Công nghiệp ôtô: Có đánh mất cơ hội cuối ?
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là sự chậm trễ, lúng túng, nhiều thay đổi trong việc soạn lập, ban hành và thực hiện các chính sách liên quan.
- 13-11-2013'Thần chết' rình rập công nghiệp ô tô Việt Nam
- 23-08-2013Công nghiệp ô tô nội không “nhanh chân“ là tự “khâm liệm“?
- 15-07-2013Công nghiệp ô tô nối gót điện tử?
- 25-03-2013Volkswagen - 'Trùm phát-xít' của ngành công nghiệp ô tô
- 14-12-2012Ngành công nghiệp ô tô sẽ đi về đâu?
Hơn 5 năm chưa xong quy hoạch mới
Có lẽ không cần phải nhắc lại những kết quả của ngành công nghiệp ôtô nhiều năm trước đây mà chỉ cần nhìn lại quá trình bàn thảo, lấy ý kiến… về quy hoạch mới cho ngành công nghiệp này, chúng ta đã thấy rõ một nguyên nhân tại sao ngành ôtô lại có vẻ như đang đi thụt lùi, không tiến lên đúng như kỳ vọng.
Ngày 08/10/2009, Bộ Công thương tổ chức hội thảo về dòng xe chiến lược trong phân khúc xe du lịch tại VN với sự tham gia của hàng loạt chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội…. Nội dung lúc đó đã có một số định hướng cho chiến lược công nghiệp ôtô VN như việc khẳng định sau khi khá thành công với phân khúc xe tải, xe bus, xe chuyên dùng, xét trên năng lực thực tế của ngành, nhu cầu của khách hàng, hội thảo đã bàn rất sâu vào phân khúc xe chiến lược và nhận được sự đồng tình, nhất trí của hầu hết những người tham dự. Tuy nhiên, kết thúc hội thảo này, nhiều ý kiến về dòng xe chiến lược không còn được quan tâm và chiến lược, quy hoạch ngành cũng chưa có.
Bẵng đi một thời gian im ắng, đến ngày 14/7/2011, Bộ Công Thương mới lại tổ chức lấy ý kiến quy hoạch ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020 - tầm nhìn 2030 lần thứ 1. Cuộc họp cũng có đầy đủ các bộ ngành liên quan, các DN ô tô lớn, nhỏ, các nhà nghiên cứu, chuyên gia v.v... với rất nhiều ý kiến hữu ích và sau đó đã được chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần, nhưng vẫn chưa được ban hành.
Sôi động được một thời gian quá ngắn, rồi mãi tận tới gần 2 năm sau, vào tháng 6/2013 dự thảo mới của quy hoạch ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020 - tầm nhìn 2030 lại tiếp tục được tổ chức hội thảo lấy ý kiến, chỉnh sửa và thông tin trên các cơ quan ngôn luận. Đến cuối năm 2013 và những tháng đầu năm nay, dự thảo trên vẫn đang tiếp tục được lấy ý kiến, chỉnh sửa, bổ sung và chưa biết khi nào sẽ được ban hành.
Chưa bàn cụ thể, chi tiết về nội dung các lần tổ chức, hội thảo, hội nghị lấy ý kiến như thế nào, mỗi lần khác nhau ra sao mà chỉ nói về thời gian thì đã gần 5 năm (từ 2009 đến nay) một bản quy hoạch mới về một ngành được xem là quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, cho sự thúc đẩy công nghiệp hóa – hiện đại hóa vẫn chưa xong, chưa được ban hành và chưa biết khi nào sẽ ban hành ?
Chọn hướng nào ?
Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn trong ngành ôtô than thở: “Việc làm quy hoạch cũng như việc ban hành quy hoạch quá chậm, đánh mất nhiều thời cơ. Nếu làm và ban hành sớm thì có lẽ bây giờ ngành ô tô đã khác”. Ông so sánh với khoảng thời gian đó thì định hướng, quy hoạch của Thái Lan, của Indonesia và thu được những kết quả bất ngờ.
Sự phát triển ô tô của Thái Lan đã được khẳng định là rất thành công và nền tảng cho sự thành công đó là lựa chọn đúng đắn hướng phát triển cơ bản, mang tính lâu dài, gần như không có sự thay đổi (Như ban đầu chọn mẫu Pick up để tập trung phát triển ngành). Về mặt thời gian, quy hoạch ngành ô to của Thái lan chia làm các giai đoạn, mỗi giai đoạn 5 năm (Như quy hoạch gian đoạn từ 2005 -2011; từ 2012 – 2016) và trong các giai đoạn đó đều có kết quả tích cực ngay.
Hiện nay, ngay quy hoạch giai đoạn 2012 -2015 với chương trình Eco Car (phát triển các mẫu xe, dòng xe thân thiện với môi trường) đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn 2 với sự tham gia của rất nhiều hãng ô tô nổi tiếng thế giới.
Quay trở lại VN, dù được xem là quá chậm, nhưng vẫn phải có định hướng, quy hoạch cụ thể. Vấn đề nằm ở chỗ là chọn hướng nào? Nhận xét về dự thảo quy hoạch mới nhất của Bộ Công Thương, nhiều DN cho rằng tương đối tốt, nằm trong khả năng, năng lực của các DN ô tô hiện tại. Vấn đề là khi nào sẽ ban hành vì nếu chậm nữa thì sẽ không còn cơ hội nào cho sự phát triển của ngành này.
TGĐ một DN lớn về ô tô và cũng là một chuyên gia sâu về lĩnh vực này cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đừng nghĩ đến việc sẽ phát triển mạnh các loại xe du lịch chở người, bởi nền tảng không có”. Tất cả các DN hiện đang chủ yếu lắp ráp đơn giản, không đầu tư chiều sâu, gắn với việc nhập khẩu và chỉ trong khoảng 3 năm tới, có lẽ việc lắp ráp cũng sẽ không còn nữa mà sẽ chuyển sang nhập khẩu và phân phối. Trên thực tế, trong gai đoạn vừa qua, VN đã phát triển rất tốt các phân khúc xe thương mại như xe tải, xe khách, xe buýt và xe chuyên dụng - chiếm áp đảo với khoảng 80% thị phần với các DN mạnh như Trường Hải (Thaco), các thành viên của Vinamotor, Samco, Veam…
Câu hỏi đặt ra là tại sao VN lại không chọn những dòng xe, phân khúc này để định hướng phát triển trong thời gian, nhất là khi cơ hội phát triển các phân khúc xe du lịch không còn ? Và để trả lời câu hỏi này lại phải tiếp tục chờ các nhà quản lý trong việc lấy ý kiến và ban hành quy hoạch. Đây cũng được xem là cơ hội cuối để ngành công nghiệp ô tô tiếp tục tồn tại và phát triển vì nếu dể chậm như thời gian vừa qua, VN không chỉ tụt hậu, mà muốn phát triển các dòng xe thương mại, xe chuyên dùng cũng sẽ trở nên xa vời.
Theo LINH ANH