MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các hãng bảo hiểm đau đầu chuyện khách hàng trục lợi

05-12-2012 - 17:09 PM |

Chiếm đến 10% số tiền bồi thường mỗi năm, các vụ trục lợi bảo hiểm khiến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đau đầu.


Tại một cuộc hội thảo chuyên đề về trục lợi bảo hiểm do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức gần đây, đại diện Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam đã bày tỏ sự lo ngại về tình trạng trục lợi trong lĩnh vực bảo hiểm có nguy cơ tăng cao. 

Năm 2010, Bộ Tài chính tiến hành khảo sát tại 5 doanh nghiệp có thị phần bảo hiểm lớn nhất ở Việt Nam. Kết quả cho thấy, số tiền bồi thường bảo hiểm do các hành vi trục lợi đã lên tới 10% tổng chi phí bồi hoàn cho khách hàng mỗi năm. Con số này được cho là cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Trục lợi bảo hiểm là các hành vi làm giả, sai lệch hồ sơ, vụ việc... nhằm kiếm được số tiền bồi thường lớn hơn. Vấn nạn này thực sự gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp bởi khoản tiền trục lợi không phải là sở hữu của riêng công ty bảo hiểm mà còn từ quỹ bảo hiểm do người dân, tổ chức, đoàn thể xã hội đóng góp. Chưa kể, một phần trong đó còn là khoản trích từ ngân sách nhà nước.

Đồng quan điểm, trong kỷ yếu "Đánh giá thực trạng và giải pháp phòng chống trục lợi bảo hiểm xe cơ giới và con người" phát hành tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó tổng thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cũng cho rằng hiện tượng trục lợi bảo hiểm là nhận thức của người dân về chế độ bảo hiểm chưa đúng. Nhiều chủ xe tham gia bảo hiểm là để đối phó chứ chưa hiểu rằng mục đích của bảo hiểm tài sản là khôi phục lại tình trạng tài chính ban đầu khi tổn thất xảy ra. Vì chưa hiểu rõ nên họ mới sinh ra hành vi kiếm lợi qua con đường này.

Theo đó, những dấu hiệu dễ thấy đối với hồ sơ trục lợi bảo hiểm là thời gian rủi ro gần với ngày cấp bảo hiểm, nguyên nhân khai báo không rõ ràng, không phù hợp với các tổn thất của xe, không thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm khi có tai nạn, không giữ nguyên hiện trường...

Nguồn tin từ một công ty bảo hiểm lớn cho biết, hiện tượng trục lợi bảo hiểm ngày càng phổ biến. Doanh nghiệp này đã từng thua kiện nhiều vụ khi bị khách hàng đòi bồi thường mà trước đó không đóng phí bảo hiểm. Hãng bảo hiểm hy vọng có chế tài đủ mạnh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty bảo hiểm, xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận.

Cũng nhức nhối với vấn đề trên nhiều năm nay, nguồn tin từ Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, số tiền thất thoát do trục lợi bảo hiểm khá lớn, ước tính riêng về xe cơ giới hằng năm đã chiếm trên 10% tổng số tiền bồi thường. Năm 2011, trường hợp trục lợi bảo hiểm do tai nạn, thiệt hại trên 30 triệu đồng được Bảo Việt phát hiện lên đến 80 vụ.

Một số kinh nghiệm được Bảo Việt thực hiện để chống trục lợi bảo hiểm như đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho các đại lý, trực tai nạn 24/7, xây dựng mạng lưới cứu hộ miễn phí 24/7... Tuy nhiên, doanh nghiệp này nói riêng và các công ty bảo hiểm nói chung vẫn gặp không ít khó khăn trong việc hạn chế những trường hợp gian lận. Bởi nhiệm vụ giám định tổn thất chưa được đào tạo chuyên nghiệp, giám định viên cũng không có chức năng và thẩm quyền điều tra như cơ quan chức năng...

Thêm đó, việc chống trục lợi bảo hiểm chưa được thể chế, luật hóa tạo hành lang pháp lý hỗ trợ người phát giác cũng như chưa xử phạt nghiêm để răn đe những hành vi gian lận này. "Bảo hiểm là để bảo vệ con người trước những rủi ro bất ngờ và tích lũy cho tương lai. Những vụ trục lợi đã và đang cản trở hoạt động của các công ty trong lĩnh vực này nên hiện nay, chúng tôi rất cần một cơ chế luật phù hợp thực tiễn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên trong tham gia bảo hiểm", đại diện công ty Bảo Việt đề xuất.

Tính đến tháng 7/2012, Công ty bảo hiểm Bảo Việt đã thống kê 5 vụ tai nạn có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm, với số tiền thiệt hại từ 5 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Các sai phạm thường là khai báo sai sự cố; hiện trường không phù hợp với lời khai của người mua bảo hiểm; sau khi xảy ra rủi ro, khách hàng mới mua bảo hiểm rồi làm lệch thời điểm xảy ra tai nạn...

Năm 2011, doanh nghiệp này phát hiện 4 vụ gian lận bảo hiểm có giá trị hơn 200 triệu đồng. Số vụ có mức bồi thường tương đương ở các năm 2008, 2009 và 2010 lần lượt là 9, 10 và 5 vụ.



Theo Xuân Ngọc
vnexpress

kyanh

Trở lên trên