Thị trường vật liệu hàn tại Việt Nam đón đợt sóng đầu tư mới từ Thiên Nam
Việc phát triển kinh doanh ngành hàng vật liệu hàn là một trong những hướng phát triển tất yếu và vô cùng thuận lợi, bởi sản lượng sắt thép Thiên Nam cung ứng cho thị trường lên đến hơn 300.000 tấn/năm, dự kiến ngành vật liệu hàn sẽ đóng góp không nhỏ vào doanh thu hằng năm cho Thiên Nam.
Vật liệu hàn là một trong những ngành hàng phụ trợ công nghiệp quan trọng, không thể thiếu trong các lĩnh vực như: đóng tàu, sản xuất ô tô và xe máy và các ngành công nghiệp điện tử khác. Cách đây 10 năm trở về trước, do thiếu các ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam thường phải nhập khẩu các mặt hàng vật liệu hàn, chính vì vậy mà chi phí của các sản phẩm công nghiệp của nước ta tương đối cao hơn so với các quốc gia láng giềng.
Điển hình như ngành ôtô thì tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác. Trong khi tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam chỉ chiếm 10%, thì của Thái Lan là 85%, Malaysia 80% và 75% ở Indonesia. Tỷ lệ nội địa hóa thấp gây ra sự gia tăng chi phí. Chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước láng giềng, vì hầu hết các bộ phận, linh kiện cần phải nhập khẩu.
Thêm vào đó, ngành ô tô, đóng và sửa chữa tàu cũng là lĩnh vực quan trọng của ứng dụng hàn. Công nghiệp đóng tàu của Việt Nam là một trong những ngành lớn. Điều này làm cho ngành trở thành lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và được ưu tiên nhận nhiều ưu đãi khi đầu tư. Sự tăng trưởng trong thương mại biển đã làm tăng nhu cầu sản xuất tàu, do đó thúc đẩy nhu cầu về vật liệu hàn.
Nhu cầu của thị trường với ngành vật liệu hàn trong những năm qua khá lớn. Năm 2018 sản lượng sắt thép tiêu thụ nội địa đạt 21.75 triệu tấn (tăng 20.9% so với năm 2017), dự kiến năm 2019 tỷ lệ tăng trưởng của ngành là 10%. Nếu tính bình quân sản lượng que hàn chiếm 3 - 5% tổng sản lượng thép tiêu thụ (trừ thép dây) thì nhu cầu que hàn hàng năm của Việt Nam đang rất lớn. Trong khi đó, theo báo cáo của Vibiz năm 2017, sản lượng que hàn mà các công ty Việt Nam hiện đang cung cấp cho thị trường chỉ mới đạt hơn 52.000 tấn. Đây quả thực là một miếng bánh hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường vật liệu hàn, nhiều doanh nghiệp trong nước chú trọng đầu tư và dần chủ động sản xuất. Tuy vậy, thực tế ngành hàng vật liệu hàn Việt Nam trong những năm qua thực sự chưa tạo được đột phá bởi chủng loại hàng hóa chưa đủ đa dạng. Để duy trì cũng như tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được về việc tiếp cận thêm những công nghệ mới thế giới, đầu tư trang thiết bị máy móc để đáp ứng xu hướng phát triển của thị trường. Bên cạnh đó, không phải sản phẩm que hàn nào đưa vào kinh doanh cũng phát triển tốt bởi yếu tố cốt lõi nhất là doanh nghiệp phải nghiên cứu ra được công thức riêng cho ra sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Thiên Nam khai thác thị trường vật liệu hàn bằng nguồn lực sẵn có
Công ty Cổ Phần Thương Mại Xuất Nhập Khẩu Thiên Nam là một trong những doanh nghiệp hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực sắt thép, được xếp vào Top 50 doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam năm 2018 do Vietnam Report cùng Báo Vietnamnet bình chọn. Giai đoạn năm 2018-2022 Thiên Nam đã xác lập là giai đoạn phát triển bùng bổ, đầu tư phát triển chiều sâu và rộng trên nhiều lĩnh vực mới. Với lợi thế là đơn vị có kinh nghiệm nhiều năm trong kinh doanh sắt thép và có tiềm lực tài chính tốt, Thiên Nam hiện đang có sẵn một lượng lớn khách hàng là các nhà máy, xưởng, doanh nghiệp đóng tàu không chỉ mua sắp thép mà còn có nhu cầu sử dụng vật liệu hàn trong gia công, sản xuất hàng hóa thành phẩm cung cấp ra thị trường. "Việc phát triển kinh doanh ngành hàng vật liệu hàn là một trong những hướng phát triển tất yếu và vô cùng thuận lợi, bởi sản lượng sắt thép Thiên Nam cung ứng cho thị trường lên đến hơn 300.000 tấn/năm, dự kiến ngành vật liệu hàn sẽ đóng góp không nhỏ vào doanh thu hằng năm cho Thiên Nam, giúp công ty nhanh chóng hoàn thành mục tiêu như định hướng đã đặt ra", đại diện công ty cho biết.
Các sản phẩm vật liệu hàn thương hiệu Nahaviwel
Một trong những đối tác quan trọng đối với Thiên Nam để đầu tư vào ngành hàng vật liệu hàn là Công ty TNHH Nahaviwel. Nahaviwel là 1 trong 3 nhà sản xuất và cung ứng vật liệu hàn lớn nhất của Việt Nam, dẫn đầu trong xuất khẩu, được TP.HCM chọn làm sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2018-2020. Công ty có hệ thống nhà xưởng, máy móc, nhân lực và danh mục sản phẩm chất lượng cực tốt, đạt quy chuẩn chất lượng của Việt Nam và thế giới, trong đó phải kể đến quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001(TUV), các đăng kiểm ABS (Mỹ), Lloyd’s (Anh), VR (Việt Nam), và các tổ chức khác như BKI (Indonesia), BV (Pháp), DNV (Na Uy), JIS (Nhật), KR (Hàn Quốc). Trong những năm qua, Nahaviwel chú trọng vào thị trường xuất khẩu khi xuất bán hàng đến 30 quốc gia trên khắp các châu lục. Ở thị trường trong nước, Nahaviwel là một thương hiệu chất lượng được sử dụng trong những công trình trọng điểm đòi hỏi chất lượng cao của quốc gia. Với nền tảng như hiện tại, khi Thiên Nam hợp tác cùng Nahaviwel hứa hẹn sẽ nhanh chóng phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, đa dạng hóa danh mục hàng hóa và mở rộng kênh bán hàng, đưa sản phẩm ngành hàng vật liệu hàn tiến sâu vào thị trường Việt Nam, đồng thời tăng thêm sản phẩm mới để cung cấp cho thị trường xuất khẩu vốn là thế mạnh của Nahaviwel trong nhiều năm qua.
Theo thống kê của doanh nghiệp, tính riêng 6 tháng đầu năm, doanh số xuất khẩu các mặt hàng vật liệu hàn thương hiệu Nahaviwel đạt một triệu USD (chưa tính thị trường nội địa). Dự kiến, sau khi Thiên Nam đầu tư góp vốn, sản lượng tiêu thụ ngành hàng này sẽ tăng trưởng ít nhất 25%.