Người Mỹ ngại ra đường, gian hàng trực tuyến át vía cửa hàng bán lẻ
Ngành bán lẻ Mỹ đang chuẩn bị sẵn sàng cho kỷ nguyên tiếp theo, hứa hẹn sẽ vắng bóng các cửa hàng bán lẻ truyền thống và thay vào đó là sự lấn át của các gian hàng trực tuyến.
- 22-01-2014Nhà phân phối xả hàng, bia bán lẻ vẫn nhảy giá
- 19-01-2014Ngành bán lẻ Mỹ đau đầu với các đợt tấn công mới từ tin tặc
- 17-01-2014Hơn 500 công ty toàn cầu dự Hội chợ ngành bán lẻ lớn nhất thế giới
- 16-01-2014Nhà bán lẻ hàng đầu Mỹ Walmart tăng mua hàng Việt
Nội dung nổi bật:
Một số các hãng bán lẻ đã phải thu hẹp quy mô kinh doanh, cắt giảm nhân sự như Sears, chuỗi cửa hàng J.C Penny. Marcy, Target cũng đóng cửa nhiều cửa hàng, và tập trung chiến lược sang hình thức kinh doanh trực tuyến.
Dự tính trong khoảng 5 - 10 năm tới, 1/3 đến 1/2 số cửa hàng bị cắt giảm nhường chỗ cho hình thức kinh doanh trực tuyến.
Xu hướng này diễn ra là do người dân Mỹ ngày càng ngại tới cửa hàng bán lẻ để mua sắm, thay vào đó lựa chọn hình thức mua bán trực tuyến thông qua các thiết bị di động cá nhân hoặc máy tính. Chẳng sớm thì muộn xu hướng này sẽ từ Mỹ lan ra toàn cầu.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Ba (21/1), “đại gia” bán lẻ Sears cho biết sẽ tiếp tục thu hẹp quy mô kinh doanh trong năm 2014 này bằng việc đóng cửa những cửa hàng hàng đầu của hãng tại trung tâm thành phố Chicago vào tháng 4 tới.
Trước đó, hôm 15/1, tập đoàn này vừa thông báo về việc cắt giảm 1.600 nhân sự tương đương với hơn 7% tổng số việc làm trong năm nay do quá trình cơ cấu lại bộ máy và thuê ngoài một số đơn vị kinh doanh khác. Theo CNBC, tính từ năm 2010 đến nay, Sears đã đóng cửa hơn 300 cửa hàng bán lẻ.
Tuy nhiên, Sear không phải là hãng bán lẻ duy nhất buộc phải đóng cửa bớt những gian hàng truyền thống do vắng khách mà J.C. Penny- chuỗi cửa hàng hạng trung ở Mỹ- hồi trung tuần tháng 1/2014 cũng phải thông báo kế hoạch đóng cửa 33 gian hàng và cắt giảm 2.000 việc làm nhằm “cải thiện lợi nhuận cho các cửa hàng”.
Thông báo này được đưa ra không lâu sau khi tập đoàn bán lẻ Marcy tuyên bố sẽ cắt giảm 2.500 việc làm và việc cắt giảm sẽ diễn ra từ từ do Macy muốn đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Theo kế hoạch, đại gia bán lẻ này sẽ chỉ duy trì số lượng nhân viên tổng cộng là 175.000 người.
Tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Mỹ Target cũng không nằm ngoài vùng phủ sóng: đóng cửa các gian hàng bán lẻ vì ế khách
Làn sóng đóng cửa các gian hàng bán lẻ ở Mỹ dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi hôm qua (22/1), tập đoàn bán lẻ khổng lồ Target cũng tuyên bố sẽ cắt giảm khoảng 475 việc làm trên toàn thế giới, trong đó bao gồm cả ở trụ sở Minnesota.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng đây vẫn mới chỉ là một phần nổi của tảng băng trôi. Michael Burden- chuyên gia thương mại điện tử của Excess Space Retail Services- ước tính trong vòng 5 đến 10 năm tới, các cửa hàng bán lẻ tại Mỹ sẽ giảm từ 1/3 đến một nửa để nhường chỗ cho sự mở rộng của các gian hàng mua sắm trực tuyến.
