MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Vay dài hạn, nhìn ngắn hạn cho đỡ đau đầu," chết là ở câu này.

06-12-2013 - 22:40 PM |

Hội nghị khách hàng của một ngân hàng lớn mời 300 khách là các đối tác lâu năm. Nội dung chương trình được sắp xếp một cách hoàn hảo.

Ngoài các mục chính của buổi lễ đón nhận bằng khen của ngành ngân hàng cho thành tích dẫn đầu phong trào thi đua, Ban tổ chức đã mời một chuyên gia kinh tế nổi tiếng đến nói chuyện về một số thực trạng của nền kinh tế, những vấn đề nóng về các dòng tiền đầu tư và những gì sẽ diễn ra khi Việt Nam kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) để các chủ doanh nghiệp có cơ hội nghe những phân tích mới nhất về những ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp Việt Nam trong một tương lai rất gần.

Nhưng khi chuyên gia mới nói được mấy câu thì cử tọa có vẻ mất tập trung vì các nhân viên lễ tân bắt đầu bày tiệc. Và một cảnh tượng vô cùng khôi hài lẫn phản cảm đã diễn ra: Khi diễn giả đang nói rất tâm huyết những vấn đề doanh nghiệp phải đối mặt và vượt qua để tồn tại, phát triển hay là phá sản, thì ở phía dưới cử tọa đã bắt đầu "Một, hai, ba... dzô!".

Chỉ còn một số người ngồi ở vài bàn sát sân khấu vẫn cố lắng nghe bởi vì đó là bài nói chuyện có nội dung rất thiết thực về tình hình kinh tế, về đáy suy thoái và những "cục máu đông" của chính các doanh nghiệp.

Những ai lắng nghe và quan tâm đều hiểu rằng đó là những thông tin vô cùng quý giá, đôi khi khó đưa lên báo chí, mà chỉ được chuyên gia phân tích cặn kẽ cho những đối tượng liên quan. Một cơ hội để nghe mổ xẻ về thực trạng môi trường kinh doanh đã bị chính các doanh nghiệp bỏ qua mà làm những việc giao đãi vô bổ.

Khi chúng tôi hỏi một doanh nhân đã tìm hiểu gì về những vấn đề liên quan đến TPP, thì anh này trả lời: "Tôi kinh doanh nông sản, thực phẩm, có liên quan gì đến mấy nước đó, thôi để từ từ, chuyện đến đâu tính đến đó. Trước mắt, tôi có cái hợp đồng đặt hàng, đang cần vay sao cho lợi nhất nên mới đến đây".

"Vay dài hạn, nhìn ngắn hạn cho đỡ đau đầu".

"Vay dài hạn, nhìn ngắn hạn cho đỡ đau đầu". Câu nói đó các doanh nhân hay đem ra đùa giỡn, nhưng nó cũng thể hiện thực trạng kinh doanh ăn xổi ở thì, chi phối rất nhiều đến hành động.

Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển, công nghệ số phục vụ đến "tận răng", nhưng rất nhiều người kinh doanh chủ yếu dựa vào quan sát thực tế và nghe tin đồn.

Những dự án lập ra ào ào, những ánh mắt hưng phấn cũng đủ những long lanh, nhưng bập vào thực tế, biết bao khó khăn, rào cản bất ngờ xuất hiện, dự án ấy lại bị quẳng vào ngăn kéo chỉ vì đã bỏ sót quá nhiều các vấn đề thực tiễn không được nghiên cứu bài bản.

Một doanh nhân trẻ bỗng nhiên biến mất một thời gian, hôm gặp lại, anh bạn trẻ kể thời gian vừa qua đã đi Singapore học thêm. Tình hình thị trường khó khăn và biến chuyển với nhiều bất ngờ khiến doanh nhân trẻ này nhận ra những lỗ hổng trong kiến thức về thị trường.

Nhân lúc làm ăn khó khăn, anh quyết xếp công việc sang một bên để đi tu nghiệp ít lâu, chuẩn bị cho chuyến quay lại thị trường với kiến thức thu thập được.

Người quan tâm đến lý thuyết như anh bạn doanh nhân trẻ này không nhiều bởi tình trạng đào tạo mất uy tín ở các trường đại học đã tạo cho doanh nhân thói quen chỉ biết tự học ở thực tế là chính. Họ chỉ tìm hiểu những chính sách kinh tế đã ra đời và đã ứng dụng vào thực tiễn, còn chuyện gì xa xôi quá thì tính sau.

Nhưng TPP đâu có xa. Doanh nghiệp không hiểu việc Chính phủ dốc sức đàm phán để ký kết với các đối tác trong tình hình này giống như việc mở một "con đường máu" để thoát khỏi những khó khăn chồng chất đang gặp phải.

Những phân tích quan trọng của vị chuyên gia đầu ngành, người trực tiếp nghiên cứu tất cả các đàm phán song phương và đa phương, đã khuyến cáo TPP liên quan đến tất cả các ngành, đến từng doanh nghiệp nhỏ nhất, và tận dụng được cơ hội thì sống tốt, còn không tận dụng được các điều khoản mà một thị trường mới đem lại thì mất tất cả.

Ý nghĩa mở "con đường máu" phải được hiểu chính xác như vậy. Nhưng người cần nghe thì chẳng buồn nghe. Biết bao giờ người kinh doanh mới chịu nhìn nhận sự học của họ phải bằng năm, bằng mười những người không trực tiếp nắm trong tay đồng vốn.

>> Người Việt sẽ thay đổi toàn bộ thói quen xem phim, nghe nhạc vì một hiệp định thương mại?

Theo Khải Ly

tuannm

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên