Vì đâu Việt Nam vắng bóng trong Top 200 đại học hàng đầu thế giới?
Xếp hạng ĐH sẽ giúp ích rất nhiều cho thí sinh khi chọn lựa trường, đồng thời cho biết các trường ĐH Việt Nam đang đứng ở đâu. Tuy nhiên, hiện các trường ĐH nước ta chưa chú trọng điều này.
- 26-12-2013Cứ 10 người tốt nghiệp đại học, có 1 người thất nghiệp
- 24-12-2013Đại học Ngoại Thương đoạt giải nhất vòng chung kết cuộc thi Phân tích Đầu tư của Viện CFA
- 23-12-2013Chàng trai Việt ở 'phố nhà nghèo' vào Đại học Yale
- 23-12-2013Hơn 100.000 sinh viên có bằng đại học vẫn thất nghiệp
- 17-12-2013Đại học Harvard sơ tán 4 cơ sở vì bị doạ đánh bom
Nội dung nổi bật:
Việt Nam không có một trường đại học nào thuộc top 200 các trường hàng đầu thế giới.
Việt Nam không có các tiêu chí bắt buộc để xếp hạng các trường đại học, nên hầu hết các tổ chức nước ngoài đánh giá dựa trên số lượng truy cập website của trường.
Việc đánh giá chất lượng vẫn khó khăn khi bệnh thành tích giáo dục vẫn còn phổ biến, và các trường chưa đầu tư đúng mức vào các website cung cấp thông tin.
Thế giới có top 100, 200, 500 các trường ĐH là căn cứ vào một số tiêu chí. Nhưng đó lại là những tiêu chí quá khó đối với ĐH Việt Nam.
Mới đây, 4icu.org University Web Ranking đã công bố bảng xếp hạng các trường ĐH của Việt Nam trong năm 2013. ĐHQG Hà Nội đứng đầu bảng xếp hạng này, kế đến là ĐH Bách khoa TP HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Nông Lâm TP HCM, ĐH Công nghệ Thông tin TP HCM, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội…
Vắng bóng ở top 200
Trong top 56 trường ĐH Việt Nam được xếp hạng có khá nhiều trường ngoài công lập như ĐH Lạc Hồng, ĐH Duy Tân, ĐH Văn Lang... Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng của 4icu.org University Web Ranking, ĐH Việt Nam hoàn toàn vắng bóng ở top 200 ĐH hàng đầu thế giới, trong khi ở khu vực Đông Nam Á, ĐHQG Singapore đứng hạng 44, ĐH Gadjah Mada của Indonesia hạng 198. Ở khu vực châu Á, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ đều có các trường ĐH nằm trong bảng xếp hạng.
Theo báo cáo của tổ chức SCI mago Institutions Rankings, trong số 2.740 trường ĐH, viện nghiên cứu trên thế giới được xếp hạng (tính đến tháng 8-2013) thì Việt Nam chỉ có 4 đơn vị, gồm: Viện Khoa học và Công nghệ với 1.479 công bố trên các tập san quốc tế, tiếp theo là ĐHQG TP HCM 900 công bố, ĐH Bách khoa Hà Nội 610 công bố, ĐHQG Hà Nội 588 công bố.
Trước đó, Webometrics cũng công bố kết quả xếp hạng thường niên đợt 1 năm 2013, ĐHQG Hà Nội xếp vị trí 187/7.000 trường ĐH trong bảng xếp hạng châu Á và đứng 907 trong bảng xếp hạng các trường ĐH toàn thế giới. Các trường ĐH khác của Việt Nam chỉ có được thứ hạng từ 1.665 trở xuống.
TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Phòng Phát triển Chiến lược, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - cho rằng hiện việc xếp hạng ĐH tại Việt Nam không có sự bắt buộc nên chỉ một số tổ chức nước ngoài đứng ra xếp hạng và họ dựa vào tiêu chí riêng.
Trong đó, một số trang web xếp hạng dựa trên số lượng truy cập vào trang web của trường ĐH. Ngay cả xếp hạng của Webometrics cũng chỉ đánh giá về nội dung và mức độ hiện diện ở môi trường mạng internet của các trường ĐH thông qua trang web.
Theo một số chuyên gia, vẫn tồn tại nhiều bảng xếp hạng không đủ độ tin cậy vì không đánh giá toàn diện, chính xác bức tranh của các trường ĐH.
Khó đo lường chất lượng
Trên thế giới đang tồn tại nhiều bảng xếp hạng ĐH như bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới của Hội đồng Đánh giá và Kiểm định giáo dục ĐH Đài Loan, xếp hạng của Tạp chí Times Higher Education Supplement (THES), xếp hạng Webometrics, xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải...
Một số chuyên gia cho rằng nếu các trường ĐH Việt Nam có tên trên bảng xếp hạng thế giới sẽ làm tăng danh tiếng cho họ. Đặc biệt, khi chất lượng các trường ĐH Việt Nam vẫn còn được đánh giá là “mờ mờ ảo ảo” thì việc xếp hạng ĐH với những tiêu chí thống nhất, rõ ràng sẽ giúp ích rất lớn cho thí sinh trước khi họ bước vào kỳ thi ĐH.
TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng hiện nay khó đo lường chất lượng của các trường ĐH bởi trên các trang web, các trường ĐH vẫn đăng những thông tin mang tính quảng cáo về mình mà chưa được kiểm định độ xác thực. Trong khi đó, những thông tin hữu ích cho người học trên các trang web vẫn còn rất ít.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn nhiều. Dù các trường ĐH thực hiện 3 công khai nhưng những gì tốt họ khoe, còn xấu thì giấu đi. Vì vậy, Việt Nam cần những tổ chức kiểm định độc lập, khách quan thực hiện việc đánh giá và công bố chất lượng, từ đó mới tính đến việc xếp hạng ĐH.
PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết ĐHQG TP HCM hiểu tầm quan trọng của xếp hạng ĐH nhưng không coi mục đích của mình là xếp hạng mà coi trọng chất lượng giáo dục. “Hiện việc xếp hạng ĐH trên thế giới dựa trên các tiêu chí riêng, nếu xây dựng và đáp ứng theo các tiêu chí này thì bản chất sẽ không bền vững.
Vì vậy, ĐHQG TP HCM sẽ tiến hành kiểm định, đánh giá cấp chương trình theo chuẩn quốc tế, trước khi hướng đến việc xếp hạng ĐH” - ông Bình nói.
Quá xa vời với mục tiêu lọt vào top 200
Năm 2007, Thủ tướng phê duyệt mạng lưới trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2010. Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có một trường ĐH được xếp hạng trong số 200 trường ĐH hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên cho đến nay, nhiều chuyên gia nhận định mục tiêu này quá xa vời vì thế giới có top 100, 200, 500 các trường ĐH là căn cứ vào một số tiêu chí như: thành phẩm khoa học (các bài báo công bố trên các tạp chí khoa học nổi tiếng quốc tế), trình độ tiếng Anh của sinh viên phải đạt 550 điểm TOEFL trở lên, có giải thưởng Nobel, 80% cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ... Đây là những tiêu chí quá khó đối với ĐH Việt Nam.
Theo Thùy Vinh