MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Singapore - Nhà giàu cũng khóc

03-02-2013 - 10:12 AM |

Là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất châu Á, với chính sách thuế “dễ thở”, môi trường trong lành, an ninh được bảo đảm tối đa, nhiều năm gần đây, Singapore là điểm đến lý tưởng của nhiều lao động nước ngoài.
 
Theo xếp hạng của Bloomberg công bố năm ngoái, Singapore là quốc gia lành mạnh nhất trên thế giới. Thế nhưng, hấp lực này đang dần bộc lộ mặt trái khi vô tình tạo ra gánh nặng cho người dân bản địa, ảnh hưởng đáng kể tới sức cạnh tranh của Singapore trong khu vực.
 
Theo CNBC, ở Singapore có hơn 7.000 công ty đa quốc gia, tập trung không chỉ ở ngành tài chính mà còn bao gồm cả dầu mỏ và khí đốt. Vấn đề Singapore đang gặp phải xuất phát từ nhu cầu thu hút lao động nước ngoài, tăng cường nhân lực giàu chất xám cho các lĩnh vực mũi nhọn để phát triển kinh tế như tài chính, kỹ thuật sinh học, y sinh học, và năng lượng thay thế.
 
Người nước ngoài luôn đóng góp phần GDP đáng kể cho Singapore. Số tỷ phú, người giàu đổ về Singapore kinh doanh, hưởng thụ cuộc sống hiện đại đã mang đến lượng tiền khổng lồ lưu hành ở đất nước này. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Đồng tiền lưu thông nhanh dẫn đến hậu quả là giá cả không ngừng tăng. Chi phí nhà ở, trường học, vận chuyển… cũng tăng theo, gây áp lực không nhỏ đối với người dân bản địa. Singapore đang trở thành một trong những TP đắt đỏ nhất thế giới.
 
Trong năm 2012, Singapore được xếp vào nhóm các TP có chi phí đắt đỏ nhất, tăng hai bậc từ 8 trong năm 2011 lên vị trí thứ 6. Từ năm 2007 đến 2011, giá bất động sản của Singapore tăng khoảng 50%, chủ yếu do nhu cầu mua sắm nhà ở của lao động nước ngoài. Singapore đang đứng thứ 8 trong nhóm các TP có giá thuê bất động sản đắt nhất.
 
Các nhà phân tích không ít lần kêu gọi chính phủ Singapore thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ổn định giá nhà. Tuy nhiên, các biện pháp này, trong đó bao gồm hạn chế hoạt động mua sắm bất động sản của người nước ngoài, vẫn chưa được Chính phủ Singapore mạnh tay áp dụng vì sợ có thể khiến lao động nước ngoài muốn rời khỏi nước này.

Hiện người nước ngoài chiếm 38% dân số Singapore, tăng khá nhanh so với 25% của năm 2000. Dân số của Singapore hiện khoảng 5,3 triệu người và ước tính đến năm 2030, số dân sẽ đạt đến 7 triệu người. Dân số tăng khiến các nhà hoạch định chính sách phải dùng biện pháp chế tài về kinh tế để quản lý. Ví dụ, Singapore nổi tiếng với chính sách bán đấu giá giấy phép mua phương tiện giao thông (COE) nhằm kiểm soát tình trạng tắc đường.

Mặt khác, lạm phát của quốc đảo này cũng tăng trở lại sau 5 năm và ở mức 4%. Cả đôla Sing cũng đã tăng 15% trong 5 năm qua. Lạm phát cao hơn kéo theo chi phí sinh hoạt cũng tăng cao hơn. Nếu chi phí sinh hoạt không ngừng tăng thì rõ ràng, Singapore sẽ bị nhiều nguy cơ tụt lại trong cuộc cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
 
Mặc dù nhà giàu trong và ngoài nước vẫn sẵn sàng bỏ tiền hưởng các dịch vụ tốt nhất nhưng người bản xứ sẽ chịu thiệt thòi nếu phải vừa phải cân đong tính toán chi phí sinh hoạt, vừa phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt để tìm và giữ việc làm.

 
Theo Như Quỳnh
SGGP

duchai

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên