Cửa hiệu Starbucks đầu tiên tại Việt Nam mở cửa tháng tới
Starbucks mở cửa hiệu đầu tiên tại Tp.HCM cùng với đối tác Hong Kong Maxim’s Group...
- 19-12-2012Mở thêm 3.000 cửa hàng, Starbucks sẽ thắng hay thua?
- 10-12-2012Starbucks vào Việt Nam: Thì sao!
- 03-12-2012Starbucks đã vào Việt Nam
Chuỗi cửa hiệu cà phê nổi tiếng thế giới Starbucks đã vạch kế hoạch chi tiết cho việc tiến quân vào thị trường Việt Nam. Theo đó, cửa hiệu Starbucks đầu tiên tại Việt Nam sẽ đi vào hoạt động từ đầu tháng tới, muộn hơn so với dự kiến ban đầu là vào ngay trong năm 2012.
Tờ Wall Street Journal cho hay, Starbucks - công ty có trụ sở tại Seattle, Mỹ - sẽ mở cửa hiệu đầu tiên tại Tp.HCM cùng với đối tác Hong Kong Maxim’s Group. Động thái này đánh dấu bước mở rộng hoạt động tiếp theo của Starbucks tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Starbucks hiện có hơn 3.300 cửa hiệu tại hơn 12 quốc gia tại khu vực này, riêng tại Trung Quốc, hãng có khoảng 700 cửa hàng. Trên phạm vi toàn cầu, Starbucks có hơn 18.000 cửa hiệu.
“Chúng tôi đã có mặt tại khu vực này 16 năm. Với thành công đã đạt được ở Thái Lan, Singapore và Malaysia, cũng như năng lực tài chính nói chung của công ty, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là điểm đến tự nhiên tiếp theo”, ông John Culver, Chủ tịch Starbucks tại Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết.
Starbucks đã lui kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam vài tháng và quyết định hoạt động tại thị trường này vào thời điểm đầu năm mới. “Có vẻ như đây là một sự tính toán thời điểm tốt hơn”, ông Culver phát biểu.
Theo nhận xét của Starbucks, Việt Nam có một bề dày văn hóa uống cà phê, không giống như ở Ấn Độ và Trung Quốc, nơi người dân thích dùng trà hơn. Thị trường cà phê của Việt Nam được Starbucks ước tính đạt trị giá 3 tỷ USD mỗi năm và lượng tiêu thụ cà phê đang ngày càng tăng.
“Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ nhì thế giới sau Brazil. Chúng tôi đã sử dụng cà phê từ Việt Nam trong nhiều năm”, ông Culver cho biết thêm.
Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh giữa các cửa hiệu cà phê tại Việt Nam là khá mạnh mẽ, nên sự hiện diện của Starbucks tại Việt Nam có thể sẽ hạn chế hơn so với những gì mà hãng này lên kế hoạch cho thị trường Ấn Độ hoặc Trung Quốc. “Trong dài hạn, chúng tôi nhận thấy cơ hội mở hàng trăm cửa hiệu ở Việt Nam”, ông Culver tiết lộ.
Cửa hiệu cà phê Starbucks đầu tiên của Việt Nam sẽ nằm tại khu vực trung tâm Tp.HCM, gần một giao lộ. Công ty Hong Kong Maxim’s Group sẽ vận hành các cửa hiệu Starbucks tại Việt Nam theo một thỏa thuận cấp phép giữa chi nhánh của công ty này là Coffee Concepts (Vietnam) với Starbucks. Thỏa thuận này cho chi nhánh trên quyền sử dụng thương hiệu Starbucks tại Việt Nam, đồng thời mở rộng quan hệ đối tác giữa Starbucks với Hong Kong Maxim’s Goup ra bên ngoài Hồng Kông và Macau.
Starbucks đã khẳng định sự quan tâm đối với thị trường châu Á-Thái Bình Dương khi lên kế hoạch đạt con số 1.500 cửa hiệu tại Trung Quốc vào năm 2015 và mở cửa hiệu đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 10 năm qua thông qua một liên doanh với công ty con của tập đoàn Tata Group. Trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/9, Starbucks báo tổng doanh thu 721,4 triệu USD tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng 31% so với năm trước, nhưng chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu của công ty.
Tháng trước, Starbucks cho biết các cửa hiệu cà phê đã có của hãng tại châu Á - Thái Bình Dương vẫn duy trì mức tăng trưởng doanh thu hai con số trong tháng 10 và tháng 11, bất chấp cảnh báo từ các công ty Mỹ khác như McDonald’s và Yum Brands cho rằng khó khăn kinh tế đang khiến hoạt động kinh doanh của họ gặp khó tại thị trường Trung Quốc.
“Chúng tôi không nhìn vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương với tầm nhìn ngắn”, ông Culver phát biểu khi được hỏi rằng liệu xu hướng doanh thu của Starbucks tại thị trường này có thể tiếp tục khả quan hơn cá đối thủ và tạo động lực phát triển cho hãng tại khu vực.
Quy định của một số quốc gia đã khiến những nỗ lực mở rộng hoạt động tại châu Á của Starbucks gặp khó khăn ở một số thời điểm. Chẳng hạn, hãng này đã phải “nhòm ngó” thị trường Ấn Độ suốt 5 năm trước khi có thể mở cửa hiệu đầu tiên tại đây do những hạn chế về đầu tư trực tiếp nước ngoài mà Ấn Độ áp dụng.
Đã có lúc, Starbucks tuyên bố sẽ có 50 cửa hiệu ở Ấn vào cuối năm nay, nhưng ông Culver cho biết, hiện nay, hãng không đặt ra một con số mục tiêu cụ thể nào. Cho tới nay, Starbucks đã có 3 cửa hiệu tại Ấn và đang chuẩn bị mở thêm vài cửa hiệu nữa.
Theo An Huy
Vneconomy