MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Na Uy: Giàu quá cũng... khổ!

10-09-2013 - 14:28 PM |

Khi hầu hết các quốc gia đang đau đầu với áp lực tiết kiệm thì Na Uy lại vật lộn với đống tiền “thừa” thuộc diện khủng.

Nội dung nổi bật:

Na Uy trở nên quá giàu có nhờ tài nguyên dầu mỏ nhưng lại sử dụng tài sản chưa phù hợp. Quốc gia này lập quỹ chi cho phúc lợi xã hội về lâu dài, nhưng lại chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu bất động sản và gửi tại nước ngoài. 

Sự bùng nổ của khu vực kinh tế dầu mỏ đã đẩy mức lương lên quá cao. Lương cao, cộng với khoản phúc lợi xã hội hào phóng của chính phủ đã khiến người lao động... lười đi. “Số giờ làm việc toàn thời gian tại Na Uy đã giảm 270 giờ/năm kể từ năm 1974."



Tranh cãi gay gắt về việc tiêu tiền

Na Uy đang tỏ ra bối rối với sự giàu có của chính mình khi phải loay hoay tìm giải pháp tiêu đống tiền khổng lồ sao cho không làm tổn hại đến nền kinh tế trong dài hạn.

Ông Oeystein Doerum, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng lớn nhất Na uy DNB, cho rằng thử thách lớn nhất của quần đảo này là nguồn tài sản quá lớn từ dầu mỏ. Na Uy đang đứng trước nguy cơ lãng phí tiền vào những dự án không phù hợp để có thể mang lại nguồn lợi xứng đáng.

Từ cuối thập niên 1990, quốc gia Bắc Âu này liên tục tích nguồn tiền từ dầu mỏ vào một khoản ngân quỹ dùng để hào phóng chi cho phúc lợi xã hội về lâu dài.

Thực tế, quỹ này chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu bất động sản và gửi tại nước ngoài. Kết quả, nó đã trở thành quỹ quốc gia lớn nhất thế giới với giá trị trên 750 tỷ USD. Và để đảm bảo rằng nguồn quỹ này không ngừng phát triển, Chính phủ không được rút quá 4% giá trị ngân sách mỗi năm (đây cũng là khoản lợi nhuận có được từ đầu tư).


Quá mạnh tay chi cho phúc lợi xã hội khiến nhiều lĩnh vực bị Chính phủ bỏ quên. Trước cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào ngày 9/9/2013, lãnh đạo các đảng phái tranh luận khá gay gắt về giải pháp chi tiêu Chính phủ.

Vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán không phải là đề xuất nâng mức chi tiêu lên hơn 4% ngân sách mỗi năm mà là việc chi vào đâu và chi như thế nào. Giải pháp được đảng đối lập mạnh mẽ đưa ra là chính sách kinh tế có trách nhiệm, chi nhiều hơn cho lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và cơ sở hạ tầng, đặt nền tảng cho phát triển tương lai và mang lại nguồn lại cho đất nước về trung hạn thay vì vung tiền phúc lợi.

Dân trở nên lười biếng

Mặc dù tăng trưởng kinh tế Na uy đang dịu dần nhưng thực tế núi tiền công chồng chất hiện nay lại gây ra tình trạng bất ổn.

Sự bùng nổ của khu vực kinh tế dầu mỏ đã đẩy mức lương lên quá cao. Thậm chí, điều này cũng đang diễn ra tại các ngành công nghiệp khác. Thực tế, hiện lương tại Na uy cao hơn các quốc gia châu Âu khác 70%. Và điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của các nhà xuất khẩu trong nước. Họ phải tìm các giải pháp thay thế như thuê lao động nước ngoài, hoặc chuyển địa điểm kinh doanh để giảm thiểu chi phí.

Lương cao, cộng với khoản phúc lợi xã hội hào phóng của chính phủ đã khiến người lao động... lười đi trông thấy. Rất nhiều người xin giảm giờ làm bởi với mức lương và trợ cấp không hề nhỏ, họ không cần phải “cày cuốc” quá nhiều mà dành thời gian cho gia đình và bản thân.

Chính phủ mới đây cảnh báo, nếu số giờ lao động không tăng 10%, họ sẽ phải dùng đến tiền tiết kiệm. Ngân hàng Trung ương nước này chỉ trích, rốt cục mô hình phúc lợi xã hội của Na uy chỉ khuyến khích người dân rời bỏ thị trường lao động.

“Số giờ làm việc toàn thời gian tại Na uy đã giảm 270 giờ/năm kể từ năm 1974. Người dân nên làm theo Iceland và làm việc thêm 100 giờ mỗi năm”, Jostein Hansen, giám đốc bộ phận chính sách việc làm tại Hospitality Association nước này, cho biết.

Sở hữu quá nhiều tiền đang khiến Na uy chứng kiến những hậu quả không mấy tích cực. Torbjoern Eika, người đứng đầu nghiên cứu Statistics Norway khẳng định: “Mọi diễn biến có tốt đẹp hay không phụ thuộc hoàn toàn vào cách tiêu tiền của Chính phủ”.

Theo HungNinh

thuyntt

Vietnamnet

Trở lên trên