Ebola tấn công nền kinh tế
Dịch bệnh ebola không chỉ đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.300 người ở Tây Phi, mà còn tàn phá nền kinh tế các nước Guinea, Liberia và Sierra Leone.
- 23-08-2014Khả năng lây lan Ebola ngày càng lớn
- 23-08-2014Hai bác sĩ người Mỹ đã miễn nhiễm với Ebola?
- 19-08-2014Đại dịch Ebola: Ai lo phòng bệnh cho người nghèo?
“Nền kinh tế đã co rút 30% vì ảnh hưởng của ebola” - Bộ trưởng Nông nghiệp Sierra Leone Joseph Sam Sesay - nói với BBC. Ông cho biết Tổng thống Ernest Bai Koroma đã tiết lộ tin tức đáng kinh ngạc và thất vọng này cho các bộ trưởng tại một cuộc họp nội các đặc biệt.
“Ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất vì đa số người Sierra Leone (khoảng 66%) là nông dân” - ông nói. 12/13 quận, huyện ở Sierra Leone đang bị ảnh hưởng bởi Ebola. Đường sá bị cảnh sát và binh lính phong tỏa nhằm ngăn chặn sự đi lại của nông dân và người lao động cũng như việc cung cấp lương thực. Giám đốc điều phối viên của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), David McLachlan-Karr, tin rằng việc phong tỏa đường sá là cách hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của các ổ dịch. “Hành xử mạnh mẽ là điều cần thiết để cách ly các ổ dịch” - ông nói.
Tuy nhiên, ông thừa nhận ngành nông nghiệp Sierra Leone sẽ bị đánh ngã. UNDP đã kêu gọi ủng hộ 18 triệu USD để củng cố hệ thống y tế Sierra Leone, trong khi Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết tổng chi phí của các hoạt động khẩn cấp ở Sierra Leone, Guinea và Liberia là 70 triệu USD.
Tại Guinea và Liberia, các dự báo kinh tế có thể ít ảm đạm hơn nhưng không phải không đáng lo. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Guinea sẽ giảm từ 4,5-3,5%. Kinh tế Liberia trước đây được dự báo tăng 5,9% trong năm nay, nhưng Bộ trưởng Tài chính Amara Konneh gầy đây cho rằng dự báo đó chẳng thể là hiện thực được nữa, vì sự trì hoãn của hoạt động giao thông-vận tải và các ngành dịch vụ, cũng như việc công nhân nước ngoài rời bỏ vì lo ngại dịch bệnh ebola.
Nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal mới đây đã phải ngưng dự án mở rộng mỏ quặng ở Yekepa tại Liberia, sau khi nhà thầu tuyên bố “bất khả kháng” và đưa người của mình ra khỏi đất nước. Simandou, ở những cánh rừng phía Đông Guinea, là mỏ quặng sắt lớn nhất châu Phi nằm trong dự án này. Vale, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, tham gia khai thác mỏ Simandou, cũng đã rút hết nhân viên về nước. Một công ty Anh nhỏ hơn, London Mining, đã chuyển một số nhân viên không thiết yếu ra khỏi Sierra Leone, nơi khai khoáng đóng góp phần lớn cho tăng trưởng gần đây của đất nước.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sản lượng của Sierra Leone tăng 20% trong năm ngoái, nếu trừ khai thác quặng sắt, nó tăng 5,5%. London Mining cũng đã quyên góp tiền để kiềm chế sự lây lan của ebola và giáo dục cộng đồng địa phương về loại virus này.
Tại Sierra Leone, các ngân hàng thương mại đã giảm 2 giờ làm việc mỗi ngày để giảm tần suất tiếp xúc với khách hàng, trong khi ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều khách sạn phòng ốc luôn trống không nên phải sa thải nhân viên. Việc đóng cửa biên giới ở Tây Phi và việc đình chỉ các chuyến bay cũng đang có một ảnh hưởng bất lợi về thương mại, hạn chế nghiêm trọng hoạt động xuất nhập khẩu.
Thí dụ gần đây là việc đóng cửa đường biên giới dài với Cameroon và Nigeria, cùng thông báo của Kenya Airways về việc đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Sierra Leone và Liberia. Cả 3 quốc gia Tây Phi hiện đều là các nước nghèo, sự bùng nổ ebola có thể làm họ càng nghèo hơn. Sierra Leone và Liberia đều là những nước mới gượng dậy từ những cuộc nội chiến khủng khiếp.
Liberia đang cố gắng hồi sinh ngành khai thác mỏ của đất nước. Đây là ngành chiếm hơn 1/2 kim ngạch xuất khẩu của nước này trước khi xảy ra nội chiến. Nhưng bây giờ, người ta lo ngại rằng tất cả thành tựu đạt được kể từ khi chấm dứt nội chiến có thể bị phá hủy. Ngoài ra, người ta lo ngại tình trạng đói khổ hơn sẽ khiến tội phạm gia tăng ngoài kiểm soát.