của Mỹ và Moscow. Vị thế tổng thể của Nga trên thị trường vốn đã bị thu hẹp trong những năm gần đây trong bối cảnh các lệnh trừng phạt và căng thẳng địa chính trị, nên giảm bớt nguy cơ ảnh hưởng lây lan qua các kênh này.
Không dừng lại ở đó, nội tệ của Nga và Ukraina cũng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Từ đầu năm đến nay, rouble Nga và hryvnia Ukraina là những đồng tiền hoạt động kém nhất trong nhóm các trường mới nổi, với rouble giảm 2%, trong khi hryvnia giảm gần 4%.
Ở một lĩnh vực khác, các doanh nhiệp phương Tây niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng có thể cảm nhận được hậu quả nếu Nga xâm lược Ukraina, mặc dù đối với các công ty năng lượng, bất kỳ tác động nào đối với doanh thu hoặc lợi nhuận đều có thể được bù đắp phần nào bởi giá dầu sẽ tăng vọt trong tình huống đó.
Công ty BP của Anh sở hữu 19,75% cổ phần của Rosneft, chiếm 1/3 sản lượng và cũng có một số liên doanh với nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga.
Công ty Shell nắm giữ 27,5% cổ phần trong nhà máy LNG đầu tiên của Nga, Sakhalin 2, chiếm 1/3 tổng lượng LNG xuất khẩu của cả nước, cũng như một số liên doanh với tập đoàn năng lượng quốc doanh khổng lồ Gazprom của Nga.
Công ty năng lượng Mỹ Exxon hoạt động thông qua một công ty con, dự án dầu khí Sakhalin-1, trong đó công ty thám hiểm Oil and Natural Gas Corp của nhà nước Ấn Độ cũng nắm giữ cổ phần. Công ty Equinor của Na Uy cũng đang có hoạt động trên nước Nga.
Đối với lĩnh vực tài chính, rủi ro tập trung cao nhất ở Châu Âu. Ngân hàng Raiffeisen International của Áo thu được 39% lợi nhuận ròng ước tính của năm 2021 từ công ty con ở Nga. Công ty OTP và UniCredit của Hungary khoảng 7% từ công ty con ở Nga, trong khi Societe Generale SOGN.PA có 6% lợi nhuận ròng thông qua các hoạt động bán lẻ của Rosbank. Theo tính toán của JPMorgan, công ty tài chính Hà Lan ING cũng có thu nhập từ Nga mặc dù chỉ chiếm chưa đến 1% lợi nhuận ròng.
Nhìn vào mức độ cho vay đối với Nga, các ngân hàng Pháp và Áo có mức cho vay lớn nhất trong số các ngân hàng phương Tây với lần lượt là 24,2 tỷ USD và 17,2 tỷ USD. Theo sau đó là các nhà cho vay của Mỹ với 16 tỷ USD, Nhật Bản 9,6 tỷ USD và các ngân hàng Đức 8,8 tỷ USD, theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
Các lĩnh vực khác cũng có tỷ suất lợi nhuận cao thu được liên quan tới Nga: Renault tạo ra 8% thu nhập từ cơ sở EBIT của mình ở Nga. Các cửa hàng của Metro AG (Đức) ở Nga tạo ra gần 10% doanh thu cho hãng, trong khi nhà sản xuất bia Đan Mạch Carlsberg sở hữu Baltika, nhà sản xuất bia lớn nhất của Nga với thị phần gần 40%, tạo ra 17% lợi nhuận ròng.
Nếu khủng hoảng ở Ukraina xảy ra, các ngân hàng phương Tây bị tổn thất nhiều nhất
Đối với hàng hóa, thị trường năng lượng đã nóng lên trong thời gian qua dù chưa xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina.
Mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất là khí đốt, bởi Châu Âu phụ thuộc khoảng 35% vào khí đốt tự nhiên của Nga, chủ yếu được dẫn qua các đường ống xuyên Belarus và Ba Lan đến Đức, đường ống Nord Stream 1 đi thẳng đến Đức và các đường ống khác qua Ukraine.
Khối lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu năm 2021 đã giảm sau khi các đợt phong tỏa làm giảm nhu cầu, và cho đến năm ngoái dòng chảy khí từ Nga sang châu Âu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, đẩy giá khí lên mức cao kỷ lục.
Các nhà phân tích dự báo xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga sang Tây Âu qua cả Ukraine và Belarus đều sẽ giảm đáng kể trong trường hợp Nga bị trừng phạt, cho rằng giá khí đốt có thể quay trở lại mức như quý 4/2021.
Thị trường dầu mỏ cũng có thể bị ảnh hưởng do nguồn cung hạn chế hoặc gián đoạn. Ukraine là nơi trung chuyển dầu của Nga sang Slovakia, Hungary và Cộng hòa Séc. S&P Global Platts cho biết quá trình vận chuyển dầu thô xuất khẩu của Nga sang khối này trong năm 2021 là 11,9 triệu tấn, giảm so với 12,3 triệu tấn vào năm 2020. JPMorgan dự báo căng thẳng giữa 2 nước có nguy cơ làm giá dầu tăng lên 150 USD/thùng, từ đó sẽ khiến lạm phát toàn cầu tăng gấp đôi lên 7,2% và GDP giảm một nửa xuống còn chưa đầy 1%.
Ngũ cốc cũng là mặt hàng có nguy cơ cao nếu xảy ra xung đột. Nga là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, trong khi Ukraine là nhà xuất khẩu ngô lớn thứ ba thế giới. Bất cứ sự gián đoạn nào trong dòng chảy cung ứng ngũ cốc từ khu vực Biển Đen đều có thể gây ra tác động lớn đến giá cả và tiếp tục thúc đẩy lạm phát lương thực vào thời điểm mà lạm phát giá tiêu dùng đang là mối quan tâm lớn của toàn cầu sau khi đại dịch Covid-19 gây tổn thất nghiêm trọng về kinh tế. Ukraine, Nga, Kazakhstan và Romania – những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn – đều phải sử dụng cảng ở Biển Đen để xuất khẩu hàng đi, trong khi các cảng này có thể đối mặt với sự gián đoạn nếu xảy ra bất kỳ hành động quân sự hoặc lệnh trừng phạt nào.
Tham khảo: Refinitiv