100 năm nữa, kênh đào Panama ra sao?
100 năm qua, kênh đào Panama đã trở thành khoản đầu tư tốt đối với nước Mỹ. Giờ đây, Trung Quốc đang để mắt tới Panama.
- 10-05-2014Chuyện về tỷ phú Trung Quốc xây kênh đào vượt Panama
- 15-06-2013Quốc hội Nicaragua phê chuẩn dự án kênh đào "đối đầu" với kênh Panama
- 14-06-2013Công ty Trung Quốc xây kênh đào 40 tỉ USD 'lật đổ' kênh đào Panama
- 26-12-2011Phát hiện ngôi mộ đầy cổ vật bằng vàng và đá quý ở Panama
Năm 1914, khi thế giới bước vào Chiến tranh thế giới thứ nhất, tờ The Economist xuất bản kỳ đặc biệt dài 176 trang viết về sự kiện mà tạp chí này cho là “thành tựu lớn của hòa bình”: khai trương kênh đào Panama. “Sẽ phải mất một thời gian dài để có lãi từ thu phí, nhưng ngay lập tức sẽ có những hiệu ứng lớn về thương mại. Cuối cùng thì nơi này sẽ trở thành một trong những con đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới”, Economist viết.
Nhận định này đúng một nửa. Trên thực tế, chiến tranh thế giới thứ nhất đồng nghĩa với gần như không có hoạt động thương mại nào đi qua kênh đào này trong 6 năm đầu tiên. Tuy nhiên, từ năm 1921 trở đi, Panama nhanh chóng mang lại những khoản lợi nhuận lớn, đặc biệt là đối với Mỹ - chủ sở hữu của kênh đào này.
Cuối tuần vừa qua, báo chí nhắc nhiều đến Panama nhân kỷ niệm 100 năm Panama đi vào hoạt động. Panama vẫn được hi vọng sẽ biến đổi giao dịch thương mại giữa các đại dương.
Tuy nhiên, cũng vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm của Panama, chính phủ Ai Cập vừa thông báo kế hoạch nâng cấp kênh đào Suez lần đầu tiên trong lịch sử 145 năm. Nicaragua cũng mở con đường dài 278 km phục vụ cho dự án kênh đào trị giá 40 tỷ USD nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Đây là kết quả hợp tác giữa một tỷ phú Trung Quốc vốn được ít người biết đến và chính phủ Nicaragua.
Thêm vào đó, ngày 8/8, một đoàn các doanh nhân Trung Quốc (từ Công ty Cơ khí cảng Trung Quốc) đã tới thăm Panama để bàn về ý tưởng xây dựng và tài trợ cho kế hoạch mở rộng kênh đào này. Giống như cách đây 100 năm, rất nhiều lợi ích thương mại và địa chính trị là nét hấp dẫn của Panama.
Tuy nhiên, năm 1914, cuộc cạnh tranh không khốc liệt như vậy. Đó là “bình minh” của thế kỷ mà người Mỹ chiếm ưu thế. Bờ Tây của nước Mỹ đang tận hưởng cơn sốt dầu mỏ và muốn có một con đường rẻ hơn để vận chuyển hàng hóa và nhiên liệu giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Kênh đào Panama rút ngắn khoảng cách 12.600km từ New York đến San Francisco, đồng thời cũng có vị trí mang tính chiến lược.
Các chủ đầu tư Mỹ nhanh chóng thu được lợi nhuận. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, thương mại giữa Mỹ và châu Á tăng vọt, vượt qua khối lượng giao dịch giữa bờ Đông và bờ Tây. Sau đó, sự phát triển của các đường cao tốc nối giữa các bang và đường sắt khiến kênh đào Panama bị cạnh tranh, dẫn đến hiệp ước Torrijos-Carter trao quyền kiểm soát kênh đào này cho Panama vào năm 1999.
Panama đã làm tốt công việc quản lý kênh đào. Tuy nhiên, Panama đang bị cạnh tranh từ mọi phía. Khi Cục quản lý kênh đào Panama (ACP) bắt đầu lên kế hoạch cho việc mở rộng cách đây 10 năm, họ muốn giành ưu thế trước kênh đào Suez bằng cách cho phép tàu chở đến 13.000 container có thể đi qua (hiện tại, khối lượng tối đa là 5.000). Tuy nhiên, giờ đây các con tàu đã có thể chở tối đa 18.000 container. Kênh đào Suez cũng cho phép những con tàu lớn hơn lưu thông và từ đó nâng tỷ trọng lưu lượng giao thông giữa châu Á và bờ Đông nước Mỹ đi qua kênh đào này từ 30% cách đây 4 năm lên 42% vào tháng 10 năm ngoái.
Một vấn đề khác đối với Panama là sản xuất đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác ở Đông Á, gần hơn với con đường của kênh đào Suez.
Panama cũng đối mặt với nhiều thách thức ở quê nhà. Các vấn đề về kỹ thuật hay tranh cãi giữa ACP và các nhà thầu châu Âu khiến dự án mở rộng trị giá 5,25 tỷ USD bị chậm lại ít nhất 1 năm, kéo theo đó là chi phí tăng lên.
Nicaragua đang cố gắng phục hồi lại ước mơ từ thế kỷ 19. Nhiều người nghi ngờ cam kết của Wang Jing – tỷ phú 41 tuổi người Trung Quốc – về việc xây dựng kênh đào cạnh tranh với Panama. Tuy nhiên, cả siêu dự án này và vai trò của nhà thầu Trung Quốc trong việc mở rộng Panama đều cho thấy Trung Quốc muốn giành quyền kiểm soát.
Panama cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Mỹ. Vận chuyển một chiếc hộp từ Thượng Hải đến New York qua Panama mất 26 ngày trong khi chuyển chiếc hộp đó tới California và hoàn thành bằng tàu hỏa chỉ mất 21 ngày. Các cảng ở bờ Tây cũng đang hiện đại hóa để ‘đánh bại kênh đào”.
100 năm đã trôi qua, giờ đây câu hỏi đặt ra đối với kênh đào Panama là làm thế nào để đối mặt với những khó khăn mới trong 100 năm tiếp theo.
Theo Tùng Dương