Lo kinh doanh khó khăn, Vietnam Airlines áp và 'xin thêm' hàng loạt cơ chế
Một trong các cơ chế xin ưu đãi là Vietnam Airlines muốn được giảm 25% giá các dịch vụ hàng không và xin giảm hơn một nửa thuế suất nhập khẩu xăng dầu.
- 23-07-2014Vietnam Airlines không dễ thoái vốn
- 21-07-2014Tránh bay qua Ukraina, Vietnam Airlines tốn thêm 10 tỷ/tháng
- 18-07-2014Vietnam Airlines hoãn 4 chuyến và điều chỉnh đường bay do lo ngại sau tai nạn MH17
- 25-06-2014Ai có khả năng chi ra 300 triệu USD để trở thành đối tác chiến lược của Vietnam Airlines?
Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, do ảnh hưởng của sự kiện biển Đông, mặc dù 4 tháng đầu năm lãi tới 656 tỷ đồng song lũy kế 6 tháng đầu năm Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lại gánh chịu khoản lỗ 160 tỷ đồng.
Vietnam Airlines đánh giá trong nửa cuối năm, hoạt động kinh doanh sẽ hết sức khó khăn và Tổng công ty cũng đã đề ra một loạt các giải pháp nhằm khắc phục ảnh hưởng.
TỪ TỰ KHẮC PHỤC...
Theo báo cáo mà đơn vị này gửi tới Bộ Giao Thông vận tải, 6 tháng cuối năm Vietnam Airlines sẽ tăng cường khai thác thị trường nội địa và các thị trường khác không bị ảnh hưởng như Nhật, Hàn Quốc, Malaysia…Dự kiến bằng biện pháp này, doanh thu từ thị trường nội địa sẽ bổ sung khoảng 467 tỷ đồng và doanh thu từ thị trường Quốc tế sẽ được bổ sung 103 tỷ.
Vietnam Airlines cũng sẽ cho Jestar Pacific thuê 1 tàu bay vì hiện tại Jestar phải thuê ngoài. Tổng công ty đánh giá việc này sẽ giúp doanh thu tăng thêm gần 36 tỷ đồng.
Cùng với đó, Vietnam Airlines sẽ rà soát lại các hạng mục đầu tư, nếu dự án nào chưa thực sự cần thiết hoặc không trực tiếp phục vụ việc vận tải hàng không, hoặc các dự án sử dụng nhiều ngoại tệ hoặc còn nhiều khó khăn vướng mắc, hiệu quả đầu tư chưa rõ ràng thì Tổng công ty sẽ giãn tiến độ. Còn các dự án liên quan đến an toàn bay hoặc hoạt động sản xuất thì sẽ được ưu tiên tiến hành.
Về lao động, Vietnam Airlines cho biết do kinh doanh khó khăn nên sẽ không bổ sung lao động so với cuối năm 2013 mà chỉ tiến hành tuyển thêm lượng tối thiểu lực lượng có chuyên môn sâu, tay nghề cao bù đắp lượng thiếu hụt do nghỉ việc trong nửa đầu năm.
Song song đó, Vietnam Airlines cũng sẽ áp dụng các giải pháp tăng thu giảm chi để có lợi nhuận. Một trong các giải pháp tăng thu là tìm kiếm các nguồn thu khác như bán quảng cáo bằng việc tìm kiếm đối tác mới hoặc hình thức quảng cáo mới. Một trong các biện pháp giảm chi là giảm chi phí thuê người lái ngước ngoài theo hướng chỉ thuê thêm lái chính, không thuê thêm lái phụ và chỉ thuê tiếp viên thời vụ trong thời điểm cần thiết (việc giảm chi phí này dự kiến giảm khoảng 161 tỷ đồng cho Vietnam Airlines).
...ĐẾN XIN THÊM CƠ CHẾ
Đáng chú ý, trong báo cáo gửi tới Bộ Giao Thông vận tải, Vietnam Airlines còn đưa ra một loạt các kiến nghị để hỗ trợ Tổng công ty qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Thứ nhất là giảm 25% giá các dịch vụ hàng không áp dụng cho Vietnam Airlines trong năm 2014, bao gồm các dịch vụ hạ cất cánh, soi chiếu an ninh hàng hóa/hành lý, điều hành đi, đến.
Thứ hai là, xin giảm mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu áp dụng cho Vietnam Airlines trong năm 2014 xuống 3%, từ mức thuế 7% hiện nay vì chi phí nhiên liệu bay hiện chiếm tới 38% tổng chi phí của hãng.
Thứ ba là, xin Bộ chỉ đạo Cục hàng không ủng hộ Vietnam Airlines trong việc tái cơ cấu nguồn lực máy bay, cân đối chung giữa Vietnam Airlines, Jestar và K6.
Thứ tư là, làm việc với các nhà chức trách liên quan tại Lào và Campuchia để giúp Tổng công ty điều chỉnh đường bay nhằm giảm giờ bay, tiết kiệm chi phí.
Thứ năm là kiến nghị với Chính phủ nới lỏng chính sách visa nhập cảnh với một số thị trường quan trọng của Vietnam Airlines là Anh, Pháp, Đức, Úc và Ấn Độ.
Thứ sáu là xin thêm các chính sách hỗ trợ hãng hàng không K6 cũng với hình thức giảm giá phí đối với k6 như các hãng hàng không nội địa (bao gồm giá điều hành bay, phí bay qua, phí hạ cất cánh…). Hiện Vietnam Airlines đang nắm 49% vốn của K6.
Thứ bảy là xin thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần bảo hiểm hàng không VNI. Được biết tại VNI, Vietnam Airlines hiện đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, nắm 50% vốn của đơn vị này.
Và thứ tám là phê duyệt chủ trương để Vietnam Airlines được chuyển nhượng vốn tại Công ty cổ phần Nhựa cao cấp hàng không Aplaco cho SCIC. Đây là 1 trong 10 đơn vị Vietnam Airlines phải thoái vốn theo yêu cầu tại Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt.
Trước đó, trong phương án cổ phần hóa gửi lên Bộ Giao Thông vận tải hồi cuối tháng 6, Vietnam Airlines cũng đã xin hàng loạt các cơ chế, đáng chú ý như xin giữ lại thặng dư vốn cổ phần (khoản chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu thực tế với mệnh giá, ước khoảng 3.129 tỷ đồng trong trường hợp bán thành công 25% cổ phần giá 22.300 đồng/cp) và tiếp tục được Nhà nước bảo lãnh miễn phí 100% vốn khi mua máy bay và cho phép miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp khi vay tín dụng xuất khẩu và vay vốn hỗn hợp có bảo lãnh để tiếp tục mua máy bay như đã từng được Chính phủ cho phép trong thời điểm 2011-2015.
Các cơ chế mà Tổng công ty xin như trên khiến nhiều chuyên gia bức xúc cho rằng, nếu được chấp thuận thì Vietnam Airlines đã làm sai bản chất của cổ phần hóa. Bởi lẽ bản chất của cổ phần hóa hiện nay là giảm dần vai trò của Nhà nước trong các doanh nghiệp đó, tiến dần đến thoái vốn nhà nước hoàn toàn khỏi các doanh nghiệp mà Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ, việc Vietnam Airlines xin ưu đãi sau cổ phần hóa là không công bằng với các doanh nghiệp khác, làm méo mó thị trường cạnh tranh.
Theo Tùng Lâm