MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đăng cai ASIAD 18: Kế hoạch “siêu tiết kiệm” 150 triệu đô la có gì?

19-03-2014 - 09:17 AM |

Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đang trình Chính phủ một kế hoạch tài chính “siêu tiết kiệm” để tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 tại Việt Nam vào năm 2019.

Trong suốt nhiều kỳ Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), bài toán tài chính vẫn thường gây khó dễ cho không ít quốc gia đăng cai tổ chức.

Một trong những điểm thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận chính là việc Việt Nam sẽ chi bao nhiêu tiền để tổ chức ASIAD 18.

Trong buổi giải trình trước Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vừa diễn ra sáng 18/3; Bộ Văn hóa thể thao và du lịch (Bộ VHTT&DL) đã trình bày phương án tài chính cho ASIAD 18 với một bản kế hoạch khá "ấn tượng".

Không ít những thắc mắc thậm chí hoài nghi về tính khả thi đã được các đại biểu tham dự đưa ra thảo luận trực tiếp với Bộ VHTT&DL xung quanh con số 150 triệu USD tổng kinh phí tổ chức.

Bởi lẽ, với kinh phí dự kiến chỉ chưa bằng 2/10 tổng kinh phí mà Hàn Quốc dành cho ASIAD năm 2014, liệu Bộ VHTT&DL sẽ làm gì để tổ chức thành công ASIAD 18?

Theo phương án mà Bộ VHTT&DL đề ra, dự kiến ASIAD 18 sẽ tiêu tốn của Việt Nam chỉ khoảng 150 triệu USD (tương đương khoảng 3.100 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại).

Kinh phí này được huy động từ hai nguồn: Kinh phí đảm bảo từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Trong đó, việc nguồn tài chính xã hội hóa chiếm đến 72% là phương án khiến nhiều người quan tâm nhất.

Về phương diện chi tiêu, Bộ VHTT&DL dự kiến sẽ chi khoảng hơn 4.162 tỷ đồng, thu lại được khoảng hơn 1.012,7 tỷ đồng, tổng chi phí bỏ ra sẽ vào khoảng hơn 3.149,7 (tương đương 150 triệu USD).

Việc chuẩn bị lực lượng vận động viên; đào tạo đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, trọng tài, tình nguyện viên đáp ứng yêu cầu tổ chức đại hội; sử dụng kinh phí được trích từ nguồn chi thường xuyên hàng năm của Bộ VHTT&DL, các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kinh phí Nhà nước cấp cho việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng điểm thuộc lĩnh vực thể dục thể thao được Chính phủ phê duyệt.

Dành khoảng hơn 1.330,6 tỷ đồng chi phí cho hoạt động của ban tổ chức, các tiểu ban chuyên môn; 568 tỷ đồng cho việc nâng cấp các công trình thể thao hiện có để đủ tiêu chuẩn sử dụng trong ASIAD 18.

Dành hơn 2.263,9 tỷ đồng cho việc đầu tư xây dựng mới các công trình thể dục thể thao phục vụ đại hội.

Chi đặt cọc 1 triệu USD cho OCA (sẽ được hoàn trả sau khi đại hội kết thúc) tương đương 21 tỷ đồng (mệnh giá hiện tại).

Huy động các nguồn lực của xã hội để xây dựng Làng vận động viên đáp ứng nhu cầu phục vụ ăn, nghỉ tập trung của vận động viên, huấn luyện viên các nước tham dự đại hội (sau đó có thể sử dụng làm nhà ở xã hội để bán cho các đối tượng có nhu cầu).

Về nguồn thu, Bộ VHTT&DL dự kiến kinh phí thu được từ công tác tổ chức đăng cai đại hội lần này khoảng hơn 1.012,7 tỷ đồng.

Bao gồm, thu từ đóng góp của các đoàn tham gia 141,75 tỷ đồng; Thu bán vé xem thi đấu 30 tỷ đồng; Thu từ hoạt động tài trợ, quảng cáo, cấp phép bản quyền truyền hình, truyền thông, bán các sản phẩm của đại hội ở trong và ngoài nước 840 tỷ đồng.

Hiện tại, kế hoạch tài chính này của Bộ VHTT&DL đang trình Chính phủ phê duyệt trước khi thực hiện.

Liệu rằng, với bản kế hoạch “siêu tiết kiệm” này của Bộ VHTT&DL, Việt Nam có tìm được lời giải cho bài toán khó về tài chính tại ASIAD 18 sắp tới?

Danh mục dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp công trình phục vụ tập luyện, thi đấu tại ASIAD 18 (tổng dự toán 2.831,9 tỷ đồng)

  1. 1. Cải tạo sửa chữa các Nhà thi đấu tại Hà Nội và các đơn vị liên quan (ngân sách Hà Nội và các đơn vị có liên quan).

  2. 2. Cải tạo sửa chữa các Nhà thi đấu tại các tỉnh thành vệ tinh có liên quan (ngân sách UBND các tỉnh).

  3. 3. Xây dựng Làng Á vận hội (nguồn kinh phí xã hội hóa theo đề xuất của TP. Hà Nội)

  4. 4. Khu ASIAD Hà Nội tại Xuân Trạch, huyện Đông Anh (hơn 1.013,9 tỷ đồng).

  5. 5. Xây một nhà thi đấu đa năng tại Mỹ Đình 10.000 chỗ ngồi tại Khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình (1.000 tỷ đồng).

  6. 6. Xây dựng 01 sân Xe đạp lòng chảo tại Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình (250 tỷ đồng).

  7. 7. Các cải tạo và nâng cấp khác tại Hà Nội (568 tỷ đồng).

  8. 8. Cải tạo Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (100 tỷ đồng).

  9. 9. Cải tạo Cung thể thao dưới nước (50 tỷ đồng).

  10. 10. Nâng cấp xây mới một số hạng mục cho kênh đua thuyền, Rowing, Canoe-kayak Lạc Long Quân, Hồ Tây, Hà Nội (118 tỷ đồng).

  11. 11. Nâng cấp Trường bắn Nhổn, trường bắn Hà Nội tại Mỹ Đình cho đủ 60 bệ và nâng cấp các trang thiết bị để đủ tiêu chuẩn tại đây trường bắn chung kết (300 tỷ đồng).

duchai

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên