MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người đàn bà 'quyền lực' nhất Nghệ An

19-09-2013 - 19:00 PM |

Nội dung nổi bật:

-  Khoe khoang quan hệ rộng, bà T.T.P (Tân Tiến, Hưng Bình, Tp.Vinh, Nghệ An) nhận “chạy” biên chế vào các bộ, sở, ngành với giá từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/người.


- Sau khi được nhận, những người "chạy việc" phải đưa thêm cho bà P mỗi suất 10 triệu đồng tiền công riêng.

-  Chị L.T.S (trú TP.Vinh, Nghệ An) tìm đến bà P. nhờ “chạy việc” cho con gái là N.T.N với giá 160 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi đóng tiền xong đến nay N. vẫn đang thất nghiệp, ngồi chờ tin từ bà P.


“CHẠY” VÀO SỞ, XIN CHO RA BỘ

Nghe mọi người mách bảo, bà T.T.P (ở khối Tân Tiến, phường Hưng Bình, TP.Vinh, Nghệ An) là một người có quan hệ rộng nên rất nhiều người tìm đến “chạy việc”. Để xác thực thông tin, chúng tôi chuẩn bị sẵn hai bộ hồ sơ (gồm Trung cấp điều dưỡng ngành y, Thạc sĩ Xây dựng kỹ thuật hạ tầng đô thị) đến gặp bà ta để “nhờ cậy”.

Thấy chúng tôi đến, người phụ nữ trạc 50 tuổi ra mở cổng rồi dẫn vào nhà ngồi nói chuyện. Qua vài câu xã giao ban đầu, người phụ nữ này giới thiệu tên P. Sau đó, bà ta nhìn về phía chúng tôi dò xét: “Ai đây nhỉ?”. Chúng tôi trình bày, được một người quen ở Bệnh viện 4 giới thiệu sang nhờ xin việc và nêu một số trường hợp đã từng đến đây “chạy việc” nên bà P. cười cười có vẻ yên tâm. Tuy nhiên, bà ta vẫn giữ kẽ: “Từ từ rồi giúp, cháu nhà tôi đang còn nhiều lắm. Chạy đi chạy lại lo việc cho chúng đã hết hơi rồi”.

Nghe vậy, chúng tôi bắt đầu năn nỉ rồi đặt vấn đề: “Bọn em có một thằng cháu, nó học thạc sĩ ở nước ngoài về. Cũng nghe nói ở ta có chính sách thu hút nhân tài gì đó, nhưng xin về làm thì không xin được. Cho nên bữa nay lại “nhờ cậy” chị, chứ bọn trẻ giờ nếu về nhà mà không xin được việc thì chúng lại tiếp tục đòi ra nước ngoài. Giờ anh chị của bọn em chỉ còn mỗi nó, muốn nó ở nhà lo việc nhà cửa”.

Cầm hồ sơ từ tay chúng tôi, bà P. mở ra lật xem từng tờ rồi dò hỏi: “Giờ muốn xin vào chỗ nào?”. Chúng tôi bảo: “Bọn em muốn xin cho cháu nó vào Sở Xây dựng làm việc”. Bà P. lưỡng lự tỏ vẻ khó khăn nhưng khi xem đến bằng Thạc sĩ Xây dựng, bà ta thốt lên: “Trời ơi! Ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị, cái bằng ni thì hơi bị ngon đó. Cái ni không phải xây dựng, mà phải vào môi trường đô thị”.

Sau khi ngồi phân tích “giá trị” của tấm bằng thạc sĩ ngành hạ tầng đô thị, bà P. lấy điện thoại ra bấm số rồi bảo để gọi cho “chị kết nghĩa”. Theo như lời bà P., người “chị kết nghĩa” là vợ một quan to ở ngoài Hà Nội, ngoài ra bà ta còn có con rể đang lái máy bay riêng cho một vị lãnh đạo cấp cao. 

“Nhờ bà ấy thì đừng nói là con cháu nhà chị, mà hãy nói là người quen, chứ con, cháu, anh em bên nhà chị thì đã nhờ hết rồi nên bà ấy biết”. Chúng tôi tỏ vẻ lo lắng: “Nhưng bọn em chỉ muốn xin cho cháu nó làm ở Vinh, không muốn nó ra Hà Nội đâu”. Đưa tay gỡ chiếc kính đặt xuống bàn, bà P. trấn an chắc nịch: “Yên tâm. Xin được trên toàn quốc, thích ở mô cũng được”.

Trong lúc gọi điện thoại cho người “chị kết nghĩa” ở Hà Nội, bà P. bật loa ngoài cố tình để chúng tôi nghe cuộc nói chuyện. Sau câu chuyện xã giao, bà P. đặt vấn đề “nhờ cậy” người phụ nữ này rằng có đứa con của người bạn gái ở gần nhà học Cao học Xây dựng ở nước ngoài về, nhưng xin việc khắp nơi không được. 

Sau đó, bà P. đưa điện thoại cho chúng tôi trực tiếp nói chuyện với “chị kết nghĩa”. Qua điện thoại, chúng tôi trình bày: “Bọn em có đứa cháu sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc thì sang nước ngoài học thêm Cao học Xây dựng. Bây giờ gia đình còn mỗi mình nó là con trai nên muốn nhờ chị giúp cho cháu vào Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An”.

Nghe vậy, “chị kết nghĩa” của bà P. trả lời việc đó sẽ hỏi lại những người bạn làm ở Bộ Xây dựng. Bà ta lại nhắn thêm: “Chắc cũng có thể được đấy em à. Nếu nó có bằng cấp rồi thì lương bậc của nó sẽ tốt đấy. Nếu không chị có mấy người bạn bên chỗ Bộ Giao thông vận tải họ sẽ giúp cho”. Sau đó, người phụ nữ này nhấn nhá thêm câu “có bằng cấp rồi thì yên tâm đi”. Trao đổi qua điện thoại xong, bà P. tiếp tục ngồi huyên thuyên về “chị kết nghĩa” của mình có mối quan hệ với các bộ, ngành rất thân tình.

Chúng tôi đặt vấn đề: “Bây giờ vào việc luôn”. Bà P. cắt ngang: “Không được. Làm sao mà chị định giá được (định giá số tiền “chạy việc” - P.V). Cứ để hồ sơ đây, rồi chị sẽ nhắn tin cho bà ấy. Còn các em cứ về hỏi xem cháu nó có thích làm ở Bộ Giao thông hay không đã. Chứ giờ mà về Sở Xây dựng thì ăn rồi chỉ ngồi làm ba việc vớ vẩn thôi”.

MỖI NƠI MỖI GIÁ

Riêng bộ hồ sơ xin vào y tế, bà P. bảo không cần phải nhờ “chị kết nghĩa” mà tự mình giải quyết được. Khi nghe chúng tôi nói xin vào ngành y là một đứa cháu gái người ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), bà P. lưỡng lự hỏi: “Nó có thích về Bệnh viện Hà Tĩnh hoặc Bệnh viện Đức Thọ (Hà Tĩnh) không?”. “Nó chỉ muốn làm ở một bệnh viện nào đó tại Vinh thôi. Có gì nhờ chị giúp đỡ dùm” - chúng tôi thuyết phục.

Sau khi ngồi thống kê một loạt bệnh viện trên địa bàn TP.Vinh, bà P. lắc đầu bảo tất cả đều đã đủ người. Nghĩ ngợi một lúc, người phụ nữ này quay về phía chúng tôi khuyên: “Trước mắt nó phải đi học rồi vào thử việc ba tháng và nộp tiền học là 1,5 triệu đồng. Số tiền này nó phải đi nộp, chứ chị không nộp đâu nha”. 

Cầm bộ hồ sơ mở ra soi xét hồi lâu, bà P. yêu cầu bổ sung thêm chứng chỉ tin học và chứng chỉ tiếng Anh và ra giá: “Nếu đồng ý thì hồ sơ xin vào biên chế ở Bộ Giao thông 300 triệu đồng, hồ sơ xin vào biên chế ở bệnh viện giá 200 triệu đồng. Tất cả đều phải đưa đủ tiền trước. Sau khi nhận quyết định, các em phải đưa thêm cho chị mỗi suất 10 triệu đồng. Đó là tiền công của chị”.


Để chứng minh “uy tín” của mình, bà P. móc từ trong túi xách ra hai gói giấy trắng, mỗi gói mở ra có 10 triệu đồng kẹp theo bên ngoài tấm ảnh 4x6cm. Theo bà P., hai gói tiền này của hai người được bà xin vào biên chế ở Bệnh viện Ba Lan thành công nên đến đưa 10 triệu đồng còn lại. 

Cho chúng tôi xem một cọc tiền, bà P. chỉ vào tấm ảnh cô gái nói: “Con bé này sinh năm 1985, người ở huyện Tân Kỳ. Nó học sư phạm ra mà chạy khắp nơi không xin được việc. Vừa rồi may mắn về gặp chị, chị giới thiệu đi học y một thời gian rồi xin cho vào biên chế ở Sở Y tế tỉnh”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có rất nhiều người mang hồ sơ, tiền bạc đến tìm bà P. để “chạy việc”. Trong đó có những người phải chờ đợi hàng năm trời nhưng đến nay vẫn thất nghiệp.

Được bạn bè giới thiệu, cách đây hơn một năm, chị L.T.S (trú TP.Vinh, Nghệ An) tìm đến bà P. nhờ “chạy việc” cho con gái là N.T.N. Sau khi thương lượng, bà P. hứa sẽ lo cho cháu N. từ đi học việc, xét tuyển, đến hợp đồng rồi vào biên chế ở bệnh viện (Trung tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em - tỉnh Nghệ An)... với giá 160 triệu đồng. Cũng với điều kiện, sau khi được vào biên chế phải đưa thêm 10 triệu đồng “tiền cò”. Tuy nhiên, từ khi đóng tiền xong đến nay N. vẫn đang thất nghiệp, ngồi chờ tin từ bà P.
     
      Theo VĂN TÌNH - THẾ SƠN

dungtq

Công an Tp.HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên