MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PMI sản xuất Việt Nam đạt trên 50 điểm tháng thứ 10 liên tiếp

01-07-2014 - 11:03 AM |

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam do HSBC và Markit Economics khảo sát đạt 52,3 trong tháng 6, giảm nhẹ so với mức 52,5 điểm của tháng trước.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng HSBC, nhìn chung, điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 6 tiếp tục được cải thiện mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng sản lượng công nghiệp và số lượng đơn đặt hàng mới có tín hiệu giảm tốc.

Theo đó, quyết định kiểm soát trọng tải xe trên đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực lên sản xuất, dẫn đến việc tăng giá đầu vào và làm chậm trễ thời gian giao hàng. Để đối phó với gánh nặng chi phí cao hơn, các nhà sản xuất đã quyết định tăng giá thành lần đầu tiên kể từ hồi đầu năm nay.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam do HSBC và Markit Economics khảo sát đạt 52,3 điểm trong tháng 6. Mặc dù kết quả này thấp hơn so mức 52,5 điểm trong tháng 5 nhưng vẫn cho thấy sự cải thiện trong điều kiện hoạt động tại các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.

Theo báo cáo của HSBC, số lượng đặt hàng mới trong tháng 6 tiếp tục tăng tháng thứ 7 liên tiếp, tuy nhiên, mức tăng có chậm hơn so với tháng trước. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập cũng tiếp tục tăng trong khi lực cầu tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong tháng này lại giảm tốc, mặc dù ở mức nhẹ.

Theo các chuyên gia, các đơn đặt hàng mới tăng dẫn đến sản xuất của doanh nghiệp được đẩy mạnh, mặc dù ảnh hưởng của các cuộc tấn công vào các nhà máy Trung Quốc trong tháng 5 có thể sẽ khiến tốc độ tăng chậm lại.

Các doanh nghiệp cũng cho biết, việc kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ đã khiến họ phải gánh thêm một khoản chi phí khá lớn trong tháng 6, giá đầu vào tăng mạnh, mặc dù có được cải thiện so với tháng trước. Ngoài ra, giới hạn trọng tải cũng tác động đến thời gian giao hàng.

Nhận định về PMI tháng 6 của Việt Nam, Chuyên viên kinh tế phụ trách khu vực châu Á của HSBC, Trinh Nguyễn cho biết: "Mặc dù có sự sụt giảm nhẹ nhưng các hoạt động ngành của Việt Nam tiếp tục được mở rộng một cách vững chắc. Lực cầu tăng chính là nguyên nhân chính dẫn đến điều này. Nhu cầu từ thị trường nước ngoài tuy giảm tốc nhưng chúng tôi hy vọng tình trạng này sẽ chỉ là tạm thời. Với lượng hàng tồn kho thấp và đơn hàng mới tăng mạnh, chúng tôi kỳ vọng ngành sản xuất sẽ tiếp tục phát triển tốt".


Theo Trần Thúy

kyanh

NDH

Trở lên trên