“Tôi tin rằng trong những tháng tới sẽ còn nhiều hãng bán lẻ tiếp tục thông báo đóng cửa các gian hàng. Đây chính là một dấu hiệu cho thấy ngành bán lẻ đang chuẩn bị bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của công nghệ cao”, Michael Burden nhận định.
Thông thường tháng Giêng thường là tháng “bận rộn” cho các hãng bán lẻ ra thông báo đóng bớt các cửa hàng ế khách. Theo Hiệp hội Mua sắm Quốc tế, 44% các thông báo đóng cửa gian hàng hàng năm kể từ năm 2010 được đưa ra vào quý I.
Tuy nhiên, dự kiến trong năm nay, làn sóng đóng cửa trong ngành bán lẻ có thể trở thành một “ cơn sóng thần” khi người tiêu dùng ngày càng ngại đến các cửa hàng để chọn đồ và chuyển sang mua sắm trên các trang web trực tuyến.
Số liệu thống kê của hãng nghiên cứu comScore, mua sắm trực tuyến thông qua máy tính bàn trong dịp lễ Giáng sinh vừa qua tăng 10%, trong khi con số này thông qua các thiết bị di động tăng lên 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, theo ShopperTrak, mua sắm trực tuyến đã góp phần làm giảm 15% lượng người tiêu dùng đến thăm quan và mua đồ tại các cửa hàng.
“Các hãng bán lẻ đang phải đứng trước một cuộc đặt cược dài hạn về công nghệ nếu không muốn rớt khỏi cuộc đua khi các “thượng đế” ngày càng lười đến các cửa hàng hơn”, Brian Sozzi - chuyên gia phân tích của Belus Capital - nhấn mạnh.
Tính đến 2017, ước tính hơn 60% doanh số bán lẻ trên nước Mỹ thuộc về bán lẻ trực tuyến
Brian Sozzi cho rằng sau đợt lễ Giáng sinh đáng thất vọng với mức doanh thu ảm đạm, ngành công nghiệp bán lẻ có thể phải đối mặt với một làn sóng đóng cửa rầm rộ các gian hàng trên toàn nước Mỹ, chỉ vài năm sau thảm họa phá sản hàng loạt của các hãng bán lẻ diễn ra năm 2008.
Thậm chí, ông Rick Caruso, CEO của Caruso còn cảnh báo các trung tâm thương mại truyền thống sẽ sớm bị “tuyệt chủng” nếu không có sự đột phá nào, đặc biệt là trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của bán lẻ trực tuyến.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Forrester Research, trong vòng 5 năm tới, phần lớn người dùng Mỹ sẽ chuyển từ mua bán truyền thống tại các cửa hàng sang giao dịch thương mại điện tử thông qua các thiết bị di động cá nhân.
Hãng này ước tính đến năm 2017 sẽ có khoảng 60% doanh số bán lẻ trên toàn nước Mỹ có liên quan đến môi trường internet. Trong đó, bao gồm cả giao dịch thương mại điện tử trực tiếp và hoạt động tìm kiếm các địa chỉ mua sắm qua mạng.
Lý giải về nguyên nhân giúp bán lẻ trực tuyến tăng trưởng, Sucharita Mulpuru- chuyên gia phân tích của Forrester- cho hay sự phát triển rộng khắp của điện thoại thông minh và sự đầu tư của các hãng bán lẻ đã góp phần làm bùng nổ xu hướng mua sắm này.
Tính đến cuối 2013, có khoảng 150 triệu người Mỹ (chiếm 47,3% dân số) thường xuyên truy cập vào internet thông qua các thiết bị di động. Và nếu như Mỹ luôn là nơi mở đầu cho những xu hướng mới thì chẳng sớm thì muộn nó cũng sẽ lan ra toàn cầu.
Theo Vân Du