MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

100 tỷ USD vốn ngoại vẫn chưa thấm

28-03-2013 - 08:26 AM |

Bao giờ chúng ta có nền công nghiệp phụ trợ đáp ứng cho mục tiêu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020? Bao giờ chúng ta có thể phát triển liên kết vùng một cách mạnh mẽ và chuyên nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị sản xuất tham gia một cách sâu sắc vào đời sốn kinh tế toàn cầu? Đó là những câu hỏi lớn đặt ra thường trực nhiều năm qua, không chỉ nhân dịp kỷ niệm tròn 25 năm mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tại Hội nghị Tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm qua (27/3) tại Hà Nội, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, UBND thành phố mới ban hành Chỉ thị số 26 về tăng cường đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó, chú trọng thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê

Thực tế, những năm gần đây thu hút đầu tư nước ngoài vào Hải Phòng tăng mạnh, bình quân tăng 30%/năm. Trong đó, 90% các nhà đầu tư Nhật Bản, thu hút được các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản như dự án Nhà máy sản xuất lốp ô tô Bridgestone với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD; dự án sản xuất dược phẩm của Tập đoàn Nipro Pharma Corporation, có vốn đầu tư 250 triệu USD tại KCN VSIP; dự án Nhà máy sản xuất máy photocopy của hãng Fuji Xerox, có tổng mức đầu tư 187,5 triệu USD... Đó đều là những dự án công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường và thời gian triển khai nhanh.

Năm 2012, Hải Phòng thu hút được hơn 1,2 tỷ USD vốn FDI, vươn lên trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn ngoại. Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Hải Phòng tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường bộ, hệ thống các trường dạy nghề, đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm giúp các nhà đầu tư tối đa hóa được thời gian, công sức.

Những câu chuyện thành công như ở Hải Phòng khẳng định vai trò to lớn của FDI trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, một trong những câu hỏi lớn, mà bao cuộc hội thảo đã đặt ra, hàng nghìn ý kiến tranh luận dường như vẫn chưa có lời đáp thấu đáo, đó là bao giờ chúng ta có nền công nghiệp phụ trợ đáp ứng cho mục tiêu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020. Bao giờ, chúng ta sẽ phát triển liên kết vùng mạnh mẽ nhất, chuyên nghiệp nhất để tạo ra chuỗi giá trị sản xuất tham gia một cách sâu sắc vào đời sốn kinh tế toàn cầu?

Dù không muốn thì chúng ta vẫn phải nhìn vào sự thật là tỷ trọng vốn FDI trong các lĩnh vực còn mất cân đối, nhất là lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp thấp, vốn giải ngân thấp, mới đạt 47%. Dự án FDI hàm lượng công nghệ cao chỉ chiếm  5-6%, một số ít là công nghệ lạc hậu. Đầu tư vào công nghiệp phụ trợ còn ít, tác động lan tỏa từ khu vực FDI chưa cao, việc cung cấp linh kiện phụ tùng cho DN FDI còn kém, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng còn thấp. 

Tính đến hết tháng 2/2013, Việt Nam đã thu hút được 14.550 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 211 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 100 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các nhà thầu Việt Nam hầu như không tự sản xuất được các loại máy móc thiết bị chính phục vụ cho các dự án lớn.
 
Phần máy móc thiết bị có giá trị, mang lại lợi nhuận cao của các nhà máy điện, xi măng hay dầu khí chủ yếu phải giao cho các nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm. Về năng lực công nghệ kỹ thuật, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI được trang bị công nghệ, máy móc hiện đại và hoàn chỉnh, đa số doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, vì vậy, chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của nhà lắp ráp...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thực tiễn  25 năm qua cho thấy việc  thu  hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.

Bên cạnh khẳng định những kết quả tích cực đã đạt được, Thủ tướng cũng  nêu rõ: “Tất cả những hạn chế, bất cập này đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, tổng thể để sớm khắc phục trong thời gian tới”.

Để thực hiện tốt mục tiêu tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần có chính sách ưu đãi cao, đủ sức hấp dẫn đối với một số dự án hạ tầng kinh tế, xã hội có quy mô lớn, có tính lan toả và tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội.…

Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế phân cấp và công tác cấp chứng nhận đầu tư; phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương để hạn chế thấp nhất những sai sót trong thu hút đầu tư,  gây phương hại đến lợi ích chung của đất nước. Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần thường xuyên nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, nhất là việc tạo thuận lợi trong lĩnh vực cấp phép và giải quyết thủ tục hành chính.

Theo Mai Hoa

duchai

Trở lên trên