MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh chụp ảnh cưới dưới nước 'nổi sóng' tại Trung Quốc

12-09-2014 - 13:58 PM |

Mặc dù không phải là quốc gia khai sinh ra ý tưởng chụp ảnh dưới nước, nhưng Trung Quốc lại là nơi có trào lưu này phát triển thịnh hành và rầm rộ bậc nhất.

Câu chuyện của Mr Wedding

Bà Liu Tina, người sáng lập thương hiệu Mr Wedding, bắt đầu công việc kinh doanh của mình với số vốn 24,000 USD, ban đầu chỉ thực hiện những bộ ảnh cưới theo phong cách thông thường, cho tới khi quyết định chuyển địa điểm ra khu vực ngoại ô và xây một bể chứa nước khổng lồ phục vụ cho việc chụp ảnh cưới dưới nước. Bà chia sẻ về ý tưởng của mình: “Khi ở trong môi trường nước, người ta có thể tạo dáng theo rất nhiều cách mà ở trên cạn không thực hiện được. Chính việc nổi bồng bềnh trong nước mang lại vẻ đẹp thanh thoát cho trang phục, tóc và khăn voan”.
 
Bà Liu cho khách hàng xem ảnh vừa chụp

Những ngày đầu đi vào hoạt động khá khó khăn do không có nhiều khách hàng chịu lặn lội đường xa tới studio, tuy nhiên bằng sự kiên nhẫn tiếp thị khách hàng và việc hợp tác với những êkíp chất lượng cao, dần dần lịch hẹn của Tina Liu trở nên kín đặc. Tới nay, mỗi tháng người phụ nữ này thu về 400,000 tới 500,000 Nhân dân tệ. 

Mỗi lần chụp ảnh là một quá trình chuẩn bị và thực hiện vô cùng vất vả. Thông thường cô dâu được khuyên mặc váy cưới màu trắng cùng khăn voan mỏng và dài, sau đó được trang điểm bằng một lớp make-up chống nước. Sau một vài giờ chuẩn bị, cô dâu chú rể cùng bước xuống một chiếc bể kính lớn đựng đầy nước ấm và sạch, nơi họ sẽ tạo dáng dưới sự hướng dẫn qua Mic của một nhân viên Studio. 

Chụp ảnh dưới nước, trên không và Stop-motion

Hai bạn trẻ Lamea và YY sẽ kết hôn sau một năm nữa, tuy nhiên họ đã rất sốt sắng với việc chụp ảnh cưới. Quá ngán ngẩm những bức ảnh kiểu truyền thống với bãi cỏ, tường và chim bồ câu trắng, cặp đôi này tìm đến dịch vụ của bà Tina Liu. 

Bên cạnh chụp ảnh cưới dưới nước, công ty của bà Liu cũng đang triển khai một dự án mang tên “Chụp ảnh trên không”, theo đó chiếc máy ảnh sẽ được treo trên một chiếc máy quay không người lái nhỏ và chụp ảnh các cặp đôi, trong lúc họ vẫn đứng yên trên mặt đất. Ngoài ra còn có dịch vụ chụp ảnh theo phong cách Stop-motion. 
Nhiều cặp đôi không hề ngần ngại trả một khoản tiền lớn cho những ý tưởng độc đáo này. Tiêu biểu như Lamea và YY, hai người đã chi trả 2000 nhân dân tệ cho 15 bức ảnh chụp dưới nước tại đây. 
 
Thành quả một bức ảnh cưới dưới nước

Ngành công nghiệp tổ chức đám cưới ở Trung Quốc

Từ một vùng ngoại ô nghèo nơi người dân chủ yếu gia công quần áo để xuất khẩu, sự hiện diện của Mr Wedding đã giúp khu vực này trở nên đông đúc nhộn nhịp hơn rất nhiều, và tham gia tích cực vào làn sóng chi tiêu xa xỉ đang bùng nổ ở Trung Quốc. Theo thống kê của các cơ quan thông tấn nước này, thị trường dịch vụ cưới hỏi đã tăng trưởng chóng mặt trong vòng chỉ một vài thập kỷ, tới nay đã trở thành ngành dịch vụ trị giá 800 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 130 tỉ USD mỗi năm, và những ý tưởng độc đáo nhanh chóng trở thành trào lưu mới của giới trẻ.

Mặc dù không phải là quốc gia khai sinh ra ý tưởng chụp ảnh dưới nước, nhưng Trung Quốc lại là nơi có trào lưu này phát triển thịnh hành và rầm rộ bậc nhất. Mr Wedding là một trong số những studio thức thời tham gia vào trào lưu đó.
 
Mỗi năm ngành công nghiệp này mang về doanh thu khoảng 130 tỉ USD

Theo ý kiến một số chuyên gia Trung Quốc, ngành dịch vụ này đang có xu hướng tiến tới bão hòa dần. Năm 2009 có khoảng 90% các cặp đôi sắp cưới đăng ký chụp ảnh cưới, nhưng tới năm 2014 con số này chỉ còn 70%. Sự sụt giảm chóng mặt này cho thấy tốc độ đào thải khắc nghiệt của lĩnh vực dịch vụ cưới hỏi. Mặc dù vậy, với khoảng 10 triệu cặp đôi kết hôn mỗi năm, vẫn còn khá nhiều “đất” cho những doanh nghiệp biết cách thích nghi và gây dựng tiếng tăm. 


Hải Hà

thuyntt

Theo Infonet

Trở lên trên