MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở hữu 64% nguồn điện, EVN tiếp tục là ông lớn độc quyền

28-06-2014 - 10:34 AM |

Sở hữu đến 64% nguồn điện, đồng thời là người mua điện và phân phối điện duy nhất, EVN sẽ tiếp tục độc quyền trong ngành điện.

Theo Bản báo cáo mới nhất từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu đến 64% nguồn điện; Tập đoàn dầu  khí (PVN) sở hữu khoảng 10%, còn  lại  được sở hữu bởi Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (6%), dự án đầu tư nước ngoài (8%), các nhà đầu tư trong nước khác (8%) và một phần nhỏ từ nhập khẩu (4%).



Ngành chịu sự điều tiết mạnh của nhà nước, mặc dù đã ở giai đoạn phát điện cạnh tranh, song vẫn còn trong giai đoạn độc quyền mua điện. Người mua điện từ các nhà máy và phân phối điện đến người tiêu dùng duy nhất trên thị  trường là EVN. Đồng thời  EVN hiện sở hữu và nắm giữ cổ phần chi phối tại hầu  hết các nhà máy sản xuất điện, tổng công suất các nhà máy này chiếm khoảng 64% sản lượng điện.

Theo định hướng tiến tới thị trường điện cạnh tranh của chính phủ, thị trường điện Việt Nam sẽ được phát triển theo ba cấp độ với lộ trình như sau:

Cấp độ 1: Thị trường phát điện cạnh tranh (2006-2014). Đây là giai đoạn các đơn vị phát điện sẽ bán điện lên thị  trường thông qua các  hợp đồng mua bán điện và chào giá cạnh tranh trên thị trường giao ngay. Thị trường phát điện cạnh tranh sẽ  tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động hơn về  giá bán  điện mà không hoàn toàn phụ thuộc vào giá thỏa thuận với EVN. Hiện tại, thị trường điện sẽ tiếp tục thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh đến hết 2014.

Cấp  độ 2: Thị trường bán buôn cạnh tranh (2015-2021). Là thị trường sẽ có nhiều công ty phân phối điện dưới dạng bán buôn. Các công ty này tham gia cạnh tranh  để  bán điện  cho các đơn vị phân phối nhỏ (bán  lẻ)  và các khách hàng lớn. Các đơn vị  phát điện cũng cạnh tranh để bán điện cho các công ty phân phối lớn này. Ở giai đoạn này có sự cạnh tranh nhiều hơn giữa các công ty phát điện và cạnh tranh giữa các công ty phân phối điện. 

Lộ trình: Từ năm 2015- 2016, thực hiện thị trường bán buôn điện canh tranh thí điểm. Từ năm 2017-2021, thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Cấp độ 3: Thị trường bán lẻ cạnh tranh (từ 2021). Sẽ có nhiều đơn vị bán lẻ điện để cạnh tranh trong khâu bán lẻ. Các đơn vị này được mua điện từ các đơn vị phát điện hoặc từ thị trường để bán lẻ cho khách hàng sử dụng điện. Hiện tại thị trường điện đang trong giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm. Các nhà máy điện tham gia thị trường điện chào giá 100% sản  lượng  nhưng chỉ được thanh toán 5% sản lượng theo giá chào bán còn lại 95% thanh toán theo giá trên hợp đồng. 

Lộ trình, từ năm 2021 – 2023, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm. Từ sau 2023, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

BVSC cho rằng việc Việt Nam có phát triển thành công thị trường điện cạnh tranh theo đúng lộ trình hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau và tiềm ẩn các rủi ro chính sách. 

Tuy nhiên nếu Việt Nam phát triển thành công thị trường điện cạnh tranh, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp điện sẽ có sự thay đổi lớn. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nhu cầu tiêu thụ điện năng lớn, các doanh nghiệp điện có rất nhiều tiềm năng phát triển nếu Việt Nam phát triển thành công thị trường điện cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn và chi phí sản xuất thấp. 

Thị trường này sẽ tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp thủy điện và bất lợi cho các doanh nghiệp nhiệt điện do giá thành sản xuất của nhiệt điện luôn cao hơn so với thủy điện.

>> Từ 1/6, giá bán lẻ điện sinh hoạt chỉ còn 6 bậc

Theo Hạnh Phúc

anhnt

Theo Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên