MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường vũ khí: Sóng ngầm đã nổi

01-08-2014 - 20:00 PM |

Thị trường vũ khí trên thế giới đang có những biến động khi nhiều quốc gia đẩy mạnh xuất khẩu, cạnh tranh trực tiếp với hai cường quốc quân sự là Mỹ và Nga.

Theo công ty tư vấn IHS Jane, cuộc chiến do Mỹ mở rộng tại Iraq và Afghanistan đã đẩy chi tiêu quân sự toàn cầu lên con số kỷ lục là 1,7 ngàn tỷ USD vào năm 2008. Nhưng kể từ đó, doanh thu của 17 trong số 20 nhà sản xuất vũ khí Mỹ giảm dần và giảm mạnh trong năm 2013. Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi khi Quốc hội Mỹ đã ngưng cắt giảm chi tiêu quốc phòng sau thời gian dài phải đối phó với nạn thâm hụt ngân sách.

Tại châu Âu, tốc độ suy giảm đang chậm lại và đà phục hồi kinh tế khả quan hơn. Trong khi đó, các mối đe dọa mới ở Syria, Iraq và vùng biển Đông do Trung Quốc kích động đang khiến chi tiêu quốc phòng tăng vọt tại châu Á, Trung Đông và Mỹ Latinh.

Dựa trên số liệu từ SIPRI, Wall Street đưa ra danh sách 10 hãng sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới xét về doanh thu. Riêng nhóm 10 công ty này đã chiếm khoảng 230 tỷ USD doanh thu trên thị trường vũ khí toàn cầu năm 2010. Trong số 100 công ty lớn nhất thế giới của lĩnh vực quốc phòng, có tới 44 công ty của Mỹ như Boeing, Northrop Grumman hay Lockheed Martin.

Các công ty Mỹ cũng chiếm tới hơn 60% doanh thu từ thị trường vũ khí của 100 nhà sản xuất hàng đầu này. Trong top 10 của bảng xếp hạng, có 7 công ty Mỹ, 1 công ty Anh, 1 công ty Ý và 1 công ty đa quốc gia của Liên minh Châu Âu (EU).

Một báo cáo công bố mới đây tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đã tiết lộ Mỹ đứng đầu danh sách các nước xuất khẩu vũ khí và Nga đứng thứ hai trên tổng số vũ khí được bán ra trên thế giới trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2013. Cho đến nay, Mỹ và Nga chiếm tới 70% lượng vũ khí được bán ra trên toàn thế giới, số còn lại được chia đều cho các nền công nghiệp quốc phòng của Israel, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ...

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng quốc phòng. Chẳng hạn, các nhà thầu quân sự của Nhật Bản bắt đầu có những bước đi đầu tiên nhằm bán vũ khí ra nước ngoài sau khi Thủ tướng Shinzo Abe nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu dựa trên “Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị phòng vệ”.

Chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào thị trường vũ khí, Tokyo đã chuẩn bị một tổ chức với cơ cấu lên tới 2.000 người, thậm chí thuê thêm các chuyên gia thị trường, phân tích, chuyên gia quân sự với vai trò tham mưu. Với nền khoa học công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới từ hàng hải, hàng không, công nghiệp nặng, cho đến công nghiệp vũ trụ, Nhật Bản đang nổi lên là một nhà thầu vũ khí tiềm năng nhất thế giới.

Trong khi đó, theo một báo cáo của tạp chí chuyên về quốc phòng IHS Jane’s, xuất khẩu thiết bị quốc phòng của Hàn Quốc đạt tổng cộng 600 triệu USD năm 2013, tăng gấp đôi so với năm trước.

Bên cạnh đó, Ấn Độ, cường quốc có nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, cũng đang nỗ lực gia tăng sức mạnh quân đội và hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng. Từ khi lên nhậm chức thủ tướng hồi tháng 5/2014, ông Narendra Modi đã ký hai sắc lệnh để thể hiện quyết tâm nói trên, bao gồm chi 3,5 tỷ USD để hiện đại hóa khả năng sản xuất vũ khí nội địa và tăng ngân sách quốc phòng hằng năm lên 12%.

Trong một động thái gây bất ngờ, Ấn Độ sẵn sàng cho phép các công ty sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự nước ngoài thành lập các công ty con tại Ấn Độ với 100% vốn. Đồng thời, New Delhi cũng phát ra nhiều tuyên bố về việc họ sẽ bắt đầu xuất khẩu những vũ khí cho các quốc gia thân thiện với Ấn Độ.

Đứng trước tình hình trên, các công ty sản xuất vũ khí Mỹ tìm cách mở rộng thị trường dân sự. Ba tập đoàn sản xuất và kinh doanh vũ khí lớn nhất thế giới hiện nay là Lockheed Martin (Mỹ), Boeing (Mỹ) và BAE Systems (Anh) sản xuất sản phẩm phục vụ ngành hàng không dân dụng và vũ trụ với doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm. Raytheon vừa bán hệ thống phát hiện bắn tỉa Boomerang cho các công ty năng lượng Mỹ, sau khi một tay súng đánh sập một số máy biến áp cung cấp điện cho thung lũng Silicon.

Với nguy cơ của chiến tranh kỹ thuật số, các công ty công nghệ Mỹ cũng đang mở ra một thị trường quốc phòng mới trên không gian mạng. Lầu Năm Góc đã soạn thảo xong bộ quy tắc tham chiến trên không gian ảo và đề xuất chi đến 4,7 tỷ USD cho an ninh mạng trong năm 2014.

Bắt đầu từ năm 2011, chính quyền của Tổng thống Obama đã phát động một chương trình rộng lớn để xây dựng đường lối chỉ đạo về xuất khẩu vũ khí, đặc biệt là hướng về thị trường châu Á. Mỹ vẫn là nước xuất khẩu vũ khí chủ yếu cho Đông Á với tổng giá trị các thỏa thuận lên đến 4,1 tỷ USD trong năm 2012.

Các công ty quốc phòng Mỹ sẽ được hưởng lợi lớn nếu các chính sách về xuất khẩu được thống nhất và các hạn chế được nới lỏng. Nếu chính sách này được thông qua, ít nhất 66 quốc gia có thể mua được các loại máy bay không người lái của Mỹ, trong đó có cả loại máy bay không người lái Global Hawk của Northrop Grumman.

Chính sách cho phép xuất khẩu rộng rãi hơn có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang tại những khu vực diễn ra các vụ buôn bán vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, nếu phải cân bằng giữa việc cho phép đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí với những rủi ro khác liên quan, các nhà sản xuất vũ khí sẽ không ngần ngại lựa chọn vì lợi nhuận. 

>> Trong 3 năm, các ngân hàng lớn đầu tư gần 314 tỷ USD vào vũ khí hạt nhân

Theo Thụy Kha

thuyntt

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên