MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ninh Hiệp - bạc tỉ và sự thụt lùi của tri thức

03-04-2013 - 19:52 PM |

Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) bây giờ vẫn là làng thuốc bắc, chợ vải và là chợ đầu mối quần áo lớn nhất-nhì miền Bắc.

Nhưng Ninh Hiệp hôm nay còn mang dáng dấp của một thành phố trong làng với những người thu nhập bạc tỉ; là biệt thự, siêu xe, hàng hiệu khoác trên người những cô cậu tuổi thiếu niên. Và đâu đó là nỗi buồn của sự thụt lùi tri thức…

Kiếm bạc tỉ ở làng

Ngồi trong căn nhà nhỏ cạnh ao Rối, ông Nguyễn Đạo Phúc (70 tuổi) - nguyên là cán bộ UBND xã Ninh Hiệp - bồi hồi kể: “Ninh Hiệp vốn là làng nghề truyền thống nổi tiếng của miền Bắc. Xưa, người làng Ninh Hiệp có nghề chính là dệt vải và làm thuốc bắc. Khoảng 5 năm trở lại đây, người dân chủ yếu buôn quần áo từ Trung Quốc về, trở thành chợ đầu mối lớn nhất-nhì miền Bắc”. Và kinh tế ở Ninh Hiệp phát triển đến chóng mặt. Ngay từ đầu làng Ninh Hiệp đã thấy những tòa nhà cao tầng mọc san sát, xe ôtô mới coong đậu đầy đường. Đi sâu vào làng, đâu đâu cũng thấy biệt thự, siêu xe... 

Từ một chợ nông thôn nho nhỏ với những sạp vải cỏn con ở mỗi gian, giờ đây chợ Ninh Hiệp phát triển rộng khắp, trục chính đường làng bỗng chốc trở thành con phố nhộp nhịp buôn bán, quy mô thậm chí còn hơn phố Hàng Ngang, Hàng Đào ở phố cổ Hà Nội!  Với người Ninh Hiệp bây giờ, có một kiốt trong chợ là một niềm ước mơ, thèm muốn, bởi đó là một tài sản lớn, lên đến tiền tỉ. 

Bà Nguyễn Thị Cheo (72 tuổi) - người làng Ninh Hiệp - kể: “Ở làng này không thiếu gì những người bỗng dưng trở thành tỉ phú nhờ kiốt như nhà ông Phó Tấn, ông Dương Minh... Xưa ông Phó Tấn là thợ rèn nghèo nhất làng. Từ khi chợ “phình” rộng, làng là chợ, chợ trong làng thì ông Tấn trở nên giàu sụ. Đất rộng nên ông chia thành gần 20 sạp chợ để bán và cho thuê. Mỗi sạp cho thuê từ 400-500 triệu/năm. Mỗi năm, gia đình ông Phó Tấn thu về cả chục tỉ bạc chứ không ít. Cũng có gia đình mới mấy năm trước còn nhặt nhạnh từng đồng để lo cho con cái. Nhờ có nhà mặt đường nên bớt sân, phá tường chia thành ba, bốn ô để cho thuê. Con gái tôi cho thuê sạp mỗi năm cũng thu về gần 2 tỉ”.

Chợ Ninh Hiệp đông nghẹt người.

Tiêu tiền như nước

Kiếm tiền dễ như vậy nên bây giờ, từ con hẻm, cái cổng cho đến lối đi vào nhà ở Ninh Hiệp đều trở thành... sạp hàng. Đồ ở Ninh Hiệp rất rẻ, vì người dân qua tận nhà may ở Trung Quốc để nhập về. Áo ấm trên thị trường có giá từ 1 - 2 triệu thì về Ninh Hiệp chỉ mua từ 80.000 - 500.000 đồng. Nhiều người Ninh Hiệp cho biết, mỗi ngày ngồi chợ nếu lãi nhiều cũng được cả chục triệu, ít thì một vài triệu. Họ kiếm tiền dễ, chi tiêu cũng thoáng. Phụ huynh ở Ninh Hiệp không tiếc tiền cho con cái. Chúng tôi gặp ở Ninh Hiệp những cô cậu bé mới học cấp THCS đã được bố mẹ sắm cho điện thoại HTC, iPhone cả chục triệu đồng/chiếc. 

Chị Hoàng Thị Lan (37 tuổi)- người dân Ninh Hiệp - cho biết: “Trẻ con ở đây được bố mẹ cho mỗi lần cả chục triệu để lên Hà Nội sắm đồ hiệu.  Dân buôn bán ngoài chợ thì 99% là dùng iPhone, iPad. Xe ôtô họ sắm toàn Audi, Lexus, Mercedes...”.

Mẹ vắng nhà thường xuyên, trẻ em Ninh Hiệp thường tự học, 
tự chơi. Ảnh An Nhiên

Tại Trường THPT Ninh Hiệp, một bảo vệ nói với chúng tôi: “Học sinh ở trường này làm rơi tờ 5.000 đồng không thèm nhặt đâu nhé, còn tờ 2.000 đồng nhiều lần tôi thấy các em xé như xé giấy vụn’. Và chuyện thật như đùa là mới đây, UBND xã Ninh Hiệp phát động góp tiền cải tạo lại ao Rối của làng, dự trù kinh phí khoảng 1 tỉ. UBND xã vừa phát động hôm trước thì hôm sau có người tự nguyện góp cả tỉ đồng, có người đòi góp 500 triệu, 300 triệu... Nhưng cho đến bây giờ, chưa có ai góp được đồng nào, do dân làng Ninh Hiệp nhất định... không đồng ý cho một người ủng hộ, ai cũng giành nhau đóng góp với hy vọng được hưởng phúc của bề trên (!). 

Không có tiền đi buôn mới… làm công chức

Nếu ở các vùng quê khác, việc con cái đậu đại học, việc một gia đình có con làm công chức, có nghề nghiệp ổn định ở thành phố là niềm tự hào thì ở Ninh Hiệp hoàn toàn ngược lại. Công chức ở Ninh Hiệp thường không được coi trọng, vì họ... làm ra ít tiền. Chị N.T.T - giáo viên Trường Tiểu học Ninh Hiệp - thở dài: “Mỗi năm tôi thấy học sinh ở đây học kém đi một chút. 
Bố mẹ kiếm tiền quá dễ khiến các em không mặn mà gì việc học. Mà không chỉ có học sinh lười học, đồng nghiệp của tôi nhiều người bỏ dạy đi buôn. Hai vợ chồng tôi làm công chức, thu nhập cả tháng chưa tới 10 triệu đồng, không bằng dân Ninh Hiệp đi buôn một ngày. Dù mình rất yêu nghề, nhưng kinh tế gia đình không bằng ai, phận công chức hết tháng hết tiền, nghĩ cũng thấy chạnh lòng!”.

Theo ông Nguyễn Đạo Phúc, có một thời gian các trường học cũng thiếu giáo viên vì mọi người rủ nhau ra chợ buôn bán cả. Gặp vài người ngoài chợ, nhìn họ nhanh nhảu, chao chát bán hàng, không mấy ai nghĩ họ là cán bộ xã hay là giáo viên. Bạn bè đồng lứa với cô T thường lắc đầu kể lại chuyện một người bạn của họ sau khi tốt nghiệp lớp 12, thi 3 năm mới đỗ đại học. 
Rồi mài quần 4 năm trên giảng đường, ra trường về dạy ở Ninh Hiệp, phấn đấu mãi mới được vào biên chế. Nhưng vào biên chế rồi thì thời gian ở chợ nhiều hơn thời gian đứng lớp, vì cô nhờ và thuê người dạy hộ để ra chợ buôn bán! Đặc biệt, nhiều người Ninh Hiệp là bác sĩ, làm công chức ở Hà Nội cũng bỏ việc về nhà đi buôn. Không ít người ngồi chợ sở hữu đến... hai tấm bằng đại học. Sinh viên đại học học xong cũng về quê buôn bán... 

Ông Nguyễn Hữu Trí - Hội trưởng Hội Phụ huynh Trường THPT Ninh Hiệp - ngậm ngùi: “Chúng tôi cũng đau đầu lắm. Kinh tế phát triển bao nhiêu thì nền giáo dục, tri thức lại đi xuống bấy nhiêu. Trẻ con Ninh Hiệp được tiếp xúc với đồng tiền quá sớm, bố mẹ kiếm tiền dễ nên con không biết quý trọng đồng tiền. Mỗi lần họp phụ huynh, tôi đều nhắc nhở mọi người nên quan tâm chuyện học hành của con em. Nhưng rồi họ bận rộn ngoài chợ suốt ngày nên con học được tới đâu thì học. Ở Ninh Hiệp giờ ngồi ở đâu cũng nghe chuyện kiếm tiền...”. 

Ông Trí làm hội trưởng hội phụ huynh - công việc mà ở Ninh Hiệp chẳng ai chịu làm - đã gần 7 năm nay. Ông bảo nhận làm việc này vì nó giúp ông theo dõi được việc học của hai đứa con. Con trai ông Trí năm nay học lớp 12, ông đã hướng con học khối B để thi Đại học Y Hà Nội. 

Tiền nhiều, người Ninh Hiệp đầu tư vào xe pháo, vào đồ hiệu, vào những chuyến du lịch trong và ngoài nước. Thế nhưng cho dù đi đâu, xài đồ sang trọng thế nào, nhưng đâu đó quanh họ vẫn là... văn hóa chợ. Chị Nguyễn Thu Hương - một người Ninh Hiệp, làm công chức ở Hà Nội - than thở: “Nhiều khi về quê thấy... lệch với bạn bè và đôi khi với chính cả anh em họ hàng. 
Có những lễ nghĩa mình coi là cần thiết, thì họ không để ý, việc đơn giản nhất là kính trên, nhường dưới đôi khi bị xóa nhòa. Nhiều lúc cũng muốn góp ý, cũng muốn hậm hực, nhưng rồi nghĩ mãi lại thôi. Bạn bè mình nhiều người cất bằng cử nhân ra ngồi chợ, sau 1-2 năm thì UNESCO là tổ chức gì họ cũng không biết. Mối quan tâm của họ, đó là hôm nay có bán được nhiều hàng không, là trời nắng hay mưa, là tỉ giá nhân dân tệ... mà thôi. Buồn lắm, nhưng biết làm sao...”.
Thảnh thơi như làm chồng con gái Ninh Hiệp. Người Ninh Hiệp có phong tục chỉ lấy chồng, lấy vợ trong làng. Họ quan niệm lấy vợ làng khác về không biết buôn bán. Phụ nữ Ninh Hiệp suốt ngày ở ngoài chợ buôn bán, còn chồng ở nhà cơm nước và đón con cái. Mỗi sáng, đàn ông ở Ninh Hiệp kéo nhau đi tập thể dục, rủ nhau đi chợ mua thức ăn. Buổi chiều trong lúc đợi đón con, họ tập trung ở các quán nước ven làng đánh cờ, ngồi tán gẫu. Chưa thấy cuộc sống ở làng quê nào mà đàn ông thảnh thơi như ở Ninh Hiệp!
Theo An Nhiên - Nguyên Trang

tanhoa

Báo Lao động

Trở lên trên