MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới đầu tư nước ngoài ngán ngẩm biểu tình ở Thái Lan

02-12-2013 - 14:44 PM |

Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) ngày 2-12 cảnh báo các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước đang ngán ngẩm môi trường kinh doanh tại đây.

Nội dung nổi bật:

Đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ giảm tại Thái Lan. Việc đóng cửa các trung tâm thương mại lớn như Siam Paragon và Central World tại Bangkok đã ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà bán lẻ. Khách du lịch phải tản ra các vùng xung quanh như Chiang Mai, Phuket để tham quan.  
- Người dân Thái chỉ còn biết “cầu nguyện và hi vọng”. Nếu tình hình diễn biến căng thẳng hơn, người Thái hi vọng Quốc vương Bhumibol Adulyadej sẽ chuyển thông điệp kêu gọi hòa giải giữa hai phe.



Trong khi chính phủ Thủ tướng Yingluck và phe đối lập đang giằng co quyền lực bằng cuộc bạo động “lớn nhất từ năm 2010” tại Bangkok, Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) ngày 2-12 cảnh báo các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước đang ngán ngẩm môi trường kinh doanh tại đây.

TCC kêu gọi các bên ngồi vào đàm phán “vì tương lai đất nước”.

“Đàm phán là con đường duy nhất”

Bangkok Post dẫn lời nhiều nhân vật “cộm cán” như giám đốc Ngân hàng Thái Lan Prasarn Trairatvorakul nhấn mạnh “các cuộc xung đột chính trị chỉ có thể được giải quyết qua con đường đàm phán”

Còn Sanga Ruangwattanakul - người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp đường Khao San, con đường tập trung nhiều cửa hàng phục vụ khách du lịch đến tham quan tại Bangkok - cảnh báo “việc chính phủ áp dụng luật an ninh nội địa (ISA) trên đường phố Bangkok để ngăn biểu tình gây bất tiện cho khách du lịch. Nếu biểu tình tiếp diễn, có khả năng đêm 31-12 sẽ không diễn ra sự kiện Countdown (đếm ngược đến thời khắc giao thừa) - sự kiện thu hút hàng ngàn khách du lịch đến Bangkok tham dự cuối năm - đây thật là thảm họa”.

Trước đó đụng độ tại khu vực Ramkhamhaeng đã khiến 3 người thiệt mạng. TCC thậm chí tình nguyện đứng ra làm trung gian hòa giải cho hai bên. Tuy nhiên, Kongkiat Opaswongkam - giám đốc điều hành Asia Plus Securities - lại ngán ngẩm phân tích căn bệnh kinh niên của Thái Lan: “Một số nỗ lực hòa giải đã được thực hiện, nhưng khi một nhóm lên nắm quyền, nhóm kia lại cố gắng để lật đổ nó. Điều này không có dấu hiệu kết thúc. Nếu chúng ta không muốn lịch sử lặp lại, mọi người phải thay đổi cách suy nghĩ của mình”.

Bangkok Post dẫn lời Judy Benn - giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Thái Lan - cho biết các doanh nghiệp Mỹ rất lo ngại về xung đột chính trị hiện tại ở nước này. Việc đóng cửa các trung tâm thương mại lớn như Siam Paragon và Central World tại Bangkok đã ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà bán lẻ. Đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ giảm tại Thái Lan. Khách du lịch phải tản ra các vùng xung quanh như Chiang Mai, Phuket để tham quan.  

Cầu nguyện cho Thái Lan

Giữa những “cái đầu nóng”, cộng đồng mạng Thái Lan trên các diễn đàn, mạng xã hội như Facebook, Twitter đang lan truyền nhau chiến dịch "Cầu nguyện cho Thái Lan" (Pray for Thailand): một người tên Thanat đã vẽ bức poster cho chiến dịch này với thông điệp “Thượng đế chúc lành cho chúng ta. Mang lại hòa bình cho Thái Lan”. Hàng ngàn lượt người chia sẻ các dòng trạng thái (status) trên mạng xã hội, kêu gọi mọi người bình tĩnh, không sử dụng bạo lực tấn công lẫn nhau, đọc có chọn lọc thông tin trên các phương tiện truyền thông về xung đột để có thái độ ứng xử đúng đắn.

Khi người dẫn dắt lực lượng biểu tình lật đổ chính phủ Suthep Thaugsuban vẫn nhất định không đàm phán tiếp với chính phủ của Thủ tướng Yingluck, người dân Thái chỉ còn biết “cầu nguyện và hi vọng”.

Nếu tình hình diễn biến căng thẳng hơn, người Thái hi vọng Quốc vương Bhumibol Adulyadej sẽ chuyển thông điệp kêu gọi hòa giải giữa hai phe. Người Thái Lan đặc biệt tôn kính quốc vương, chỉ có thông điệp hòa giải của ông lúc này mới xoa dịu được “những cái đầu nóng”.

Theo ANH DUY

thuyntt

Tuổi trẻ

Trở lên trên