Điểm danh các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam
Bài viết sau sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát về các công ty khởi nghiệp và làn sóng khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam.
- 26-03-2014Con đường từ khởi nghiệp vỉa hè đến lập công ty thu 60 tỷ đồng mỗi năm
- 18-03-2014Các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á nên 'nhảy' vào ngành nào ?
- 11-03-2014Muốn khởi nghiệp thành công cần có những tố chất gì ?
- 11-03-2014Khởi nghiệp và những rủi ro cần tránh
Nội dung nổi bật:
Những lão làng khởi nghiệp
Cái tên đầu tiên phải kể đến là VNG, đây thực sự là công ty có tiềm lực và khả năng phát triển mạnh mẽ. Mới đây, VNG đã đạt được những dấu mốc quan trọng như có được 10 triệu người sử dụng ứng dụng OTT Zalo tại Việt Nam, vượt qua những đối thủ lớn như Line, Kakao Talk để cạnh tranh trực tiếp với Viber. Doanh thu trong năm 2012 của VNG đạt 90 triệu USD, một con số đáng mơ ước của rất nhiều công ty công nghệ trong khu vực. Hiện nay VNG đang trong quá trình chuyển dịch sang mảnh đất màu mỡ là ứng dụng di động, hứa hẹn nhiều tiềm năng cũng như thách thức khác.
Ngoài VNG, còn một số công ty khác cũng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực internet tại Việt Nam như VCCorp - công ty truyền thông và quảng cáo trực tuyến, Vật giá - công ty phát triển thương mại điện tử và Thế giới di động - công ty bán lẻ điện thoại có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Những tên tuổi trên đều được thành lập vào thời điểm đầu những năm 2000, khi đó thị trường internet Việt Nam còn rất non trẻ và cơ hội còn rộng mở cho những người đi tiên phong. Hiện tại, những công ty đã phát triển được coi là những trụ cột để định hình xu hướng công nghệ và là chỗ dựa cũng như tấm gương để các công ty khởi nghiệp đi sau học hỏi theo.
Làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ
Tại Việt Nam hiện nay, xu hướng khởi nghiệp của những người trẻ tuổi, có kiến thức và khát vọng đang phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên mọi phương diện internet từ thương mại điện tử, phần mềm, ứng dụng di động, game v.v..
Một xu hướng mới của thương mại điện tử là “Daily deal” (tạm hiểu là hình thức mua hàng theo nhóm và cung cấp sản phẩm khuyến mại hàng ngày) đang phát triển mạnh mẽ với những website mọc lên với tốc độ chóng mặt. Nổi bật trong số đó là NhomMua (có thời điểm trị giá lên đến 60 triệu USD), Hotdeal (thực hiện khoảng 8.000 giao dịch một ngày), CungMua (có khoảng 2 triệu tài khoản người dùng) và MuaChung của VCCorp. Đây là những khởi nghiệp thành công nhất trong lĩnh vực “Daily deals”.
Trở lại thị trường thương mại điện tử dạng B2C, hai thế lực lớn là Rocket Internet (Lazada và Zalora) cùng với Vật giá đang thống trị thị trường này. Ngoài ra còn có Tiki.vn, website này mới đây đã được định giá tới 10 triệu USD.
Không chỉ có thương mại điện tử, mảng ứng dụng di động cũng xuất hiện rất nhiều “anh tài”, có thể nhắc đến nhóm Prima Circa, đây là nhóm phát triển ứng dụng di động thành lập năm 2011. Sản phẩm nổi tiếng của nhóm là Note Plus - ứng dụng ghi chú được bán với giá 10$ và nhận được trên 6 triệu lượt tải về và ứng dụng mới nhất, INKredible với hơn một triệu lượt tải. Hầu hết những lượt tải đều đến từ các nước khác nhau trên thế giới.
Ngoài ra còn có công ty Greengar với ứng dụng nổi tiếng Whiteboard, công ty KMS với nhiệm vụ chính là làm “outsourcing” cho các dự án công nghệ lớn và Not A Basement, một studio với hàng loạt ứng dụng hấp dẫn, đặc biệt là ứng dụng chỉnh sửa anh Fuzel đã từng đứng top bảng xếp hạng iOS và được vào khu vực Apple Editor’s Choice.
Về lĩnh vực game, có thể kể đến cú sốc Flappy Bird của .GearsStudio, sau khi gỡ Flappy Bird khỏi các chợ ứng dụng, Nguyễn Hà Đông cho biết anh vẫn đang tiếp tục phát triển những dự án game của mình. Ngoài ra, một công ty phát triển game khác là Divmob cũng thành công với tựa game Ninja Revenge với hàng chục triệu lượt tải xuống.
Trên đây chỉ là những tên tuổi đã được nhiều người biết đến, làn sóng khởi nghiệp vẫn đang phát triển mạnh mẽ với những “anh tài” đang giấu mình và chờ ngày tỏa sáng.
Những khởi nghiệp phát triển đang hướng về “sân nhà”
Có thể nói, thị trường internet ở nước ta là mảnh đất màu mỡ với hơn 30 triệu người sử dụng internet. Chính vì thế, một số công ty khởi nghiệp đã tập trung phát triển nhắm vào thị trường chính là Việt Nam như Appota, ME Corp, mWork, Soha, Nhac Cua Tui, CocCoc v.v..Những công ty này đều thành lập cuối những năm 2000 và bây giờ đều có đội ngũ nhân viên đông đảo.
Ứng dụng di động được xem là lĩnh vực “hot” trong thời gian tới, cái tên được nhắc đến là Appota. Công ty này đã xây dựng một nền tảng phân phối ứng dụng và cộng đồng người sử dụng smartphone lớn nhất cả nước, phục vụ việc phân phối ứng dụng và game cho phần lớn người dùng di động tại Việt Nam.
Về lĩnh vực âm nhạc, Nhaccuatui và Zing Mp3 là hai ông lớn cạnh tranh trực tiếp với nhau. Nhaccuatui hiện đang hướng đến ứng dụng âm nhạc trên di động với số lượng người dùng lên đến hơn 8 triệu.
Một cái tên mới nổi khác là Cốc Cốc. Công ty nhận sự đầu tư mạnh mẽ từ Nga với số tiền lên đến 17 triệu USD với sứ mệnh xây dựng cỗ máy tìm kiếm thuần Việt và trình duyệt web thuần Việt. Hiện tại, Cốc Cốc có khoảng 1,7 triệu người sử dụng hàng ngày.
Sáng tạo đang là xu hướng chủ đạo
Sáng tạo không ngừng là cách để đưa statrup đi lên, những lĩnh vực công nghệ mới luôn có những doanh nghiệp đi tiên phong. Mới đây, đã có những startup làm về lĩnh vực chống trộm xe rất hiệu quả là Setech Việt và SmartBike, những website thương mại điện tử nhắm vào thị trường ngách như Ahometo, Giaytot hoặc startup về lĩnh vực giao thông như VeXeRe và Baolau.vn v.v..
Khởi nghiệp hiện nay là vấn đề được rất nhiều bạn trẻ quan tâm, thậm chí, một nhóm trên Facebook với tên gọi Launch chủ yếu bàn về khởi nghiệp tại Việt Nam đã thu hút được hơn 14 nghìn thành viên tham gia. Có thể thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang rất phát triển với đầy đủ những yếu tố có thể mang lại thành công. Nơi những bạn trẻ có kỹ năng và kiến thức hoàn toàn có thể nghĩ đến việc làm ra những sản phẩm phục vụ thị trường trong nước cũng như vươn ra thế giới.
>> Khởi nghiệp có phải chỉ dành cho người trẻ?
Theo Tiến Hải