Thị trường xăng dầu: Nhà nước điều tiết giá thay cho việc quản lý giá
Quy định về giá xăng dầu cần được điều chỉnh để vai trò của thị trường cân bằng với vai trò điều tiết của Nhà nước không mang tính hành chính.
- 16-05-2017Hiệp hội xăng dầu ủng hộ tăng thuế môi trường lên 8.000 đồng/lít
- 05-05-2017Giá xăng dầu giảm hơn 300 đồng/lít từ 15h ngày 5/5
- 15-04-2017Kết quả xử lý sau thanh tra tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
Từ năm 2014, thị trường xăng dầu Việt Nam vận hành theo Nghị định 83 của Chính phủ, từng bước đã đưa hoạt động kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh tạo nguồn cung ổn định.
Tuy nhiên, thị trường xăng dầu Việt Nam đã hội nhập sâu với thị trường xăng dầu khu vực và thế giới, vì vậy việc quản lý, điều tiết và vận hành thị trường đang đòi hỏi một cơ chế vận hành mới phù hợp. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá cho biết một vài ý kiến về vấn đề này.
Nhà nước thay quản lý giá bằng điều tiết giá xăng dầu
PV: Thưa ông, sau gần 3 năm vận hành theo Nghị định 83 của Chính phủ, thị trường xăng dầu Việt Nam đã có những thay đổi nào đáng kể?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Cái lớn nhất mà Nghị định 83 mang lại cho thị trường xăng dầu Việt Nam là thực hiện được cơ chế thị trường dưới sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo nguồn cung xăng dầu chưa bao giờ bị đứt đoạn mặc dù sản lượng xăng dầu thế giới nhiều lúc đã có những biến động nhất định.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá nêu quan điểm về việc điều hành giá xăng dầu.
Những năm qua, thị trường xăng dầu đã phát triển mạnh, đảm bảo được nguồn cung trong bất kỳ lúc nào thị trường có nhu cầu. Cùng với đó, giá xăng dầu trong nước hiện nay cũng đã tiệm cận được với những biến động của thị trường xăng dầu thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển, hội nhập và phù hợp với thông lệ quốc tế, cơ chế điều hành giá xăng dầu đòi hỏi phải tiệm cận hơn so với thị trường, phải thay đổi căn bản theo tư tưởng của Luật giá, tức là Nhà nước điều tiết giá mà không phải quản lý giá.
Hướng cải tiến vẫn có vai trò của Nhà nước để điều tiết giá, nhưng sự điều tiết phù hợp với thị trường hơn. Từ đó, doanh nghiệp vừa được bảo đảm quyền theo Luật Doanh nghiệp, vừa chủ động tìm bạn hàng, thời gian, giá cả mua bán, phương thức thanh toán theo hướng hợp lý để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.
Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá
PV: Theo phân tích của ông, Nghị định 83 vẫn còn tồn tại những bất cập. Trong thời gian tới, chúng ta nên xóa bỏ hay sửa đổi Nghị định này theo hướng nào?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi cho rằng, kinh doanh xăng dầu cần phải được nghiên cứu để sửa bớt những điều kiện về kho tàng, cầu cảng. Đặc biệt, cần tập trung hơn vào điều kiện kiểm soát chất lượng cháy nổ theo chuẩn của nghị định xăng dầu. Bởi đây là những điều kiện không thể thiếu.
Những vấn đề khác như an ninh năng lượng đối với xăng dầu trong Nghị định 83 cũng đã đề cập. Tuy nhiên, ngoài những định hướng về hạn ngạch tối thiểu, nhà nước phải hướng dẫn cụ thể hơn để các doanh nghiệp đa dạng hóa phương thức kinh doanh, phòng ngừa rủi ro, tiếp cận được những phương thức kinh doanh hiện đại của thị trường thế giới.
Thêm vào đó, công tác dự báo biến động của thị trường xăng dầu cũng phải có thiết chế, thể chế để dự báo sát hơn, chuẩn hơn và được kết nối với các trung tâm dự báo khác. Liên quan đến giá, sẽ phải sửa rất nhiều để làm sao vai trò của thị trường cân bằng với vai trò điều tiết của Nhà nước, điều tiết không mang tính hành chính nữa.
Cụ thể là Nhà nước nên bỏ quy định về khung giá tối đa được điều chỉnh hiện nay; bỏ điều hành về mức giá cụ thể mà thay vào đó là tỷ lệ tăng – giảm. Nhà nước chỉ áp dụng khung tối đa khi thị trường bị “sốc”, bình thường hãy để cho thị trường tự điều chỉnh.
Đối với chu kỳ điều chỉnh giá, quy định nên thu hẹp thời gian để tiến tới điều chỉnh giá bám sát với giá thị trường thế giới hằng ngày. Trước mắt, có thể lùi lại theo các phương thức kinh doanh xăng dầu 5:1:5 tức ra 15 ngày rút xuống còn 10 ngày; hay 2:1:2 tức là chỉ còn 5 ngày để giá xăng dầu bám sát hơn với thực tế. Nếu cứ để 15 ngày như hiện nay, giá xăng dầu không rơi vào chu kỳ nào dẫn đến lệch pha với biến động của thị trường, không đảm bảo được mục tiêu bám sát giá thị trường thế giới.
Quỹ Bình ổn và thuế cần điều chỉnh trước tiên
PV: Quỹ Bình ổn giá và thuế bình quân gia quyền đối với xăng dầu cũng đang có nhiều ý kiến rất khác nhau. Theo ông nên giải quyết hai yếu tố này như thế nào cho phù hợp?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Quỹ Bình ổn giá cũng phải xem xét lại. Có thể cải tiến trích lập quỹ như hiện nay bằng việc, khi nào doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có lợi nhuận mới trích quỹ bình ổn giá. Không nên lúc nào cũng trích quỹ cố định kể cả khi giá xăng dầu tăng hay giảm, việc này khiến người tiêu dùng họ cảm thấy không ổn.
Thêm vào đó, vai trò của doanh nghiệp tham gia vào bình ổn thị trường cũng phải góp sức cùng với người tiêu dùng. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ phần kinh doanh kèm theo lợi ích nhất định cùng người tiêu dùng để bình ổn giá xăng dầu.
Việc bình ổn này được coi như bình ổn những mặt hàng bình thường khác, tạo ra kết nối bền chặt giữa người mua và người bán. Liên kết này càng bền chặt thì doanh nghiệp càng phát triển.
Đối với thuế bình quân gia quyền, Nhà nước phải chia sẻ trong vấn đề linh hoạt cơ chế thuế, trong đó cần sửa và hướng dẫn rõ. Nên tính theo thuế với lãi suất thấp nhất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm bạn hàng, nơi nhập hàng có lợi nhuận.
Theo tôi, cần phải sửa ngay bởi loại thuế này không rơi vào ai cả. Ví dụ có 10 đầu mối họ nhập xăng dầu ở các thị trường khác nhau, hưởng mức thuế suất khác nhau, bình quân lại có thể hưởng lại nếu nhập được thị trường thấp, nhưng có doanh nghiệp bị thiệt do nhập ở những thị trường cao.
Cho nên, dù doanh nghiệp luôn phải tính toán việc mua bán ra sao cho đảm bảo mức thuế thu nhập bình quân, nhà nước cũng không thể lấy mức thuế thấp nhất vì như thế sẽ không tạo được sức ép với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp không chịu sức ép sẽ không có lợi cho người tiêu dùng.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
VOV