Sữa ngoại: Nhập 1, bán 6 do chi đậm vào hoa hồng, quảng cáo
Nhiều người mua sữa đắt tiền vì cho rằng đó là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng sữa, nhưng thực chất lại phải trả tiền phần lớn cho hoa hồng, quảng cáo.
- 25-07-2013Buôn sữa lời gấp 6 lần: Hơn cả độc quyền
Trong khi đó, quy định quản lý hoạt động quảng cáo các sản phẩm sữa có nhưng doanh nghiệp đã tìm nhiều cách để lách luật.
Chi mạnh hoa hồng cho bác sĩ
Một trong những công ty tiếp thị sữa mạnh mẽ đến nhân viên y tế là Công ty TNHH thương mại Hùng Phương (quận 1, TP.HCM) - đơn vị nhập khẩu và phân phối sữa Insulac (nhập khẩu từ Mỹ). Insulac có sản phẩm cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bà mẹ mang thai và người lớn, bệnh nhân.
Theo tìm hiểu, năm 2012 Công ty Hùng Phương đã dùng chính sách chi hoa hồng, quà cáp cho nhân viên y tế ở một số bệnh viện để những người này giới thiệu sữa cho các sản phụ.
Chính sách và chế độ bán hàng Insulac IQ1 (dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi, hộp 400g bán giá 217.000 đồng/hộp) kênh bệnh viện áp dụng từ tháng 3-2012 do giám đốc Công ty Hùng Phương là ông Phạm Hùng Phương ký duyệt thể hiện chính sách cho bác sĩ và nữ hộ sinh ra toa ở bệnh viện là đối với bác sĩ trưởng khoa, định kỳ phiếu siêu thị 500.000 đồng/tháng; nữ hộ sinh trưởng, định kỳ phiếu siêu thị 200.000 đồng/tháng; chi phí kê toa cho nữ hộ sinh (bằng hình thức bật nắp có dán tem dành cho kênh y tế + đầy đủ thông tin khách hàng) là 70.000 đồng/toa...
Trong một văn bản (ngày 12-3-2012) của bộ phận bán hàng đề nghị duyệt chi phí xin data (dữ liệu của sản phụ gồm tên, tuổi, địa chỉ nhà, số điện thoại) tại các khoa phòng của một bệnh viện phụ sản, được giám đốc Công ty Hùng Phương duyệt chi 3,9 triệu đồng và bốn ly sứ cho bốn nữ hộ sinh trưởng của bệnh viện này.
Tại đây, công ty này có được 10.500 data. Như vậy, ngoài các chi phí để có được dữ liệu khách hàng, chi phí chi thường xuyên hằng tháng cho bác sĩ, hộ sinh..., chỉ riêng tiền hoa hồng giới thiệu sử dụng sữa cho nữ hộ sinh đã bằng tới 32,25% giá bán lẻ hộp sữa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiền chi hoa hồng cho một hộp sữa 400g bán trong bệnh viện dao động trong khoảng 70.000-120.000 đồng/hộp tùy theo hãng. Thông thường, hộp sữa bán ở kênh y tế đóng gói lon nhỏ với trọng lượng 400g, do đó giá không quá cao, tùy theo hãng giá dao động trong khoảng 200.000-300.000 đồng/hộp.
Trả tiền cho quảng cáo
Không phải riêng các công ty chuyên nhập khẩu và kinh doanh các nhãn hiệu sữa ngoại nhập mới nhập khẩu sữa nguyên hộp mà ngay cả các công ty sản xuất sữa trong nước cũng nhập khẩu sữa nguyên hộp về bán ở thị trường VN.
Theo đại diện một công ty sữa, ngoài tiền nhập hàng, các chi phí để cấu thành giá sữa nhập còn gồm: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, chi phí vận chuyển, kho bãi, chiết khấu cho nhà phân phối, đại lý bán lẻ, chi phí quảng cáo, chi phí quản lý doanh nghiệp...
Một doanh nghiệp sản xuất sữa có nhà máy sản xuất tại Bình Dương nhưng vẫn có dòng sản phẩm nhập khẩu. Giá nhập có thuế về Việt Nam là 119.000 đồng/hộp 900g. Nhưng giá bán ra thị trường khoảng 308.000 đồng/hộp, chênh lệch 189.000 đồng/hộp.
Khoản chênh lệch được dùng vào các chi phí trên. Mặc dù giá bán lẻ đã cao hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với chênh lệch ở các nhãn hiệu sữa của Abbott, Mead Johnson...
“Mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu với giá bán lẻ tới trên dưới 400.000 đồng/hộp là quá khủng khiếp. Số tiền này phần lớn chảy vào các tầng nấc phân phối trung gian và quảng cáo. Sữa phân phối theo ngạch trường học, bệnh viện thường chi hoa hồng khủng nhất. Họ bỏ tiền cho bác sĩ để bác sĩ tư vấn, kê toa, chi tiền để họ tham gia các hội thảo tư vấn dinh dưỡng...” - ông M., một người làm trong ngành sữa, cho biết.
Trong buổi giao lưu trực tuyến về “Thị trường sữa: giá cả và chất lượng” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, ông Lê Hoàng - phó phòng quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - thừa nhận có hiện tượng bác sĩ tham gia quảng cáo sữa.
Ông H., phó giám đốc một công ty phân phối hàng loạt nhãn hiệu sữa của một tập đoàn sữa của Mỹ, cho biết công ty phân phối được nhà nhập khẩu, cũng là hãng sữa, chi chiết khấu 9-12% tùy mặt hàng.
Chẳng hạn, giá bán lẻ nhà sản xuất, nhập khẩu công bố ra thị trường là 400.000 đồng/hộp thì giá đưa đến công ty phân phối thấp hơn 9-12% so với giá bán lẻ.
Phần chiết khấu cho đại lý bán lẻ do nhà phân phối chịu trách nhiệm. Ông H. cho biết khoản chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá cho công ty phân phối của ông H. hoàn toàn thuộc về nhà nhập khẩu. Họ sử dụng vào mục đích phát triển thị trường, quảng cáo ra sao nhà phân phối không nắm được cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Hải, phó giám đốc Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến, nhà phân phối chính thức của Mead Johnson tại VN, cho biết bên cạnh năm sản phẩm dành cho các nhóm tuổi khác nhau mà công ty đang phân phối chính thức, vẫn có những sản phẩm khác của Mead Johnson được bày bán tại VN do các công ty thương mại nhập khẩu về.
Những mặt hàng này nhà nhập khẩu có thể làm việc trực tiếp với Hãng Mead Johnson hoặc làm qua một công ty thương mại trung gian.
Vì thế, Công ty Tiên Tiến không nắm được hết giá cả, chiết khấu của các mặt hàng thuộc Hãng Mead Johnson. Tuy nhiên, ngay cả với những sản phẩm do công ty phân phối chính thức ở VN, nhà phân phối cũng chỉ được hưởng một tỉ lệ chiết khấu nhất định từ hãng và sau đó chịu trách nhiệm chi chiết khấu cho hệ thống đại lý phía dưới.
Luật nào cũng lách!
Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp được phép chi cho hoạt động quảng cáo tối đa 10% chi phí sản xuất. Một công ty sản xuất sữa cho biết giá bán lẻ sữa ngoại trên thị trường cao hơn nhiều lần so với giá nhập, có phần khá lớn nằm ở chi phí quảng cáo.
Lãnh đạo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính từng cho biết các hãng sữa nước ngoài lách quy định giới hạn chi phí quảng cáo bằng cách nhà phân phối chính thức, phân phối độc quyền tại VN không trực tiếp quảng cáo mà đơn vị thực hiện quảng cáo, làm truyền thông, giới thiệu về sản phẩm sữa với người tiêu dùng lại là công ty mẹ ở nước ngoài thực hiện “gánh” chi phí.
Một số người làm trong ngành sữa cho biết ngay cả quy định của Bộ Y tế cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi như một nguồn thay thế sữa mẹ cũng vẫn bị lách bằng cách chi hoa hồng để các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ nhi khoa giới thiệu...
Liên quan đến việc sữa nhập khẩu giá thấp mà giá bán lẻ lại cao hơn 5-6 lần, lãnh đạo Cục Quản lý giá cho biết trước đây các mặt hàng sữa đều bị quản lý giá, doanh nghiệp phải đăng ký giá bán lẻ.
Tuy nhiên, hiện nay do quy định của ngành y tế chỉ công nhận sản phẩm có hàm lượng đạm đạt 34% trở lên mới được gọi là sữa bột, dưới ngưỡng này chỉ gọi là thực phẩm bổ sung.
Vì thế, hầu hết các nhãn hiệu sữa trên thị trường hiện nay đều không đáp ứng được tiêu chí độ đạm và được gọi là thực phẩm bổ sung.
Dù Cục Quản lý giá muốn yêu cầu doanh nghiệp đăng ký giá đầy đủ để quản lý cũng không thực hiện được. Trong khi đó, thực phẩm bổ sung chỉ là cách phân loại, người tiêu dùng vẫn mặc nhiên hiểu đó là các sản phẩm sữa.
Chỉ quản lý loại sữa đăng ký giá Ngày 25-7, lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM cho biết theo quy định hiện nay, mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi lưu thông trên thị trường phải thực hiện việc đăng ký, kê khai giá. Tuy nhiên, mỗi nhãn hiệu sữa thực hiện việc đăng ký, kê khai giá ở các cơ quan khác nhau (Bộ Tài chính hoặc sở tài chính địa phương). Nhãn hiệu sữa nào đăng ký, kê khai tại Sở Tài chính TP.HCM thì sở mới có thẩm quyền thực hiện quản lý việc đăng ký, kê khai, điều chỉnh giá sữa. Theo vị lãnh đạo này, hiện chỉ có các nhãn sữa nội như Vinamilk, Nutifood và hai đơn vị sữa ngoại là Danone (sữa Dumex) và XO đăng ký giá tại Sở Tài chính TP.HCM. Vì vậy, tất cả nhãn hàng này khi thực hiện việc đăng ký, kê khai giá đều phải chứng minh giá đăng ký là hợp lý. Vị lãnh đạo này cho hay các nhãn hiệu phải chứng minh được các khoản chi phí hợp lý từ khi nhập cho đến khi tới tay người tiêu dùng, lúc đó mới cho phép đăng ký. * Trong khi đó, một cán bộ lãnh đạo Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cho biết về nguyên tắc, doanh nghiệp được tự kê khai giá nhập khẩu sữa khi làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên, hải quan cũng theo dõi chặt chẽ, trường hợp nào giá sữa kê quá thấp, bất hợp lý, nghi ngờ có dấu hiệu trốn thuế thì lực lượng hải quan sẽ thực hiện tham vấn giá. Doanh nghiệp sẽ phải giải trình các căn cứ và có bằng chứng chứng minh giá khai trên tờ khai hải quan là chính xác thì sẽ được chấp thuận. Trường hợp dữ liệu không đủ thuyết phục, cơ quan hải quan sẽ thực hiện áp thuế tính theo dữ liệu giá mà hải quan thu thập được. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, tại các chi cục hải quan TP.HCM có một số lô hàng nhập khẩu sữa bị doanh nghiệp cố tình khai giá thấp để trốn thuế nhập khẩu nhưng lực lượng hải quan đã phát hiện và áp giá tính thuế cao hơn. D.Tuấn - B.Hoàn |
Theo Lê Thanh Hà - Bạch Hoàn