MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FDI: Sáng và tối

27-06-2014 - 14:41 PM |

Điểm sáng trong bức tranh FDI nửa đầu năm 2014 được thắp lên nhờ hoạt động tích cực trong giải ngân, triển khai dự án của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Nội dung nổi bật: 

- Góc sáng: 

+ Điểm sáng trong bức tranh FDI nửa đầu năm 2014 được thắp lên nhờ hoạt động tích cực trong giải ngân, triển khai dự án của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

+ Các dự án lớn trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, năng lượng tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

+ Ngoài ra, còn có thể nêu ra nhiều hơn các điểm sáng nhỏ khác trong bức tranh chung về FDI 6 tháng đầu năm 2014, như sự tích cực của một số địa phương trong quản lý điều hành.

- Mảng tối: 

+ Trong hơn 60 đề án đã được giao cho các bộ, ngành, địa phương với yêu cầu phải hoàn tất việc nghiên cứu và hoàn thành trong năm 2014, phần lớn các đề án này sẽ không hoàn thành được đúng tiến độ.

+ Hay, chuyện chuyển giao công nghệ chưa đạt, sức lan tỏa của FDI tới khu vực kinh tế trong nước còn yếu



Điểm sáng trong bức tranh FDI nửa đầu năm 2014 được thắp lên nhờ hoạt động tích cực trong giải ngân, triển khai dự án của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn những mảng tối như, trong bối cảnh chung của quá trình phát triển, việc thực thi không nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về FDI…

Góc sáng

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam đạt gần 6,6 tỷ USD, bằng 64,7% so với cùng kỳ 2013; tổng vốn FDI thực hiện đạt 5,75 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ 2013. Điều đáng nói là trong tình hình bất ổn tại Biển Đông, vốn FDI đăng ký cấp mới vẫn đạt ở mức khá cao với nhiều dự án tiềm năng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Đồng thời, hoạt động xuất nhập khẩu của khối FDI vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ.

Điểm sáng trong bức tranh FDI nửa đầu năm 2014 được thắp lên nhờ hoạt động tích cực trong giải ngân, triển khai dự án của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình như dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa, chỉ 5 tháng đầu năm 2014 đã giải ngân được 676 triệu USD, đưa tổng mức giải ngân đến thời điểm hiện nay đạt 1,6 tỷ USD.

Các dự án công nghệ cao, sản xuất công nghiệp tiếp tục được thu hút và mở rộng, như dự án Samsung Electro - mechanics Thái Nguyên đang tích cực hoàn thiện để có sản phẩm đầu tiên trong 6 tháng cuối năm nay; Siflex (Hàn Quốc) được tỉnh Bắc Giang trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án chuyên sản xuất các linh kiện điện tử như bản mạch in sử dụng cho các sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay; dự án LG Electronics Hải Phòng có vốn đăng ký 1,5 tỷ USD đang tích cực triển khai để đi vào hoạt động trong năm nay...

Một số ngành dịch vụ cũng đang chứng tỏ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi lĩnh vực BĐS đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, tỉnh Quảng Ninh cho biết, Tập đoàn Nakheel (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) xúc tiến để triển khai đầu tư dự án khu đô thị du lịch Hạ Long Star trong năm 2014. Đây là dự án có quy mô vốn 550 triệu USD với mục tiêu xây dựng khách sạn 5 sao, biệt thự, nhà phố, căn hộ và trung tâm thương mại trên diện tích khoảng 125 ha…

Các dự án lớn trong các lĩnh vực quan trọng khác tiếp tục đầu tư vào Việt Nam còn là dự án nhà máy điện độc lập sử dụng năng lượng gió Nhơn Hội - Bình Định (Thụy Sĩ) mới được cấp phép; dự án quy mô lớn của Samsung đầu tư trong lĩnh vực vi điện tử; dự án của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản phát triển khu phức hợp thông minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với mức vốn đầu tư tới 2 tỷ USD đã được UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận về chủ trương đầu tư…

Ngoài ra, còn có thể nêu ra nhiều hơn các điểm sáng nhỏ khác trong bức tranh chung về FDI 6 tháng đầu năm 2014, như sự tích cực của một số địa phương trong quản lý điều hành, thu hút nguồn vốn quan trọng này. Tiêu biểu là TP. Hồ Chí Minh, địa phương thu hút được 1,08 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2014, bằng 202% so với cùng kỳ năm trước…

Mảng tối

Tuy nhiên, bên cạnh các điểm sáng nêu trên, trong bối cảnh chung của quá trình phát triển, việc thực thi không nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về FDI đang là những điểm tối xuất hiện trong bức tranh chung về FDI hiện nay.

Nếu năm 2013, một trong các điểm sáng trong thu hút, sử dụng vốn FDI là việc tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 25 năm FDI tại Việt Nam và sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới.

Từ đó, hơn 60 đề án đã được giao cho các bộ, ngành, địa phương với yêu cầu phải hoàn tất việc nghiên cứu và hoàn thành trong năm 2014. Nhưng đến nay, qua trao đổi với một cán bộ cấp vụ trong bộ máy quản lý Nhà nước về FDI thì được biết, phần lớn các đề án này sẽ không hoàn thành được đúng tiến độ.

Sự thực thi không nghiêm túc của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dễ chuyển các điểm sáng năm nay thành điểm tối ở năm sau. Còn các điểm tối khác xuất phát từ góc độ trách nhiệm của một số DN có vốn FDI khi câu chuyện chuyển giá, lỗ giả mà lãi thật vẫn còn đó, dù các cơ quan chức năng đã rất tích cực trong công tác chống chuyển giá này.

Hay, chuyện chuyển giao công nghệ chưa đạt, sức lan tỏa của FDI tới khu vực kinh tế trong nước còn yếu… là những điểm tối cần xóa bỏ trong bức tranh đầy sáng tạo và lôi cuốn của FDI, đã từng tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam thời gian qua và còn có thể tiếp nối ở giai đoạn sắp tới.

Sau sự việc đáng buồn đối với một số DN FDI vào tháng 5/2014, khi Trung Quốc bất chấp quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước và luật pháp quốc tế đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, sự quyết liệt, kịp thời, cùng với các giải pháp hỗ trợ thiết thực DN bị thiệt hại của Chính phủ Việt Nam đã giúp cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài thấy rõ hơn chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong định hướng thu hút FDI. Điều này tạo ra những cơ hội mới cho dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam có chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn, hứa hẹn việc đạt được mục tiêu về lượng cho cả năm 2014.

Theo TS. Phan Hữu Thắng
Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

thuyntt

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên