MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty Mỹ ở Nga gặp khó

01-05-2014 - 11:00 AM |

Khủng hoảng ở Ukraine và một loạt lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt đối với Nga đang bắt đầu gây tổn hại cho một số doanh nghiệp Mỹ đang kinh doanh ở Nga.

Theo Reuters, một số công ty Mỹ bày tỏ lo ngại về nền kinh tế Nga đang yếu đi, đồng ruble lao dốc so với đồng USD và nguy cơ khủng hoảng diễn biến tồi tệ hơn. Thậm chí, một số người còn lo ngại khả năng các sản phẩm phương Tây bị tẩy chay ở Nga.

Clement Miller – chiến lược gia đầu tư tại Wilmington Trust Investment Advisors – cho rằng các công ty bắt đầu cảm nhận được những tác động tiêu cực từ quý I. Tuy nhiên, tình hình ngày càng xấu đi và diễn biến theo chiều hướng khó dự đoán trong quý II. Chắc chắn khủng hoảng Ukraine sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý II. 

McDonald’s nhập khẩu khoảng một nửa thực phẩm sử dụng trong các nhà hàng của hãng ở Nga và do đó đồng ruble giảm giá khiến lợi nhuận thặng dư ở Nga giảm khoảng 2 điểm phần trăm. Tổng lợi nhuận thặng dư trên toàn châu Âu cũng vì thế mà sụt giảm. 

Hiện có hơn 400 nhà hàng ở Nga, McDonald's là chuỗi cửa hàng ăn nhanh quốc tế đầu tiên thâm nhập vào thị trường Nga. Theo báo cáo thường niên năm 2013 McDonald's coi Nga là một trong 7 thị trường chủ đạo ở bên ngoài Mỹ và Canada. 

Ford cũng chỉ ra những áp lực mà hãng đang gặp phải. Ford Sollers, công ty liên doanh giữa Ford và Sollers (nhà sản xuất xe hơi của Nga) hồi đầu tháng vừa thông báo cắt giảm 700 nhân viên ở nhà máy St Petersburg. Nguyên nhân là do nền kinh tế Nga suy giả và đồng ruble yếu đi. 

Tình trạng căng thẳng nhất kể từ chiến tranh lạnh giữa Nga và phương Tây đang làm tổn hại nền kinh tế Nga. Kết quả khảo sát cho thấy niềm tin kinh doanh ở Nga đang ở mức thấp nhất kể từ 2008. Lượng vốn bị rút khỏi Nga đang tăng lên và kể từ đầu năm tới nay đồng ruble đã giảm khoảng 8% so với đồng USD. 

Đồng ruble yếu đi khiến các công ty nước ngoài hoạt động ở Nga sử dụng đồng tiền này để nhập hàng hóa và nguyên liệu cần thiết với mức giá đắt đỏ hơn. “Chúng tôi đang hi vọng về một giải pháp hòa bình, nhưng niềm tin kinh doanh trên toàn thế giới có thể sụt giảm mạnh và do đó thương mại cũng như GDP thế giới có thể tăng trưởng chậm lại nếu tình hình diễn biến xấu đi”, CEO Doug Oberhelman của Caterpillar Inc nhận định trong buổi công bố kết quả kinh doanh quý I. 

Đã có hơn 100 năm hoạt động ở Nga, Caterpillar coi Nga là một trong những thị trường phát triển năng động nhất. 

Hôm 28/4, Mỹ thông báo vòng trừng phạt mới nhắm vào các lãnh đạo doanh nghiệp và công ty Nga có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Vladimir Putin. EU cũng bổ sung thêm 15 người Nga và Ukraine vào danh sách đóng băng tài sản và từ chối thị thực. 

Đáp lại, ông Putin cảnh báo có thể xem xét lại sự hiện diện của các công ty phương Tây trong nền kinh tế Nga (đặc biệt là ở các dự án năng lượng) nếu lệnh cấm vận tiếp tục được đưa ra. 
Trong khi vẫn chưa rõ hành động tiếp theo của Nga là gì, một số chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng Nga có thể tẩy chay sản phẩm của các công ty phương Tây. 

Constantin Gurdgiev – giáo sư tài chính tại Trinity College Dublin – nghi ngờ về hiệu ứng ngược đối với các công ty Mỹ đang hoạt động ở Nga. “Không may là những hệ quả của cấm vận sẽ được khắc ghi trong tâm trí người Nga trong một thời gian dài”. 

Một ví dụ điển hình là nghị sĩ Vladimir Zhirinovsky mới đây đã lên tiếng yêu cầu McDonald’s rút khỏi Nga. 

Công ty thẻ tín dụng Visa Inc (hiện có 100 triệu thẻ đang hoạt động ở Nga) đã ngừng cung cấp dịch vụ cho 2 ngân hàng Nga sau lệnh cấm vận hồi tháng 3. Visa cho biết điều này ảnh hưởng đến khối lượng giao dịch ở Nga và dự báo kết quả kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. 

Dẫu vậy, vẫn có một số công ty có thể ứng phó tốt với tình hình bất lợi như hiện nay. PepsiCo Inc – công ty sở hữu 9 trong số 50 nhãn hiệu thực phẩm đóng gói và nước uống có ga được ưa chuộng nhất ở Nga – vẫn ghi nhận doanh thu quý I tăng 10%. CEO Indra Nooyi tự tin cho rằng công ty của ông có mối quan hệ rất tốt và chính phủ Nga và môi trường kinh doanh ở đây là rất thân thiện. 

Một số công ty thậm chí còn nhìn thấy cơ hội trong khủng hoảng. CEO Thomas Kennedy của công ty sản xuất Raytheon Co cho biết căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã giúp đẩy tăng nhu cầu về các sản phẩm của hãng ở Đông Âu.

Thu Hương

thuyntt

CafeF/Trí Thức Trẻ/Reuters

Trở lên trên