Chương trình bình ổn giá còn bất ổn
TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác đã dùng hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình bình ổn giá.
- 08-08-2014Vì sao sản phẩm từng được gọi là sữa không thuộc diện bình ổn giá?
- 29-07-2014Nếu thị trường xấu sẽ kiến nghị gia hạn thời gian bình ổn giá sữa
- 25-06-2014Ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu mới bình ổn tỷ giá
Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình bình ổn giá là giá hàng bình ổn được xây dựng luôn thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng đạt được mục tiêu này.
Chưa đủ lực tác động đến thị trường
TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện chương trình bình ổn giá. Theo đánh giá của lãnh đạo thành phố, qua 12 năm, chương trình này đã góp phần bình ổn thị trường. Mặt khác, chương trình cũng góp phần làm giảm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng luôn thấp hơn mức tăng của cả nước.
Từ mô hình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh, đến nay, chương trình bình ổn giá đã được nhân rộng ra nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện chương trình bình ổn giá ở nhiều địa phương đã không đạt kết quả như mong đợi.
Bà Nguyễn Thị Mai (phường Thanh Lương, Hà Nội) mới đây cho biết: “Thấy quảng cáo điểm bán hàng bình ổn rẻ hơn thị trường 10% nên tôi vào siêu thị tìm mua. Tôi mua chai dầu ăn Simply 1 lít giá 45.000 đồng/chai, nhưng mất thêm tiền xăng đi lại vì xa nhà, cộng tiền gửi xe, tính ra giá lại cao hơn so với bên ngoài”, bà Mai nói. “Thậm chí, một số mặt hàng thuộc diện bình ổn, mua ngoài thị trường giá còn thấp hơn như trứng gà bên ngoài 24.000 - 25.000 đồng/chục, trong khi siêu thị bán với giá 25.000 - 27.000 đồng/chục”, bà Mai cho biết thêm.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội phân tích: Vào những thời điểm giá thị trường biến động mạnh, giá nhiều mặt hàng bình ổn đã đạt được mục tiêu thấp hơn giá thị trường. Tuy nhiên, có những thời điểm, do phải chờ cơ quan chức năng phê duyệt về điều chỉnh giá quá lâu nên tình huống giá thị trường giảm mà giá bình ổn chưa giảm tương ứng vẫn diễn ra.
Một nguyên nhân khác tác động đến hiệu quả của chương trình bình ổn giá là yếu tố lượng hàng hóa bình ổn. Thứ nữa, mặt hàng chọn để bình ổn nhiều khi cũng chưa trúng, và quá dàn trải nên không đủ lực khống chế được thị trường. “Thói quen tiêu dùng của người dân Hà Nội là không ưa sử dụng hàng thủy hải sản đông lạnh nhưng hàng bình ổn giá vẫn có cả những mặt hàng này”, ông Phú dẫn chứng.
Một tháng Hà Nội tiêu dùng hàng hóa ước khoảng 5.000 tỷ đồng, nhưng số tiền giúp các DN bình ổn chỉ 475 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 10%. Ông Nguyễn Văn Đồng, Nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho rằng, chương trình bình ổn giá không hiệu quả bởi ngân sách không đủ vốn để điều hành giá thị trường. “Nhìn chung, các mặt hàng bình ổn vẫn do giá ngoài thị trường chi phối. Chương trình bình ổn chỉ có tác dụng kiềm chế lạm phát”, ông Đồng thừa nhận.
Ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng mục tiêu chương trình bình ổn là tốt, nhưng hiệu quả không cao còn do mạng lưới bán hàng bình ổn chưa rộng khắp. Tại Hà Nội, mạng lưới phân phối tập trung gần như 80% là ở khu vực nội thành, chủ yếu phục vụ đối tượng khá giả, mà đáng ra, 80% đó phải là khu vực nông thôn, khu công nghiệp, sinh viên, nơi người dân nghèo, nhiều khó khăn. Để chương trình bình ổn giá có hiệu quả, cần chú trọng việc mở rộng mạng lưới bán hàng, nhất là đưa hàng bình ổn về nông thôn.
Nảy sinh bất cập
Theo ông Vũ Vinh Phú, chương trình bình ổn giá còn tạo ra chính sách hai giá nên dễ dẫn đến tiêu cực. Thực tế từng xảy ra chuyện tiểu thương vào vét hàng bình ổn do chênh lệnh 15.000 - 20.000 đồng/chai dầu ăn. Chưa kể, nếu quản lý nội bộ không chặt sẽ có hiện tượng tuồn hàng bình ổn ra ngoài khi giá chênh lệch nhiều. “Tôi đã chứng kiến có thời điểm, giá dầu ăn bình ổn phải điều chỉnh lên sát với giá thị trường, nếu để thấp quá, tiểu thương sẽ vét hết hàng”, ông Phú nói.
Nhiều ý kiến cũng lo ngại chương trình bình ổn giá sẽ tạo ra cơ chế xin cho và sự không minh bạch. Bởi, đáng ra, khi chọn đơn vị tham gia chương trình bình ổn, phải tổ chức đấu thầu, DN nào đưa ra giá thấp thì được tham gia nhưng hiện nay lại theo cơ chế xét chọn.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp được vay vốn trữ hàng bình ổn không thiếu các tên tuổi lớn trên thị trường như: Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty CP Nhất Nam với hệ thống siêu thị Fivimart, Công ty CP thương mại Cầu Giấy (Citimart)... “Việc lựa chọn DN không qua đấu thầu tạo ra cơ chế cạnh tranh bất bình đẳng giữa các DN. TP Hồ Chí Minh tổ chức đấu thầu về giá, nhưng Hà Nội lại lựa chọn doanh nghiệp để tham gia bán hàng bình ổn giá. Việc làm này tạo ra cơ chế xin - cho”, ông Vũ Vinh Phú nhận xét.
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế phân tích, chương trình bình ổn theo cơ chế “bao cấp” về tín dụng phụ thuộc vào sự trung thực của DN. Thực tế đã xảy ra các vụ việc DN lợi dụng nguồn vốn và sử dụng vào mục đích khác thay vì bình ổn hàng hóa nên rất cần đánh giá và xem xét cách thức triển khai chương trình này cho hiệu quả.
“Hiện, TP Hồ Chí Minh đã không còn ứng vốn ngân sách cho DN với lãi suất 0% như trước mà thực hiện kết nối giữa các DN với các tổ chức tín dụng, giúp DN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp (ngắn hạn 6%, trung và dài hạn 10%). Các địa phương nên học theo cách làm của TP Hồ Chí Minh để hạn chế bất cập”, ông Phong đề xuất.
>> Bộ Tài chính sẽ kiểm tra giá sữa ở các địa phương