MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài sản của gia tộc Chu Vĩnh Khang đến từ đâu?

13-08-2014 - 09:23 AM |

Hãng tin Reuters từng cho biết, tổng số tài sản gia đình "cựu trùm an ninh" Trung Quốc Chu Vĩnh Khang nắm giữ có giá trị khoảng 90 tỷ Nhân dân tệ, tương đương hơn 14,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhiều người tin là tài sản thực tế trong tay gia đình này có thể cao gấp đôi con số trên. "Nếu đó là sự thật thì nó quá khủng khiếp. Các học giả từ lâu đã nói đến thu nhập không minh bạch và tiền tham nhũng chiếm tổng cộng hơn 30% GDP của Trung Quốc, nhưng con số kia vẫn là quá nhiều", tờ South China Morning Post dẫn lời ông Hồ Tinh Đấu, nhà bình luận chính trị từ Viện Công nghệ Bắc Kinh, nói.

Theo South China Morning Post, sau khi nghiên cứu các tài liệu kinh doanh, gia đình Chu Vĩnh Khang sở hữu hoặc có mối liên kết với ít nhất 37 công ty tại nhiều nơi ở Trung Quốc và trên thế giới, thậm chí vươn xa đến cả khu vực Bắc Mỹ. Hoạt động kinh doanh của những công ty này thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như sản xuất dầu mỏ, phát triển, kinh doanh bất động sản, thủy điện...

Đáng chú ý, cái tên "Chu Vĩnh Khang" không hề xuất hiện trên hàng nghìn trang tài liệu của doanh nghiệp mà tờ báo đã tiến hành nghiên cứu.

Thay vào đó, mấu chốt chính trong đế chế kinh doanh của gia đình này là Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang.
Một đầu mối quan trọng khác là Chiêm Mẫn Lợi, mẹ vợ của Chu Bân. Ngoài ra còn có cháu Chu Vĩnh Khang là Chu Phong, em dâu Chu Vĩnh Khang là Chu Linh Anh...

Kết hợp cùng với nhau, các thành viên trong gia đình nhà họ Chu đã lèo lái đế chế kinh doanh khổng lồ này, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua những người "mang nợ" Chu Vĩnh Khang về sự nghiệp chính trị hoặc công việc làm ăn. Mạng tin Want China Times đã tổng kết được 10 mánh kiếm tiền chủ yếu của gia đình Chu Vĩnh Khang, cũng như những thành viên trong gia đình này có dự phần trong mỗi thủ đoạn đó.

1. Đại lý thương hiệu rượu nổi tiếng

Chu Nguyên Hưng, em trai Chu Vĩnh Khang, đã trở nên giàu có nhờ làm đại lý cho thương hiệu rượu nổi tiếng Wuliangye. Chu Nguyên Hưng chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng có thể "làm mưa làm gió" ở thành phố Vô Tích, Giang Tô. Theo tạp chí Tài Tân, khi Chu Vĩnh Khang thăng tiến cao hơn trong Chính phủ, Chu Nguyên Hưng bắt đầu dùng sự nổi tiếng của anh trai để tiến hành các phi vụ móc nối, mua bán chức quyền.

2. Các hợp đồng khai thác dầu khí

Năm 2004, Chu Bân đã thành lập một công ty ở Bắc Kinh tên là Trung Húc. Công ty này chuyên làm ăn với những công ty dầu khí nhà nước. Hợp đồng đáng kể nhất liên quan tới thương vụ khai thác dầu ở mỏ Trường Thanh thuộc Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC). Chu Bân đã thu được 20 triệu Nhân dân tệ (3,2 triệu USD) trong năm 2007-2008 và sau đó bán với giá 550 triệu Nhân dân tệ (89,3 triệu USD).

3. Kinh doanh bất động sản

Chiêm Mẫn Lợi, mẹ vợ của Chu Bân, sở hữu số bất động sản ở Bắc Kinh có tổng diện tích lên tới 1.300 m2. Số tài sản này trị giá 80 triệu Nhân dân tệ (13 triệu USD), gấp 3 lần mức giá mà bà này chi ra ban đầu.

4. Kinh doanh năng lượng sạch

Chu Bân có liên quan gián tiếp tới Công ty Năng lượng Trung Mậu. Đơn vị này đã lập 7 trạm tiếp khí hóa lỏng (LNG) ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc. Những trạm này chủ yếu cung cấp cho 694 chiếc xe buýt chạy bằng LNG ở thành phố này.

5. Đầu tư vào thủy điện

Công ty Trung Húc, dưới sự dẫn dắt của Chu Bân, đã đầu tư 8,5 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,4 tỷ USD) vào hai nhà máy thủy điện. Theo báo South China Morning Post, thu nhập hàng năm từ việc kinh doanh điện của một trong hai trạm này đạt tới 900 triệu Nhân dân tệ.

6. Phân phối xe Audi

Chu Linh Anh, em dâu của Chu Vĩnh Khang, là đối tác chính của Audi ở Trung Quốc. Bà này sở hữu một chuỗi cửa hàng của Audi và nhờ đó thu được lợi nhuận kếch xù. Còn theo tài liệu kinh doanh mà South China Morning Post có được, bà Chu Linh Anh đã đầu tư 19 triệu Nhân dân tệ, để xây dựng đại lý phân phối Audi duy nhất ở Giang Âm, tỉnh Giang Tô và lợi nhuận của nó đạt 659 triệu USD vào năm 2012.

7. Văn hóa và du lịch

Hoàng Uyển, vợ của Chu Bân, đã chi 4,5 triệu Nhân dân tệ (730.000 USD) để thành lập một công ty du lịch. Công ty này đã giành được quyền khai thác khu du lịch núi Cửu Đỉnh ở Tứ Xuyên trong 50 năm. Sau đó, vào năm 2003, công ty du lịch của Hoàng Uyển lại bán lại quyền khai thác du lịch núi Cửu Đỉnh với giá 20 triệu Nhân dân tệ (tương đương với 3,2 triệu USD).

8. Nhà công vụ cho thuê

Thông qua một nhà môi giới, Chu Bân tham gia một dự án xây nhà công vụ cho thuê ở Bắc Kinh.

9. Sản xuất phim ảnh, truyền hình

Năm 2004, Chiêm Mẫn Lợi, mẹ vợ của Chu Bân, đã lập một công ty truyền thông văn hóa ở Bắc Kinh để sản xuất phim ảnh, chương trình truyền hình.

10. Quản lý trạm xăng, dầu

Công ty Trung Húc của Chu Bân có mối liên quan gián tiếp tới việc quản lý 8.000 trạm xăng, dầu dưới sự bảo trợ của Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc.

Tờ South China Morning Post bình luận, ảnh hưởng của ông Chu Vĩnh Khanh đối với hoạt động kinh doanh của gia đình ông khiến nhiều người liên tưởng tới cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Mặc dù ông Bạc Hy Lai không có nhiều người thân trong gia đình làm ăn kinh doanh và có quy mô lớn như nhà Chu Vĩnh Khang, nhưng nhiều người cho rằng tiền của vợ và bạn bè ông Bạc là có liên quan trực tiếp tới ông.

Theo chuyên gia Hồ Tinh Đấu, "nếu không có bất cứ bằng chứng thuyết phục nào về mối liên hệ giữa quyền lực của Chu Vĩnh Khang và tài sản của gia đình ông, thì có thể gọi đây là "khối tài sản khổng lồ có nguồn gốc không rõ ràng", nhưng điều này rất khó thuyết phục các quan chức cao cấp trong chính phủ.

>> Trung Quốc thủ tiêu thông tin về Chu Vĩnh Khang

Theo Tâm Anh

anhnt

VnEconomy

Trở lên trên