Đi tìm bí quyết của nền kinh tế Thụy Điển
Năm 1992, tỷ lệ nợ/GDP ở mức 70% - cao chót vót so với các nước công nghiệp phát triển khác. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt từ mức dưới 2% của năm 1988 lên hơn 10% trong năm 1993.
Đầu những năm 1990, ý tưởng Thụy Điển có thể trở thành mô hình phát triển của thế giới có thể khiến người nghe phải bật cười. Năm 1992, tỷ lệ nợ/GDP ở mức 70% - cao chót vót so với các nước công nghiệp phát triển khác.
Gần 60% hoạt động của nền kinh tế phụ thuộc vào chính phủ hoặc các doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ không thể vay mượn hoặc in tiền đủ để bù đắp nợ. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt từ mức dưới 2% của năm 1988 lên hơn 10% trong năm 1993. Thậm chí, cả những thương hiệu mang tầm cỡ toàn cầu (như Saab, Volvo và Electrolux) cũng trượt dốc không phanh. Năm 1993, gần như hầu hết các ngân hàng ở Thụy Điển vỡ nợ.
Tuy nhiên, hãy nhìn vào kinh tế Thụy Điển ngày nay. Sau khi suy giảm nhẹ trong năm 2008, nền kinh tế Thụy Điển hiện có thể trạng tốt hơn Mỹ và Đức – những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Quan trọng hơn cả, tăng trưởng kinh tế ở Thụy Điển không dẫn đến tình trạng chênh lệch thu nhập như ở hầu hết các nền kinh tế phương Tây trong giai đoạn kể từ những năm 1980 đến nay. Mặc dù cải cách vẫn khiến mức chênh lệch giàu nghèo tăng nhẹ (hệ số Gini tăng từ 0,21 lên 0,25 điểm), Thụy Điển vẫn là một trong những nước cân bằng nhất trên thế giới. Ở Mỹ, hệ số Gini tăng từ 0,31 điểm (năm 1975) lên 0,38 điểm.
Thụy Điển đã làm như thế nào?
Câu trả lời nằm ở một loạt các chính sách mạnh mẽ được chính phủ nước này thực hiện. Chính phủ Thụy Điển đặt áp lực cạnh tranh lên tất cả các dịch vụ vốn được điều hành bởi chính phủ trong thời gian trước đó, từ hệ thống giáo dục cho đến lương hưu. Mặc dù có nhiều đặc điểm giống với cú sụp đổ của Lehman Brothers, cuộc khủng hoảng của các ngân hàng Thụy Điển thời kỳ đầu những năm 1990 đã được giải quyết một cách nhanh gọn và thông minh.
Thụy Điển không thực hiện cải cách gây sốc như những chính sách được các nước Đông Âu áp dụng sau năm 1989. Nước này tập trung vào điều chỉnh dần dần chi tiêu chính phủ. Mặc dù thuế đánh vào những người giàu nhất được giảm xuống, Thụy Điển không bãi bỏ trách nhiệm xã hội cho các doanh nghiệp (đây vốn là đặc điểm nổi bật của các chương trình cải cách được thực hiện dưới thời các cựu Tổng thống Thatcher của Anh hay Reagan của Mỹ).
Không chỉ có Thụy Điển, các nước lân cận như Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy cũng đang đi theo mô hình này và thu được thành tựu với xã hội công bằng, kinh tế phát triển và tình hình tài khóa lành mạnh. Trong khi một số hãng có tên tuổi lâu đời đã được bán cho đối tác nước ngoài (Saab được bán cho Hà Lan, Volvo được bán cho Trung Quốc), những “đế chế” mới như IKEA hay H&M có thể dung hòa trách nhiệm doanh nghiệp với mức lợi nhuận cao.
Hồi phục sau cơn khủng hoảng, các ngân hàng Thụy Điển hiện Liên minh châu Âu (EU) xếp hạng là bộ phận có sức khỏe tốt nhất ở châu Âu.
Mặc dù Thụy Điển cung cấp rất nhiều bài học về phát triển kinh tế cho các nền kinh tế phát triển khác, không thể phủ nhận nước này có được khá nhiều lợi thế. Thứ nhất, qui mô nền kinh tế vẫn còn khá khiêm tốn: GDP ở mức 500 tỷ USD (GDP của Mỹ là 15.700 tỷ USD). Đồng thời, đây vẫn là một xã hội đồng nhất đơn điệu với hầu hết dân số là người bản địa.
Không giống như vậy, nước Mỹ là một quốc gia đa sắc tộc với lượng người nhập cư khổng lồ. Không thể phủ nhận những tác động tích cực mà dòng người nhập cư mang lại cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, trình độ của các lao động nhập cư cũng khác nhau.
Một số người có thể thành lập nên những doanh nghiệp tầm cỡ có tên trong chỉ số S&P 500 hoặc giành giải Nobel, trong khi nhiều người khác trở thành những kẻ nghèo khổ. Cuối cùng, lao động nhập cư có thể khiến chênh lệch giàu nghèo thêm trầm trọng.
Trong bối cảnh khu vực tài chính được toàn cầu hóa mạnh mẽ, Thụy Điển có cách thích nghi rất thông minh. Quay trở lại năm 1992, nước này đứng trước cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt nguồn từ bong bóng bất động sản.
Đối mặt với hiệu ứng domino, các nhà lập pháp Thụy Điển yêu cầu các ngân hàng thực hiện bút toán giảm lỗ, giảm nợ cho các chủ sở hữu nhà bị thua lỗ và phát hành chứng quyền. Khi nợ xấu được bán ra trên thị trường, người nộp thuế (chứ không phải các cổ đông của ngân hàng) là bên được hưởng lợi nhiều nhất. Cuối những năm 1990, khi chính phủ thoát hết vốn khỏi các ngân hàng, người nộp thuế được hưởng lợi nhiều hơn nữa.
Nhận xét về nỗ lực xây dựng các gói cứu trợ của chính phủ Anh và Mỹ hiện nay, Urban Backstrom, cán bộ cao cấp của Bộ Tài chính Thụy Điển, đã cảnh báo “công chúng chắc chắn sẽ không ủng hộ kế hoạch giải cứu nếu như các cổ đông cũ có được lợi lộc”.
Nhìn lại Chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP) của nước Mỹ, các cổ đông của ngân hàng (bao gồm cả các giám đốc ngân hàng) không hề bị ảnh hưởng. Đây cũng chính là nguồn cơn khiến công chúng nổi giận với cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner.
Chính phủ Thụy Điển cũng thực hiện giảm bớt luật lệ cứng nhắc cho một số lĩnh vực, bán bớt cổ phần của nhà nước trong các doanh nghiệp lớn, tư nhân hóa ngành giáo dục. Vai trò của nhà nước tại NHTW cũng được giảm bớt.
Thu Hương