MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vàng hết lấp lánh

26-12-2013 - 07:43 AM |

Đầu năm 2013 giá vàng trên 46 triệu đồng/lượng, cuối năm giá còn 35 triệu đồng mỗi lượng. Thị trường đang trải qua những ngày cuối cùng của năm có diễn biến tồi tệ nhất kể từ 1981.

Sau 12 năm tăng giá không ngừng nghỉ và thiết lập kỷ lục trên 1.920 USD/ounce với vàng thế giới, xấp xỉ 49 triệu đồng/lượng vàng trong nước hồi năm 2011, thị trường vàng đang khép lại năm biến động tồi tệ nhất trong vòng 32 năm trở lại đây.

Vàng thế giới lún sâu, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo

Năm 2013, giá vàng thế giới đã giảm hơn 470 USD/ounce, tương đương 28%, từ mức 1.676 USD xuống còn quanh 1.200 USD/ounce như hiện nay. Đây là năm giảm thê thảm nhất của giá vàng kể từ 1981, cũng là năm giảm đầu tiên kể từ năm 2000.

Giá vàng rơi tự do bởi nhà đầu tư liên tục bán tháo trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE) khi nền kinh tế ngày càng xuất hiện thêm các tín hiệu tích cực và ổn định. Nhà đầu tư lo sợ không chỉ bởi việc rút gói QE khiến cho kỳ vọng lạm phát ở Mỹ giảm, mà còn e ngại sẽ kéo theo các động thái tương tự từ các ngân hàng trung ương khác trên thế giới.

Diễn biến giá vàng 1 năm qua

Những lo sợ ấy cuối cùng đã xảy ra. Ngày 18/12/2013, Fed đã quyết định giảm quy mô gói QE từ 85 tỷ USD xuống còn 75 tỷ USD/tháng. Giá vàng vừa hồi phục được đôi chút lại chịu áp lực bán tháo vì không còn vai trò là nơi trú ẩn an toàn hay công cụ phòng ngừa lạm phát. 

Trước đó, từ cuối 2008 tới tháng 9/2011, giá vàng đã tăng gần gấp đôi và lập kỷ lục trên 1.920 USD/ounce.

Đằng sau những cú rơi tự do của giá vàng không thể không nhắc tới bàn tay của các quỹ ETF. Từ đầu năm, nhiều nhà đầu cơ lớn đã nhận ra rằng, giá vàng đã tăng quá lâu và nên điều chỉnh để có lực đi tiếp. Chính vì thế họ đã bán ra không ngừng nghỉ kim loại quý này. Thống kê cho thấy, trong 12 tháng qua, 8 quỹ ETF hàng đầu thế giới đã bán ra trên 720 tấn vàng – lượng bán cao kỷ lục. Riêng quỹ SPDR Gold Trust – quỹ đầu tư tín thác bằng vàng lớn nhất thế giới, chiếm 40% tỷ trọng của các quỹ ETFs vàng, đã bán ra hơn 500 tấn và đưa lượng nắm giữ xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm tại xấp xỉ 800 tấn.

Trong nước hết thời xếp hàng mua vàng

Ở trong nước, nếu như những năm trước, mỗi khi giá vàng biến động mạnh, thị trường thường rất sôi động với kẻ bán người mua tấp nập. Tình trạng các “nhà vàng” phải viết giấy hẹn cho khách đến lấy vàng sau một vài ngày thường xuyên diễn ra. Các doanh nghiệp kinh doanh lớn như Bảo Tín Minh Châu, DOJI, SJC đồng loạt thông báo doanh số tăng mạnh gấp đôi ngày thường. Lạ một điều, đợt sốt vàng nào cũng thiên về người mua, giá càng tăng cao, càng tăng mạnh lại càng nhiều người mua vì kỳ vọng giá sẽ lên cao hơn nữa.

Tuy nhiên năm nay, tình trạng xếp hàng mua bán vàng đã trở nên hiếm hoi dù giá vàng giảm liên tục và mất tổng cộng 11 triệu đồng/lượng, từ 46 triệu đồng hồi đầu năm xuống còn 35 triệu đồng/lượng.

Điểm lại những diễn biến của 12 tháng qua chỉ thấy có khoảng 2 đợt sốt vàng đáng chú ý. Đợt 1 là vào đầu năm nhân ngày Thần tài mồng 10 tháng Giêng (19/2), người dân đổ xô mua vàng lấy hên cho cả năm, nhưng chủ yếu là mua vàng lẻ. Khi ấy, giá vàng ở quanh 45,4 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 600 nghìn đồng so với đầu năm nhưng vẫn cao hơn thời điểm này tới cả chục triệu đồng.

Diễn biến giá vàng SJC năm 2013

Đợt 2 vào cuối tháng 6 (ngày 28/6), khi giá vàng thế giới xuống sâu nhất 3 năm là dưới 1.200 USD/ounce, vàng trong nước có lúc cũng giảm về 34 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên do cầu mạnh nên giá vàng cũng được điều chỉnh nhanh với biên độ lớn. Đầu giờ sáng giá ở 34 triệu đồng/lượng nhưng đến trưa lại lên trên 35 triệu đồng và cuối ngày thì về 37 triệu đồng/lượng, vì thế những người mua được vàng giá rẻ rất ít ỏi.

Vì đâu dân chán vàng?

Nhu cầu vàng của nước ta được nhìn nhận là vẫn mạnh nhưng một thực tế là năm 2013 người ta không còn thấy cảnh chen lấn, xếp hàng mua vàng mỗi khi giá biến động như trước. Có được điều này là nhờ bàn tay can thiệp bình ổn của Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2013, bên cạnh tiếp tục duy trì chính sách độc quyền vàng miếng, NHNN đã quyết liệt với việc tất toán trạng thái vàng. Cho đến thời điểm này, các tổ chức tín dụng đã tất toán xong trạng thái huy động và cho vay vàng. Người dân gửi vàng vào ngân hàng không những không được tính lãi như trước đây mà thay vào đó phải trả phí cho ngân hàng giữ hộ.

NHNN cũng đã bơm ra thị trường và hỗ trợ các TCTD tất toán trạng thái một lượng vàng khổng lồ lên tới gần 70 tấn trong 9 tháng cuối năm 2013 thông qua các phiên bán đấu thầu. Không những giúp bình ổn, NHNN còn thu về cho ngân sách Nhà nước khoảng 8.000 tỷ đồng tiền lãi từ các phiên đấu thầu (nhờ chênh lệch giá với thế giới).

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách độc quyền vàng của NHNN khiến cho khoảng cách chênh lệch với giá thế giới quá cao, hiện ở mức 4,5 triệu đồng/lượng và có lúc lên tới kỷ lục 7 triệu đồng/lượng, nhưng rõ ràng nhìn mặt tích cực thì khoảng cách nới rộng này đã làm nản lòng nhiều người. Thay vì chôn tiền vào vàng, dòng vốn phần nào được gửi vào ngân hàng, vào các kênh đầu tư khác hoặc đưa ra phục vụ sản xuất kinh doanh.

Một lý do nữa khiến người dân không còn mặn mà đầu tư vào vàng đó là lo sợ giá sẽ giảm hơn nữa. Hiện nay các dự báo đều cho rằng năm 2014 tiếp tục thê thảm với vàng, giá có thể lùi về 1.000 USD/ounce tức quy đổi tương đương chưa đến 26 triệu đồng/lượng.

>>10 quốc gia dự trữ nhiều vàng nhất thế giới

Theo Thành Hưng

thuyntt

CafeF/Trí Thức Trẻ

Trở lên trên