70% sữa trên thị trường là sữa hoàn nguyên
Theo ông Hà Quang Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk), hiện nguồn cung sữa tươi chỉ đáp ứng 27% nhu cầu sữa tươi trong nước, khoảng 70% sữa còn lại là sử dụng sữa hoàn nguyên để sản xuất.
Sáng nay (26/4), Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến “Thị trường sữa: Giá cả và chất lượng”. Tại đây, những vấn đề liên quan đến chất lượng sữa đã được các chuyên gia bộ, ngành liên tục đề cấp đến.
Nguồn cung sữa tươi là rất ít
Trả lời câu hỏi của độc giả về nguồn cung sữa tươi trên thị trường hiện nay, ông Hà Quang Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nội cho biết, nguồn cung sữa tươi chỉ đáp ứng 27% nhu cầu sữa tươi trong nước, còn khoảng 70% là sữa hoàn nguyên. Điều này cho thấy nguồn sữa tươi rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Điều này cũng giống với nhiều thị trường khác, bởi ngay cả các nước phát triển thì họ cũng sử dụng rất nhiều sữa hoàn nguyên để sản xuất sữa tiệt trùng.
Cũng theo ông Tuấn, giá thu mua một lít sữa tươi hiện là 14.000 đồng/kg, nếu cộng thêm chi phí quảng cáo, bán hàng, quản lý thì sản xuất sữa tươi tiệt trùng từ 100% sữa tươi thì doanh nghiệp chỉ hòa hoặc lỗ. “Đối với Hanoimilk, do sản lượng thu gom sữa tươi không nhiều, không đủ khối lượng nên chúng tôi chỉ tập trung sữa tươi để bổ sung vào sản phẩm sữa hộp, sữa chua chứ không sản xuất sữa tươi tiệt trùng”, ông Tuấn nói.
Liên quan đến giá và chất lượng sữa trên thị trường, ông Phạm Vũ Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lí giá, Bộ Tài chính cho biết, trước ngày 1/1/2013, thời điểm Luật Giá có hiệu lực, chúng ta có Pháp lệnh Giá, Nghị định của Chính phủ về quản lý giá. Theo đó, giá sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi là mặt hàng bình ổn giá, khi nhà sản xuất, phân phối điều chỉnh giá bán thì phải đăng ký với cơ quan quản lý. Trên cơ sở đó cơ quan quản lý rà soát các yếu tố để xem đăng ký giá có hợp lý không, chứ nhà nước không quản lý giá bán mặt hàng này.
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng, Phó Phòng quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, về mặt khoa học sữa bột là nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm dành cho những đối tượng khác nhau như sữa cho trẻ em, người già, bà mẹ mang thai…
Cũng theo ông Hoàng, trước đây sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ nhỏ được gọi là sữa bột. Tuy nhiên, nó chỉ chứa 15-40% sữa bột tùy theo giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ, ngoài ra còn có chứa vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng khác… các thành phần này được phối trộn với nhau theo công thức nhất định. Vì vậy người sản xuất đặt tên dinh dưỡng công thức dành cho trẻ. "Bộ Y tế cũng đã xây dựng quy chuẩn các công thức sữa dinh dưỡng dành cho trẻ, trong đó phân biệt rõ sữa bột chỉ là sữa nguyên liệu, còn tên gọi sữa bột cho trẻ em trước đây thì cần phải thay đổi cho đúng là sữa công thức dinh dưỡng hoặc thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em", ông Hoàng nói.
Người Việt Nam vẫn rất sính ngoại
Trả lời câu hỏi độc giả về việc tại sao trên các diễn đàn hoặc các sạp tạp hóa vẫn đang bán rất nhiều các loại sữa xách tay, sữa bột, sữa bán theo kg với số lượng lớn mà không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng?
Ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tất cả các loại sữa khi đi vào thị trường Việt Nam phải có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Các nhà phân phối phải có đầy đủ hồ sơ theo quy định của luật pháp mới được thông qua.
Cũng theo ông Lam, ở biên giới theo quy định hiện hành của Chính phủ, có các lực lượng kiểm soát soát như hải quan, biên phòng, cảnh sát biển. Còn ở trong nội địa có lực lượng như công an, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành. Chúng ta có lực lượng như vậy nhưng hiện nay trên thị trường vẫn còn những loại sữa này lưu hành. Đương nhiên những loại sữa này không theo quy trình thủ tục, như vậy nên không được các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam kiểm tra về chất lượng. Và không loại trừ trong đó có số lượng sữa nhập lậu, các loại sữa này rất nguy hiểm, vì có thể là sữa kém chất lượng, hai là sữa quá hạn sử dụng, người ta tẩy xóa lại để bán ra thị trường để kiếm lời.
Lý giải về việc tại sao các mặt hàng này tồn tại trên thị trường, ông Lam cho rằng, câu chuyện này bắt nguồn từ việc bản thân những người làm ăn phi pháp tìm mọi cách để kinh doanh buôn bán kiếm lời những mặt hàng như thế này. Cùng với đó, tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng vẫn còn cao.
Để giải quyết vấn đề này, ông Lam cho rằng, trước hết người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình, khi mua sản phẩm phải tìm hiểu rõ, lấy hóa đơn để khi có tranh chấp thì các cơ quan có cơ sở để xử lý.
Cùng với đó, bản thân các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam kể cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải định hướng cho người tiêu dùng. "Tôi nghĩ nếu làm được như vậy thì sữa lậu, sữa kém chất lượng sẽ giảm. Đương nhiên các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng luật pháp. Có như vậy chúng ta mới bảo vệ được người tiêu dùng và làm cho thị trường sữa lành mạnh hơn", ông Lam chia sẻ.
Theo Yến Nhi