MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu vẫn là 'ung nhọt' của các ngân hàng thương mại

21-08-2014 - 12:01 PM |

Trong tuần qua, đa số các ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm. Nhìn chung, nợ xấu đồng loạt tăng, cùng với chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn.

Nợ xấu vẫn là “ung nhọt”

Nhìn về tổng thể báo cáo tài chính của các ngân hàng, nợ xấu của hầu hết các nhà băng đều tăng trong 6 tháng đầu năm, nhiều trường hợp tăng rất cao lên tới 7-8%.

Ngay cả những thành viên có tỷ lệ nợ xấu rất thấp những năm gần đây như Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng không tránh khỏi xu hướng chung, tuy nhiên vẫn nằm dưới ngưỡng cho phép.

Song, nếu xét về tỷ lệ nợ xấu, thì đáng nói nhất nằm ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khi đa số các tổ chức có tỷ lệ vượt 3% - ngưỡng an toàn do Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức quốc tế đặt ra. 

Chẳng hạn, tại PVcombank, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 5,2%, hay OceanBank là 4,84%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 2,3% và đầu năm là 3,5%.

Báo cáo tài chính của Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) không nêu chi tiết các nhóm nợ, mà chỉ ghi chung chung là nợ quá hạn. Theo đó, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng này tại thời điểm cuối tháng 6/2014 là 8,17%. Con số này tăng 72,4% trong vòng 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê khẳng định, tỷ lệ nợ xấu cụ thể vẫn ở mức 4%. Theo lý giải của ông Lê, đây chỉ là hiểu nhầm về khái niệm nợ quá hạn và nợ xấu.

Tính đến 30/6, theo báo cáo tài chính riêng lẻ và báo cáo tài chính hợp nhất của SHB, dư nợ cho vay lần lượt là 91.537,1 tỷ đồng và 91.479,5 tỷ đồng. Trong đó tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ.

“Hiện SHB đang tích cực tập trung các giải pháp đồng bộ để thu hồi và xử lý nợ xấu nhằm thực hiện mục tiêu kế hoạch đến cuối năm 2014 nợ xấu SHB chỉ chiếm dưới 3%/tổng dư nợ,” ông Lê cho biết thêm.

Có một điểm khác biệt trong báo cáo tài chính của một số ngân hàng vừa công bố, so với các kỳ trước. Lần đầu tiên họ phải ghi nhận cụ thể các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các khoản tiền gửi trên liên ngân hàng vào nợ xấu.

Do kẹt đầu ra nên nhiều ngân hàng phải mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Kho bạc Nhà nước, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và một số loại chứng khoán nợ khác đang niêm yết.

Lý giải vì sao nợ xấu trong 6 tháng đầu năm lại có mức tăng khác biệt như vậy, tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết đây là tác động của cơ chế phân loại và trích lập dự phòng theo Thông tư 09-2014/TT-NHNN (thông tư bổ sung một số điều của thông tư 02-2013/TT-NHNN), chặt chẽ và có những tiêu chuẩn cao hơn.

Cụ thể, theo ông Kiêm, trong kỳ báo cáo có tháng 6/2014 rơi vào thời điểm Thông tư 09 có hiệu lực. Những yêu cầu khắt khe hơn trong việc xác định nợ xấu giữa định tính và định lượng, việc bắt buộc phải ghi nhận nợ xấu ở các hạng mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, gửi tiền-cho vay trên liên ngân hàng buộc các ngân hàng phải thừa nhận những "đứa con" từng không có tên trong bệnh án trước đây...

Quyết định 780 đã hết hiệu lực từ 1/6/2014, nhưng được tiếp tục bởi Thông tư 09. Tuy nhiên, cơ chế của Thông tư 09 là các điều kiện chặt chẽ hơn để được cơ cấu lại nợ; các nhà băng cũng không thể lạm dụng cơ chế này để che giấu nợ xấu bằng cách tạo nhiều vòng đời của nợ qua cơ cấu lại mà không chịu chuyển nhóm, vì cơ chế chỉ cho phép cơ cấu 1 lần mà thôi.

Phải trích lập dự phòng rủi ro cao

Điểm đặc biệt ở các báo cáo lần này của các ngân hàng thương mại nổi lên nữa là đã có hàng nghìn tỷ đồng đã được trích ra từ lợi nhuận quý II để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng đột biến so với quý I và cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy đã khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm mạnh.

Khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đang có mức trích dự phòng rủi ro lớn nhất. Riêng số trích lập của BIDV, Vietcombank, VietinBank trong quý II/2014 lên tới trên 4.085 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng không thua kém về tốc độ như Eximbank với mức trích lập trong kỳ lại tăng tới 87,8% lên 195,75 tỷ đồng.... Trong khi đó, tại OceanBank chi phí dự phòng tăng lên 165 tỷ đồng, trong khi năm trước được hoàn nhập 12,6 tỷ đồng.

Một cuộc khảo sát mới đây của công ty chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế, giao dịch tài chính và tư vấn (Ernst & Young) cũng cho thấy, hầu hết các ngân hàng Việt Nam thừa nhận trích lập dự phòng rủi ro đang là hạng mục tiêu tốn chi phí lớn, trong bối cảnh nợ xấu tăng khi các nhà băng phải thực hiện phân loại nợ sát hơn nhằm thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia lĩnh vực ngân hàng cho rằng, việc gia tăng trích lập dự phòng, báo cáo nợ xấu theo quy định mới đã làm cho các ngân hàng bị giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết ở thời điểm này.

Cũng theo các chuyên gia, các nhà băng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro được lý giải là do hầu hết các ngân hàng thay đổi quy định phân loại nợ từ 1/6/2014 theo tinh thần Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

Và dù phải tới 1/1/2015, các ngân hàng mới phải thực hiện phân loại nợ theo cơ chế chặt chẽ hơn nhưng hầu hết các đơn vị đều trích lập sớm để tránh dồn cục khi tới thời điểm quy định bắt buộc.

Chính vì vậy, theo ông Kiêm, với tinh thần này thì nợ xấu từ nay đến cuối năm được dự báo là không giảm mà khả năng sẽ tăng lên.

Còn ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank cho rằng, hướng xử lý nợ xấu mà Vietinbank đưa ra là tăng cường hỗ trợ, hợp tác tư vấn với doanh nghiệp để cùng thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền trả nợ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng này sẽ đẩy mạnh xử lý, bán lại các tài sản đảm bảo để thu hồi vốn; thực hiện cơ cấu lại nợ cho những doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời nhưng vẫn có phương án kinh doanh tốt; tiếp tục bán lại nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), dù VietinBank không nằm trong diện bắt buộc phải bán lại (nợ xấu dưới 3%).

>> 76% ngân hàng ở Việt Nam lo ngại về nợ xấu

Theo Thuý Hà

vandoan

Vietnamplus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên