Các 'siêu công ty' nước ngoài đang tạo nên 'trục đầu tư' mới ở Việt Nam
Với sức hút khủng khiếp từ quy mô hàng tỷ đô la cho mỗi dự án, các tập đoàn đa quốc gia đang tạo nên những "trục đầu tư" mới ở Việt Nam.
- 02-07-2014Dự án tỷ đô Samsung Display được cấp phép 'nhanh bất ngờ'
- 19-06-2014Samsung sẽ đầu tư tiếp 1 tỷ USD vào Bắc Ninh
- 05-06-2014Samsung đầu tư nhà máy sản xuất hàng điện tử hơn 1 tỷ USD tại TPHCM
- 03-06-2014Samsung: Từ kẻ bắt chước đến người dẫn đầu xu hướng
- 26-06-2014Ưu đãi vàng cho FDI
- 18-06-2014FDI từ Nhật Bản mất ngôi vị quán quân
Nội dung nổi bật:
- Các chuyên gia cho rằng, tập đoàn đa quốc gia với “hấp lực” mạnh mẽ từ những dự án tỷ đô do mình đầu tư đang hình thành nên các xu hướng đầu tư mới ở Việt Nam.
- Hiện có 3 loại xu hướng đầu tư mới của các tập đoàn đa quốc gia:
+ Thứ nhất là về hình thức đầu tư, gần đây thế giới có 1 hình thức là kết hợp đầu tư vào thương mại.
+ Thứ hai, thế giới rất quan tâm đến việc điều chỉnh định hướng và chính sách ưu đãi hàng năm.
+ Thứ ba, chuyển hướng về chính sách để tác dụng lan tỏa của tập đoàn đa quốc gia lớn hơn, rộng hơn.
Nhiều chuyên gia kinh tế và đầu tư đã nhìn nhận như vậy khi theo dõi quá trình tham gia đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn đa quốc gia.
Ở góc nhìn này, các chuyên gia cho rằng, tập đoàn đa quốc gia với “hấp lực” mạnh mẽ từ những dự án tỷ đô do mình đầu tư đang hình thành nên các xu hướng đầu tư mới ở Việt Nam. Thậm chí, ngoài việc hình thành xu hướng, các tập đoàn đa quốc gia còn có khả năng điều chỉnh mục tiêu đầu tư của các dự án trong cùng một khu vực, tạo nên các “trục đầu tư” chuyên biệt.
Từ thực tế hoạt động đầu tư ở Việt Nam cho thấy, hiện có ba “trục đầu tư” đang nổi lên với việc hình thành các nhóm dự án cùng một lĩnh vực xoay quanh dự án tỷ đô của các tập đoàn đa quốc gia.
Dựa vào thực tế các dự án nổi bật của các tỉnh như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… và nhìn vào định hướng thu hút vốn FDI của các tỉnh trên trong giai đoạn 2011 - 2015, có thể dễ dàng nhận thấy rõ điều này.
Dấu ấn rõ ràng nhất phải kể đến “trục đầu tư” Bắc Ninh - Thái Nguyên, với xu hướng hình thành nên trung tâm sản xuất công nghệ cao từ các dự án FDI.
Trọng tâm của trục này là dự án tỷ đô của Tập đoàn Samsung Hàn Quốc và hàng chục các dự án vệ tinh sản xuất linh kiện thiết bị phục vụ cho Tập đoàn Samsung.
Câu chuyện về dự án Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên thời gian gần đây liên tục được dư luận nhắc đến như một trong những minh chứng cụ thể cho tác động lan tỏa từ nguồn vốn đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia thông qua những dự án tỷ đô tới kinh tế nước ta.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), chỉ tính riêng lĩnh vực công nghệ cao, Samsung đã “đặt cọc” vào Việt Nam trên 5,7 tỷ USD.
Trong đó có 2,5 tỷ USD đầu tư khu tổ hợp công nghệ SEV tại Bắc Ninh và hơn 3,2 tỷ USD vào khu tổ hợp SEVT tại Thái Nguyên.
Đặc biệt, theo tiết lộ của ông Nguyễn Phương Bắc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Bắc Ninh, trong sáng nay (2/7), tỉnh Bắc Ninh sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 1 dự án tỷ đô nữa của Samsung tại Khu công nghiệp Yên Phong 1.
Được biết, đó là dự án của Samsung Display, một công ty thành viên dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2014, sử dụng 46ha đất, chuyên nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp và gia công các loại màn hình cho thiết bị điện tử.
Theo số liệu thống kê của tỉnh Bắc Ninh, chỉ tính riêng nhà máy của SEV đã có khoảng 4 vạn lao động làm việc với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/tháng.
Không những thế, ước tính còn có hơn 7 vạn lao động khác đang làm việc cho các doanh nghiệp vệ tinh phục vụ trực tiếp cho SEV.
Hiện tại, theo khảo sát của chúng tôi, Bắc Ninh đã hội tụ được nhiều tập đoàn có danh tiếng trên thế giới về lĩnh vực công nghệ cao như: Canon, Sumitomo (Nhật Bản); Samsung (Hàn Quốc); Foxconn, Mictac (Đài Loan); Tyco Electronics (Hoa Kỳ); ABB (Thụy Điển)… và Tập đoàn Nokia đến từ Phần Lan.
Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá rất cao tiềm năng và môi trường đầu tư ở Bắc Ninh. Các nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh cũng như tạo ra giá trị công nghiệp cao.
Điều này rất phù hợp với định hướng quy hoạch, phát triển công nghiệp bền vững, giá trị vốn không còn là yếu tố ưu tiên, mà điều quan trọng là vấn đề bảo đảm môi trường, ưu tiên thu hút công nghệ cao...
Tại Hải Phòng, nơi đây đang dần hình thành nên một trung tâm các dự án công nghiệp nặng của khu vực doanh nghiệp FDI.
Hàng loạt dự án công nghiệp đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới, quy mô hàng trăm triệu USD, sử dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị toàn cầu, có giá trị gia tăng lớn như: G.E, Kyocera, Bridgestone, Fuji Xerox, Toyota,…
Trong đó, tâm điểm của chuỗi các dự án công nghiệp này phải kể đến dự án sản xuất lốp xe ô tô của Bridgestone với tổng vốn đầu tư lên đến 575 triệu USD.
Quay lại với tỉnh Vĩnh Phúc, nhờ đẩy mạnh thu hút FDI, nên đã thúc đẩy chuyển giao công nghệ, có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong tỉnh.
Nhờ có các dự án FDI chủ lực của Toyota, Honda… tỉnh đã phát triển được một số ngành kinh tế chủ lực như sản xuất, chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử.
Điểm đáng chú ý, sau khi Công ty Toyota, Honda đầu tư vào Vĩnh Phúc, đã kéo theo các dự án vệ tinh, các nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ô tô, xe máy.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng hơn 20 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ô tô, xe máy, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hoá của các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy trên địa bàn (tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ô tô đạt khoảng 30% và xe máy đạt trên 80%).
Nhìn nhận về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, hiện đang có 3 loại xu hướng đầu tư mới của các tập đoàn đa quốc gia.
Thứ nhất là về hình thức đầu tư, gần đây thế giới có 1 hình thức là kết hợp đầu tư vào thương mại và chúng ta cũng phải theo cái xu hướng mới đó của thế giới.
Thứ hai, thế giới rất quan tâm đến việc điều chỉnh định hướng và chính sách ưu đãi hàng năm. Bởi vì, cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài buộc phải làm như vậy. Ví dụ, cho đến nay chúng ta mới có ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, quyền mua ngoại tệ, chưa có chính sách ưu đãi tài chính. Trong khi các tập đoàn đa quốc gia đòi hỏi phải có cả chính sách ưu đãi về tài chính.
Thứ ba, chuyển hướng về chính sách để tác dụng lan tỏa của tập đoàn đa quốc gia lớn hơn, rộng hơn thì phải nâng cấp chính sách trong đó có chính sách tạo nên mối liên kết giữa tập đoàn đa quốc gia với các doanh nghiệp trong nước.
Chính sách này phải rất cụ thể, thích ứng với từng ngành hàng. Đây cũng là vấn đề đang được Bộ Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 103 của Chính phủ.
Theo Vũ Minh