Ông trùm quỹ đầu cơ TPG: Có rất nhiều cơ hội tại Việt Nam
Đó là chia sẻ của tỷ phú David Bonderman, một trong hai đồng sáng lập Quỹ đầu tư TPG, một trong những công ty đầu tư vốn tư nhân lớn nhất của Mỹ với lượng vốn 54,5 tỷ USD tại Việt Nam.
Từ cuối năm 2006, TPG đã đến Việt Nam với khoản đầu tư 36,5 triệu USD vào công ty FPT dưới dạng mua cổ phiếu mới phát hành. 6 tháng sau khi hết hạn phải nắm giữ cổ phiếu, TPG lập tức thoái vốn, thu về khoản lợi nhuận gấp khoảng 3, 4 lần giá trị đầu tư ban đầu. Sau đó, cuối năm 2009, TPG đầu tư 35 triệu USD vào CTCP tập đoàn Masan. Chưa đầy ba năm sau, giá trị đầu tư của TPG tại Massan đã tăng tới 5 lần.
Tại sao TPG lại tổ chức hội nghị thường niên cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Quỹ đầu tư này quan tâm tới những lĩnh vực, những loại doanh nghiệp nào? Phóng viên bản tin Tài chính Kinh doanh đã phỏng vấn tỷ phú David Bonderman, một trong hai đồng sáng lập Quỹ đầu tư TPG.
Đây là lần đầu tiên TPG tổ chức hội nghị thường niên ở ngoài nước Mỹ. Tại sao vậy và tại sao lại là Việt Nam?
Ông David Bonderman: Anh nói đúng. Chúng tôi chọn châu Á và cụ thể là Việt Nam vì khu vực này ngày càng hấp dẫn để đầu tư. Điều này cũng đúng với Việt Nam. Việt Nam là quốc gia với gần 100 triệu dân, tăng trưởng tương đối nhanh và chưa khai thác hết tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân. Chắc chắn là thời gian tới, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dành nhiều thời gian ở đây.
TPG đã rất thành công tại Việt Nam với hai thương vụ đầu tư vào Công ty Masan và FPT. Vậy theo kinh nghiệm của ông ở Việt Nam, đâu là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng với các nhà đầu tư nước ngoài như TPG?
Ông David Bonderman: Masan là khoản đầu tư lớn nhất của chúng tôi ở Việt Nam. Chúng tôi rất thích cách quản lý ở đây. Họ (Masan) đang làm việc rất tốt. Đó cũng là thứ chúng tôi đang tìm kiếm ở châu Á cũng như ở bất cứ đâu. Bản thân tôi thấy có rất nhiều cơ hội tại Việt Nam.
Đầu tiên là ngân hàng, lĩnh vực hiện đang được cải cách. Một lĩnh vực khác là hàng hóa tiêu dùng, lĩnh vực đang trở nên phong phú, sử dụng nhiều sản phẩm hơn. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng thừa nhận là cần thêm cơ sở hạ tầng như các nhà máy điện, hay sân bay… Đó cũng là những lĩnh vực hấp dẫn.
Thẳng thắn mà nói, ở Việt Nam có một số người ví TPG giống như cáo, còn doanh nghiệp Việt Nam thì giống như thỏ. Ông có biết vì sao? Bởi vì nhiều khi các quỹ đầu tư nước ngoài như TPG đến, rồi đi rất nhanh… mang theo những khoản lợi nhuận lớn mà chẳng giúp gì được nhiều cho các công ty mà họ đầu tư vào. Giống như trong thương vụ của TPG với FPT… ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
Ông David Bonderman: Tôi muốn nói là, trong hầu hết các trường hợp chúng tôi đều có thể hỗ trợ các công ty phát triển tốt hơn thông qua khoản đầu tư của quỹ chúng tôi. Không chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ đâu cũng thế, tất nhiên là không phải mọi khoản đầu tư đều mang lại kết quả hoàn hảo, nhưng ở Việt Nam chúng tôi đã rất may mắn, các khoản đầu tư đều rất hiệu quả. Có được kết quả này vì chúng tôi đã có sự phối hợp tốt với đội ngũ quản lý của các công ty mà chúng tôi đầu tư vào.
Ở góc độ nào đó, để trả lời câu hỏi của anh, tôi muốn đề cập đến việc đầu tư vào Massan. Theo cách nhìn nhận của tôi, điều chúng tôi có thể làm là giúp Massan hoạt động ở cả thị trường nước ngoài và thị trường trong nước… đôi khi là hỗ trợ trong quản lý, có lúc là hỗ trợ nguồn lực. Chúng tôi có rất nhiều công ty trên thế giới với nhiều kinh nghiệm kinh doanh hiệu quả, có thể chia sẻ với các doanh nghiệp mà chúng tôi đầu tư vào.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo Trường Sơn