'Thị trường Việt Nam sẽ diễn biến rất tốt trong vài thập kỷ tới'
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nhận định các thị trường cận biên, trong đó có Việt Nam, đang diễn biến tốt hơn các thị trường mới nổi khi nhà đầu tư tìm cách tránh cuộc chiến thương mại leo thang, USD mạnh lên và lãi suất tăng.
- 21-02-2018Quỹ đầu tư vừa rót 40 triệu USD vào Thế giới Di động sẽ tiếp tục giải ngân thêm 100 triệu USD vào thị trường Việt Nam
- 25-01-2018Phó Tổng giám đốc HSC: Có 4 yếu tố để nhà đầu tư nước ngoài quyết định phân bổ tài sản vào thị trường Việt Nam
- 10-10-2017Tin rằng Grab, Uber chưa thể chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, hàng loạt quỹ đã “ôm hận” với khoản đầu tư vào Vinasun
Trong bản dự báo công bố hôm 20/9, IIF ước tính dòng vốn đầu tư bất thường chảy vào các quốc gia thị trường cận biên tăng từ 124 tỷ USD năm 2017 lên 145 tỷ USD trong năm 2018.
Dự báo này thấp hơn con số 152 tỷ USD mà IIF đưa ra hồi đầu năm nhưng vẫn ở mức tốt trong bối cảnh thị trường toàn cầu rung lắc mạnh. IIF cũng cảnh báo số liệu này có rủi ro gây hiểu nhầm bởi đà tăng có thể do một quốc gia như Qatar – hưởng lợi từ dòng vốn mới sau giai đoạn rất khó khăn năm 2017.
IIF kết luận các thị trường cận biên cuối cùng vẫn ở vị thế tốt hơn các thị trường mới nổi với dòng vốn vào chiếm 5% GDP năm 2018, cao hơn con số 3 – 4% tại những thị trường mới nổi.
Ông Marshall Stocker. Ảnh: Finance Asia
Marshall Stocker, chiến lược gia vốn vĩ mô toàn cầu tại Eaton Vance, có chung nhận định. Ông cũng lý giải tại sao Indonesia và Phillippines gây lo ngại trong khi nhà đầu tư nên chú ý trước tiên tới Việt Nam.
Kể từ đầu năm, Chỉ số MSCI các thị trường cận biên (MSCI FM Index) giảm sâu hơn 3% so với chỉ số MSCI các thị trường mới nổi (MSCI EM Index) chủ yếu là do Argentina.
Argentina hồi đầu năm chiếm tỷ trọng 24% trong MSCI FM Index nhưng giờ chỉ chiếm 15%, sau Kuwait và Việt Nam. Peso Argentina đã mất hơn 50% giá trị so với USD dẫn đến chỉ số chứng khoán MCSI Argentina giảm 52% trong 8 tháng đầu năm.
Theo Stocker, thị trường cận biên không chịu nhiều thách thức như thị trường mới nổi như USD mạnh, chiến tranh thương mại hay giảm thanh khoản của các ngân hàng trung ương. Thị trường cận biên ít liên quan đến kinh tế thế giới hơn nên ít nhạy cảm với những xu thế vĩ mô hơn những quốc gia xếp trên.
Việt Nam có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhiều quốc gia nhận ra rằng chuỗi cung ứng của họ quá tập trung ở Trung Quốc và đang di chuyển dần sang nước khác. Quá trình này dự báo tăng tốc trong tương lai.
Stocker cho rằng tại Philippines, nhà đầu tư cảm thấy bất ổn về tân thống đốc ngân hàng trung ương. Một trong những điều đầu tiên ông này làm là hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, báo hiệu chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh nhà đầu tư dự báo lạm phát tăng.
Trên thực tế, lạm phát tháng 8 tại Philippines là 6,4%, vượt vùng mục tiêu 2 – 4% của chính phủ và đang cao nhất gần 10 năm. Trong khi đó, kinh tế Indonesia đã đi đúng hướng dưới thời Tổng thống Joko Widodo và Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani nhưng nước này chuẩn bị bước vào đợt bầu cử mới.
Khi được hỏi Stocker có quan điểm tích cực nhất về quốc gia nào, ông cho biết ông thích Kazakhstan nhưng Việt Nam đáng chú ý nhất. "Đó là quốc gia mà các nhà đầu tư nên mua và nắm giữ dài hạn vì chương trình cải cách của chính phủ vẫn đi đúng hướng dù tiến độ còn chậm".
VNIndex giảm 25% trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 7, Stocker vẫn tin Việt Nam là thị trường sẽ diễn biến rất tốt trong vài thập kỷ tới. Chiến lược tốt nhất là mua vào. Việt Nam là cái tên cần có trong mọi danh mục đầu tư các thị trường mới nổi và cận biên.
Stocker cảnh báo Bangladesh sẽ đi ngược hướng với Việt Nam dù hai bên có cùng tốc độ tăng trưởng. Chính quyền Bangladesh đang bảo lãnh cho nhiều ngân hàng hoạt động kém mà không tim hiểu xem chuyện gì đang xảy ra.
Theo Finance Asia
Người đồng hành