Thị trường trung thu năm 2017: Đồ chơi Việt lại “lên ngôi”
Chỉ còn vài ngày nữa là đến rằm Trung Thu, thị trường đồ chơi cho trẻ em bước vào thời kỳ “cao điểm.”
Nhìn chung, các loại đồ chơi Trung Thu năm nay đa dạng về mẫu mã và giá cả; trong đó đồ chơi truyền thống, hàng Việt rất được ưa chuộng.
Dạo qua các tuyến phố là “thủ phủ” của đồ chơi trẻ em như phố Hàng Mã, Lương Văn Can, đồ chơi Trung Thu ngập tràn.
Các loại đồ chơi được bày bán tại đây rất phong phú, đa dạng, từ những món đồ quen thuộc như mặt nạ, đèn lồng, đèn ông sao, đầu lân… tới các sản phẩm hiện đại như thú bông biết nói, ô tô, máy bay điều khiển từ xa…
Bên cạnh đó, những cửa hàng quần áo trẻ em mô phỏng trang phục của các nhân vật cổ tích cũng rất đông người qua lại.
Chị Nguyễn Thu Trang, chủ cửa hàng đồ chơi số 11, phố Hàng Mã cho biết, cũng giống như các năm trước, sức mua các sản phẩm đồ chơi vào dịp Trung Thu tại đây tăng gấp đôi so với ngày thường. Các sản phẩm đa dạng với số lượng lớn, đáp ứng hầu hết nhu cầu của khách hàng.
Cùng gia đình đi dạo phố Hàng Mã, chị Nguyễn Thu Vân ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hai vợ chồng chị mới mua cho con gái lớn một chiếc váy công chúa và một chiếc đầu lân loại nhỏ cho con trai.
Đây đều là những món đồ không sử dụng thường xuyên, nhưng vợ chồng chị Vân muốn tặng cho các con để Rằm Trung Thu của các con trở nên vui tươi, đáng nhớ hơn.
Trung Thu là ngày hội của trẻ em, bởi thế nên hầu hết các loại đồ chơi đều có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, chiều lòng các em nhỏ. Mặt hàng đồ chơi truyền thống còn có thêm điểm cộng là có tính giáo dục cao và giá cả rất phải chăng, không gây nguy hại đến sức khỏe.
Theo khảo sát, đèn ông sao có giá từ 15.000-50.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ, mặt nạ giấy bồi có giá 20.000-50.000 đồng/chiếc, đầu lân dao động từ 50.000-300.000 đồng/chiếc…
Đặc biệt, đèn kéo quân, loại đồ chơi tưởng như đã vắng bóng trong ký ức người trẻ, nay đã trở lại thị trường với mức giá từ 150.000-300.000 đồng/chiếc.
Đưa con trai đến phố Hàng Mã mua một chiếc trống cơm loại nhỏ với giá 50.000 đồng, anh Nguyễn Phúc Hưng ở phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, bản thân anh rất có cảm tình với các loại đồ chơi truyền thống.
Con trai anh năm nay 4 tuổi, ở nhà cháu có rất nhiều đồ chơi điện tử như xe điện, tàu điện… nhưng nhân dịp Trung Thu, anh đã mua cho cháu một chiếc trống cơm, vừa để cháu có thêm một món đồ chơi thú vị, vừa giúp cháu tiếp cận gần hơn với các sản phẩm truyền thống mà ngày bé anh Hưng từng gắn bó.
Giống như anh Hưng, rất nhiều ông bố, bà mẹ chuộng đồ chơi truyền thống, hàng nội địa được ưu tiên hơn so với các loại đồ chơi nhập ngoại, đặc biệt là các sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc.
Nghệ nhân vẽ trang trí mặt nạ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Nắm bắt tâm lý đó, các sản phẩm đồ chơi trong nước năm nay đã có rất nhiều sự cải tiến về mẫu mã để thu hút khách hàng.
Bên cạnh các loại đèn lồng nhấp nháy, phát nhạc, in hình các nhân vật hoạt hình nổi tiếng có giá bán từ 40.000-60.000 đồng/chiếc, hay đèn lồng tự lắp ghép với giá 80.000-100.000 đồng/chiếc, có rất nhiều đèn lồng in dòng chữ “Em yêu biển đảo quê em,” “Em yêu đất nước Việt Nam”…
Theo đánh giá của các bậc phụ huynh, những chiếc đèn này tuy đơn giản nhưng có màu sắc rực rỡ nên rất hợp sở thích của trẻ nhỏ, bên cạnh đó lại vừa có tính giáo dục, vừa không quá đắt đỏ với mức giá chỉ từ 10.000-30.000 đồng/chiếc.
Là chủ một cửa hàng bán đồ chơi trên phố Hàng Mã, chị Phạm Thị Hiền cho biết, đồ chơi là mặt hàng có thể bán quanh năm. Nhưng trong dịp Trung Thu, sức mua tăng mạnh, nhiều cơ quan, đơn vị mua với số lượng lớn để làm từ thiện hoặc tổ chức Trung Thu cho con em trong đơn vị.
Chị Hiền chia sẻ thực ra những món đồ chơi đơn giản, giá rẻ như chong chóng tre, đèn ông sao… lại là những mặt hàng có khả năng tiêu thụ ổn định hơn cả, sức mua thậm chí còn mạnh hơn cả những đồ chơi gắn đèn, gắn nhạc. Đôi khi có những nhóm bạn trẻ đến đây, cùng nhau mua mỗi người một chiếc bờm tóc hình tai mèo để chụp ảnh kỷ niệm là đã bán được rất nhiều.
Đồ chơi là món đồ không thể thiếu dịp Trung Thu. Với sự gia tăng, cải thiện cả về số lượng và chất lượng của sản phẩm đồ chơi nội địa, người Việt đã có thể yên tâm phần nào để mua tặng cho các em nhỏ.
Những món đồ chơi dung dị đầy màu sắc ấy sẽ góp phần xây dựng nên những câu chuyện cổ tích đêm trăng đẹp như trong mơ của trẻ em Việt Nam./.
Vietnam+