GDP Tp.HCM giảm mà GDP bình quân đầu người lại tăng?
Đến cuối năm 2013, GDP của Tp.HCM đạt 9,3%, cao hơn 0,1% so với cùng kỳ nhưng không đạt kế hoạch năm (từ 9,5 - 10%). Còn GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 4.513 USD/người, vượt kế hoạch đề ra là 4.000 USD/người.
- 10-12-2013TP. HCM muốn “hút tiền” từ kênh trái phiếu địa phương
- 05-12-2013TP. HCM: Đề xuất điều chỉnh GDP 2014-2015 tăng 10,6-11,9%
- 04-12-2013TP HCM: Ngân hàng đã hỗ trợ các DNNN hơn 45.000 tỷ đồng
- 22-11-2013CPI TP. HCM tăng 0,17% so với tháng 10
Nội dung nổi bật:
GDP của thành phố Hồ Chí Minh không đạt mà GDP bình quân đầu người lại tăng:
- Theo giải thích từ Cục thống kê Tp HCM, nguyên nhân là do dân số trung bình tăng chậm hơn tốc độ tăng của GDP.- Còn theo Sở KHĐT thì công thức tính GDP bình quân đầu người hoàn toàn không phụ thuộc vào tốc độ tăng GDP.
Con số 9,3% của GDP năm nay được nhìn nhận là cho thấy tăng trưởng kinh tế của thành phố đã có dấu hiệu phục hồi.
Thông tin nói trên được Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thị Hồng báo cáo tại phiên khai mạc của kỳ họp thứ 12 Hội đồng Nhân dân thành phố, sáng 9/12. Thảo luận tại tổ chiều cùng ngày, một số ý kiến đã đề nghị giải thích rõ vì sao GDP của thành phố không đạt mà GDP bình quân đầu người lại tăng.
Theo giải thích của đại diện Cục Thống kê Tp.HCM thì GDP bình quân đầu người được tính bằng cách lấy GDP theo giá hiện hành chia cho dân số trung bình hiện tại của thành phố. Và vì mẫu số tăng chậm hơn tử số nên GDP/đầu người sẽ tăng cao.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM thì trình bày, công thức tính GDP bình quân đầu người là GDP theo thực tế tiền đồng, chia cho dân số trung bình sau đó chia cho tỷ giá USD bình quân cả năm, hoàn toàn không phụ thuộc vào tốc độ tăng GDP.
Vị này cũng giải thích thêm rằng, ở năm 2012 GDP bình quân đầu người được tính theo GDP giá cố định1994 nên đến cuối năm là 3.600 USD/người. Đến giữa năm 2013 số này được tính theo phương pháp mới và giá cố định GDP của 2010 nên đã thành 4.000 USD/người. Năm 2013 xây dựng kế hoạch là 4.000 USD là vì tính theo phương pháp cũ, và giờ theo phương pháp mới là 4.513 USD.
Đồng ý là có sự chênh lệch khi tính theo hai phương pháp, tuy nhiên Chủ tịch Tâm nhấn mạnh rằng , nếu nói GDP bình quân đầu người không dính dáng gì đến GDP thì không đúng.
Vẫn liên quan đến tăng trưởng, báo cáo của UBND Tp.HCM cho biết, GDP bình quân ba năm 2011 – 2013 tăng 9,6% (thấp hơn bình quân giai đoạn 2008-2010 là 10,3%) nhưng gấp 1,74 lần so với cả nước (cả nước tăng 5,6%), góp phần tích cực duy trì mức tăng trưởng GDP hợp lý của cả nước.
Con số 9,3% của GDP năm nay được nhìn nhận là cho thấy tăng trưởng kinh tế của thành phố đã có dấu hiệu phục hồi. Song, UBND Tp.HCM cũng nhìn nhận nợ xấu chưa giải quyết được cơ bản và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ở một bản báo cáo khác, con số cụ thể về nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn cụ thể là 56.373 tỷ đồng, chiếm 6,13% tổng dư nợ tín dụng, tăng 8.509 tỷ đồng so cuối năm 2012 (tương ứng tăng 17,8%). Trong đó, nợ nhóm 5 chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nợ xấu, chiếm 70,3% (tương ứng 39.652 tỷ đồng).
Báo cáo này cũng cho biết, từ tháng 10 năm 2013, một số tổ chức tín dụng trên địa bàn đã bắt đầu thực hiện quá trình mua - bán nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đến nay đã bán được 3.100 tỷ đồng nợ gốc.
Năm 2014, chỉ tiêu được UBND Tp.HCM đặt ra là GDP dự kiến tăng 9,5 - 10%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến chiếm khoảng 31% GDP; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 10% và tốc độ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn cả nước.
Tại phiên thảo luận sáng 10/12, một số vị đại biểu cho rằng nếu cứ lấy GDP cả nước nhân lên 1,5% để xác định chỉ tiêu GDP cho thành phố thì không ổn lắm mà cần tính đến các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng. Lấy ví dụ dư nợ tín dụng tăng cao so với cùng kỳ nhưng GDP lại thấp hơn cũng kỳ, một vị đại biều đề nghị cần làm rõ hơn có hay không việc tái cơ cấu nợ, bởi việc này nếu có sẽ chứa đựng nguy cơ nợ xấu khó giải quyết.
Trong mối quan hệ giữa tăng GDP và số thu ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Tp.HCM Đào Thị Hương Lan giải thích ngân sách thành phố sở dĩ vẫn đạt kế hoạch là vì GDP tăng đều qua từng quý cho thấy sản xuất vẫn có tăng trưởng. Bên cạnh đó số doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng nhiều hơn giảm. Và đến tháng 11/2013 đã có 15/24 quận huyện hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách cả năm. Hoàn toàn không có chuyện tận thu gây kiệt sức doanh nghiệp, bà Lan quả quyết.