MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp chết hàng loạt: Không có đám tang cho kiến

17-12-2012 - 14:29 PM |

“Liên tục có những thông tin doanh nghiệp ‘cáo phó’ trong suốt thời gian qua không có gì là bất ngờ vì điều này thể hiện giai đoạn cuối của quá trình sa mạc hóa của các vùng kinh tế không được bơm nước”.

Đây là chia sẻ của doanh nhân, luật sư Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc InvestConsult Group.

Không có đám tang cho kiến

- Trong năm vừa qua thì thông tin về doanh nghiệp khó khăn dày đặc trên các báo như doanh nghiệp giải thể, cho công nhân nghỉ việc. Ông bình luận gì về sự việc này?


- Cái đấy là một tất yếu. Cách đây 5-7 năm, tôi đã viết những bài để mô tả về trạng thái hiện nay rồi, chứ không phải bây giờ. Trong một bài nào đó, tôi có nói chúng ta có một lượng nước rất ít, nhưng được chỉ định chảy vào một số cái giếng, vậy thì toàn bộ phần còn lại của không gian kinh tế Việt Nam là bị sa mạc hóa. Tất cả các cáo phó ấy là thể hiện ở giai đoạn cuối của quá trình sa mạc hóa của các vùng kinh tế không được bơm nước. 

Để có thể huy động được tiền cho những mục tiêu khác, thì nâng lãi suất tiền gửi lên, và buộc phải nâng lãi suất tiền vay lên. Cho nên mọi sản xuất công nghiệp không thể với tới tín dụng được, có cho vay cũng không vay được, do đó nó kéo theo tất cả những chuyện khác như nâng giá cả hàng hóa lên, ngay cả chi tiêu cũng không chi tiêu được. Đây là hậu quả của việc phân bố sự chú ý đến các vùng khác nhau của nền kinh tế, đến các mạch vỉa quặng khác nhau của nền kinh tế một cách không cân đối, làm cho các nền kinh tế bị bỏ quên từng bộ phận một. 

Cho nên cái gọi là các doanh nghiệp cáo phó ấy đã đủ đông để tạo thành một nghĩa trang của các doanh nghiệp bị bỏ quên trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, trong nghĩa trang doanh nghiệp ấy còn có một nghĩa trang ở cấp cao, đó là các tập đoàn nhà nước. Ở đấy người ta xây đền thờ trước khi cáo phó, vì nó chết rồi nhưng không phát tang được. Phát tang là sự thất bại của chính sách vĩ mô cho nên không phát tang được, nhưng trên thực tế là nó chết rồi. 

Ví dụ như Vinashin chẳng hạn, bây giờ nó không còn gì để nói chuyện nữa. Cái này không phải là tôi nói, mà là các quan chức của Vinashin nói, bộ giao thông nói, và trên báo cũng đã từng nói như thế. Đây là hậu quả tất yếu của sự phân bố tín dụng, phân bố tài nguyên, phân bố sự chú ý chính trị đến các vùng kinh tế, các không gian kinh tế khác nhau không thỏa đáng, và nó là tất yếu. 

Người ta có thể nói rằng mấy chục nghìn doanh nghiệp ấy là mấy chục nghìn con kiến, nó không bằng một công ty con của một tập đoàn kinh tế, nếu nói tổng đầu tư. 

"Đôi khi người ta không làm đám tang cho kiến, tuy nhiên khi làm đám tang cho voi rồi, thì người ta nhân tâm lý đám tang ấy nhìn sang vùng kiến thì thấy nó cũng nhiều. Hay nói cách khác là kể cả voi và kiến đều phải làm đám tang và cáo phó, và tổng của hai sự cáo phó ấy là trạng thái kinh tế hiện nay mà những người có chất lượng nhân văn tối thiểu thấy rất khó gọi tên".

Ông Nguyễn Trần Bạt

- Xã hội sẽ chịu tác động từ sự phá sản của hàng chục danh nghiệp như thế nào, thưa ông?

- Đấy lại là vấn đề khác, đấy không phải phân tích kinh tế, mà là phân tích chính trị. Hiện nay không có sự phân tích chính trị, hậu quả chính trị xã hội của hiện tượng gọi là cáo phó của các doanh nghiệp, đấy là vô cùng nguy hiểm. Tức là yếu tố con người bị bỏ quên, chúng ta mới nói nợ xấu bao nhiêu, nợ khó đòi, nợ công bao nhiêu, và tất cả chúng ta chỉ nghĩ đến tiền. 

Đằng sau những cái nợ ấy chính là sự vất vưởng của con người. Đằng sau sự thu hồi đất ấy là sự vất vưởng của hàng chục nghìn con người, thế nên mới có kiện cáo tập thể, mới có khiếu nại đông người. Tất cả những hiện tượng ấy chính là hiện tượng con người, hậu quả con người cho các chính sách kinh tế cụ thể. Cho nên đây là một vấn đề khổng lồ, bức tranh này phải được phân tích dưới giác độ khác, chứ không phải chỉ giác độ chính sách kinh tế thuần túy.

Kho nhân sâm có hạn

- Trở lại vấn đề cụ thể hơn, đấy là bất động sản. Thời gian vừa qua có khá nhiều doanh nghiệp bất động sản ban đầu thì được bơm vốn để làm, bây giờ thì có khá nhiều doanh nghiệp đang chết, và có nhiều doanh nghiệp sống dở chết dở. Theo ông, các giải pháp hiện nay mà Nhà nước đưa ra thì có thể cứu được các doanh nghiệp bất động sản không? Vì sao?

-Không, bởi vì chúng ta đã từng có một sự phân bố không minh bạch và không đồng đều, không công bằng thông qua chính sách tiền tệ và tín dụng. Cho nên sẽ có một số kẻ sống, nhưng đại bộ phận là chết, và đại bộ phận quy định chất lượng của các hiện tượng kinh tế chứ không phải một vài đối tượng. Chết một cách cộng đồng, một cách tập thể như vậy thì cũng có một vài đối tượng sống, và vài đối tượng sống ấy có thể tự họ đủ thông minh để lựa chọn lối sống, và cũng có thể những người bảo trợ cho họ tìm cho họ một lối sống, và lối sống ấy cũng không thật. 

"Kho nhân sâm của nhà nước là không đầy đủ để có thể đủ sâm cho tất cả các đối tượng kinh doanh bất động sản. Cho nên sẽ có một số người có một lát sâm, và cũng chỉ để cầm hơi, hoàn toàn không đủ để sống thật".

Ông Nguyễn Trần Bạt



- Tức là bây giờ nền kinh tế bong bóng đã thực sự xì hơi?


- Nó không phải là nền kinh tế bong bóng. Nền kinh tế bong bóng là kết quả của một hiện tương bơm tập thể, nhưng nền kinh tế bong bóng của chúng ta là một nền kinh tế tự bơm. Bởi vì khu vực kinh tế bất động sản của chúng ta hình thành sau chu kỳ phát triển nhất của nền kinh tế chứng khoán. Bản thân nền kinh tế chứng khoán đã bơm tiền lên, tạo ra thói quen huy động lãi cao ở đầu vào và cho vay lãi cao ở đầu ra. 

Nếu xét trên tổng thể thì nền kinh tế chứng khoán, khu vực kinh doanh chứng khoán ấy có một độ dài về thời gian, nhưng từng phi vụ một thì nó lại ngắn hạn, cho nên nó chịu đựng được lãi suất cao vì hất nhanh cái mua được ấy sang tay người khác. Tức là cả nền kinh tế vẫn phải chịu đựng dài, nhưng từng phi vụ kinh doanh thì nó chịu đựng ngắn, cho nên vô tình người ta động viên tín dụng cho thị trường chứng khoán một cách nhộn nhịp. 

Nhưng chuyển sang khu vực kinh tế bất động sản thì chất lượng tín dụng ấy không còn đảm bảo, không còn thích ứng nữa, bởi đặc điểm tự nhiên của các dự án bất động sản là dài hạn. Cho nên hệ quả tất yếu của việc xuất hiện tính bong bóng của thị trường bất động sản đáng ra phải được thấy ngay từ giai đoạn phát triển nhất của nền kinh tế chứng khoán. Nhưng chúng ta chưa có một tổng công trình sư về kinh tế để quan trắc các luồng tín dụng với những chất lượng như thế khi di chuyển sang khu vực khác thì nó sẽ như thế nào. Bây giờ chúng ta chỉ có mỗi một cách là giải quyết những chỉ tiêu biểu kiến của kinh tế vĩ mô để có thể nói được một cách dễ dàng. 

Nhưng mô tả và nói được một cách dễ dàng các diễn biến của nền kinh tế, với ăn được nền kinh tế cụ thể ấy là hai việc hoàn toàn khác nhau. Hay nói cách khác chúng ta có những chính sách để có thể tạo ra một nền kinh tế rất dễ nói, nhưng rất khó xơi. Hiện nay là hiện tượng cố gắng để giải quyết các chỉ tiêu vĩ mô để nói được, nhưng để ăn nó là không ăn được. Mọi khâu đều không ăn được. Vì thế cho nên kinh tế của chúng ta không đi lên được.

- Có nghĩa là bức tranh của năm 2013 và những năm tới vẫn là rất mờ mịt và tệ đúng không, thưa ông?

- Tôi không nói thế. Trên đời này một trong những nghệ thuật quan trọng nhất để sống với nhau là nói “không” như thế nào. Tôi cũng bắt chước sự duyên dáng của cô con gái khi từ chối người ta tặng hoa mình. Tôi không ném một nhành hoa lên nấm mồ ấy đâu, bởi vì tôi xem nó chưa chết. Tuy nhiên, trong lòng tôi khi không ném được thì hơi xót xa một chút.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Lâm Bích Ngọc
Báo Đất Việt

tanhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên