MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nút thắt" của kinh doanh bán lẻ hiện đại

13-09-2014 - 08:42 AM |

Thực tế này cho thấy, kênh bán lẻ hiện đại dù mới chỉ chiếm khoảng 20% thị phần trên thị trường bán lẻ, song các DN vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng.

Xu hướng chuyển sang mua sắm tại kênh bán lẻ hiện đại đang tạo nên nhiều ưu thế cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh siêu thị. Sự thuận tiện và việc đảm bảo hàng thật chính là nguyên nhân khiến cho người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn kênh mua sắm này.

Tuy nhiên, những hạn chế về chất lượng dịch vụ, hạ tầng thương mại và cơ cấu, giá cả hàng hóa đang khiến cho bán lẻ hiện đại vẫn chưa thực sự tạo được sự bứt phá so với kênh truyền thống.

Nhiều các mặt hàng trong kênh bán lẻ hiện đại có giá quá cao với phần đông người tiêu dùng

Cạnh tranh 

Theo một nghiên cứu mới đây của ĐH Kinh tế Quốc dân, trên 70% người được khảo sát cho biết họ quan tâm trước hết đến chất lượng sản phẩm, sau đó đến phong cách phục vụ và dịch vụ bán hàng khi mua sắm ở siêu thị.

Với tâm lý ưu tiên chất lượng và sự hiện đại, người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận trả giá cao để có được sản phẩm chất lượng tốt hơn, được mua hàng ở nơi sạch sẽ, khang trang và thoáng mát.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra phần lớn các khách hàng đến siêu thị, kênh bán lẻ hiện đại đều là những người có thu nhập khá. Theo đó, có tới 50% tổng số khách hàng là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, công ty đến các siêu thị lớn để mua hàng; gần 40% là những người nội trợ và khoảng 10% là những người chỉ vào chơi, xem cho vui hoặc nghỉ mát.

Thực tế này cho thấy, kênh bán lẻ hiện đại dù mới chỉ chiếm khoảng 20% thị phần trên thị trường bán lẻ, song các DN vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng của thị trường bán lẻ, khi chưa thu hút được nhiều đối tượng, tầng lớp tiêu dùng khác nhau.

Điều tra về thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng thương mại thành phố Hà Nội do Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội đã chỉ ra rằng, mặc dù bán lẻ hiện đại đang lên ngôi, song vẫn không thể "giành" được thị phần với chợ truyền thống.

Theo đó, có tới 87,1% người được khảo sát cho biết vẫn thường xuyên mua sắm hàng hóa tại chợ truyền thống và cho rằng nên tiếp tục duy trì các chợ này; 76,8% cho rằng số lượng chợ hiện tại là phù hợp. Đặc biệt, có đến 65,9% người được hỏi hài lòng về sự có mặt và chất lượng của các chợ hiện tại, 21,4% cho rằng có thể chấp nhận được và chỉ 12,7% cho rằng là cần thiết nhưng không hài lòng lắm.

Trong khi đó, đối với các siêu thị nhỏ, có 60,7% người tiêu dùng được hỏi hài lòng về sự có mặt và phục vụ của các siêu thị, cửa hàng tiện ích; song cũng có đến 11,9% không hài lòng về chất lượng của hệ thống mua sắm này, chủ yếu do vấn đề giá cả cao hơn sản phẩm cùng loại trong chợ truyền thống, hoặc do số lượng, chủng loại hàng hoá cung cấp ít, không đa dạng.

Đặc biệt, với các siêu thị lớn và trung tâm thương mại, số lượng người được hỏi đi mua sắm tại kênh này vẫn còn khá khiêm tốn so với chợ truyền thống khi chỉ có 37,4% cho biết thường xuyên đi mua sắm và 45,8% cho rằng khá hài lòng.

Làm gì để nắm bắt xu thế?

Có tới 61,2% người tiêu dùng cho biết không thường xuyên lựa chọn kênh bán lẻ hiện đại, và 38,4% không hài lòng khi đi mua sắm. Nguyên nhân được lý giải chủ yếu là do tình trạng đông đúc, các siêu thị và trung tâm thương mại chưa có khả năng đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng về hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe…

Đặc biệt, cơ cấu và giá cả hàng hoá trong các khu thương mại, siêu thị lớn hiện không phù hợp do chủ yếu là hàng xa xỉ, giá cao vượt quá nhu cầu và khả năng chi trả của đại bộ phận người tiêu dùng.

Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (VAR), thị phần của các loại hình bán lẻ hiện đại, vốn là động lực của thị trường bán lẻ vẫn đang ở mức quá thấp, so với khu vực. Trong khi đó, hầu hết các nhà bán lẻ đều gặp thử thách lớn về vấn đề nguồn nhân lực, kể cả nhân viên trực tiếp bán hàng, quản lý kho hàng, kế toán, thu ngân… lẫn nguồn nhân lực quản trị cấp trung và cấp cao khi tỷ lệ nhân sự được đào tạo chuyên nghiệp về quản lý bán lẻ mới được 3,1% trong năm 2013.

Những hạn chế về chất lượng nguồn nhân sự đã dẫn đến hiệu quả chất lượng phục vụ, năng lực phát triển không tương xứng với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Sức ép hội nhập ngày càng đến gần khi hàng loạt các DN bán lẻ nước ngoài liên tiếp "nhảy" vào thị trường Việt Nam để gia tăng sức mạnh và giành thị phần. Một con số đáng lo ngại được VAR đưa ra là mặc dù các nhà bán lẻ nước ngoài chỉ chiếm số lượng nhỏ nhưng chiếm đến 70% doanh thu toàn ngành đã cho thấy bán lẻ nước ngoài đang ngày càng gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, các nhà bán lẻ trong nước cần điều chỉnh cách thức kinh doanh, nhắm đến sự tiện lợi cho khách hàng để gia tăng sức cạnh tranh và tận dụng tiềm năng, cơ hội từ xu thế tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng.

Theo CẨM AN

thuyntt

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên