Việt Nam được gì khi các tập đoàn đa quốc gia “đổ bộ”?
Thời gian gần đây, các tập đoàn đa quốc gia không ngừng dốc vốn mở rộng đầu tư, cùng với đó là hàng loạt các dự án tỷ đô vẫn tiếp tục “xếp hàng” chờ được thông qua.
- 08-11-2013Doanh nghiệp FDI vẫn chiếm hơn 60% xuất khẩu cả nước
- 14-10-2013Xuất khẩu đồ gỗ: Doanh nghiệp FDI nắm gần 2/3
- 26-09-20139 tháng vốn FDI vượt 15 tỷ USD
- 25-01-2014Samsung báo lãi 7,8 tỷ USD trong Q4/2013
- 23-01-2014Hồ sơ Chiến lược của Samsung đang thất bại?
Câu chuyện về dự án Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên thời gian gần đây liên tục được dư luận nhắc đến như một trong những minh chứng cụ thể cho tác động lan tỏa từ nguồn vốn đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia (TNC) thông qua những dự án tỷ đô tới kinh tế nước ta.
Và câu hỏi: Việt Nam được gì khi các TNC liên tiếp đổ bộ? lại tiếp tục được mang ra tranh luận tại các diễn đàn kinh tế quan trọng trong và ngoài nước liên quan đến việc thu hút FDI vào Việt Nam.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến hết 2013, cả nước có 15.900 lượt dự án FDI, tổng vốn đăng ký 234 tỷ USD, vốn thực hiện 112 tỷ USD.
Trong đó TNC đầu tư vào 500 dự án, chiếm 3% số dự án, nhưng vốn chiếm 60% với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới 140 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư của TNC tập trung vào chế biến chế tạo, bất động sản, dịch vụ lưu trú ăn uống...
Những hiệu ứng tích cực từ các dự án của Samsung tại Việt Nam (SEV) có thể thấy rõ. Bởi lẽ, ngay tại buổi Lễ tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong bài phát biểu dài gần 1 giờ đồng hồ của mình, hơn một lần Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: SEV là một điển hình trong thu hút FDI ở Việt Nam trong suốt 25 năm năm qua không chỉ ở quy mô đầu tư lớn mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với kinh tế - xã hội Việt Nam.
Đồng thời, việc SEV đã liên tiếp tăng vốn đầu tư 3 lần chỉ trong vòng 5 năm qua cũng là minh chứng cho thấy Việt Nam có đủ tiềm năng cho việc đầu tư hiệu quả của các dự án FDI.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm với chủ đề “Việt Nam và cuộc chơi lớn của các tập đoàn đa quốc gia” vừa được báo Diễn đàn đầu tư tổ chức tại Hà Nội, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận định: Tác động lan tỏa nên được hiểu theo nhiều góc độ, không chỉ ở việc đóng góp bao nhiêu vào thuế, việc làm, GDP... mà còn phải nhìn nhận tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước cũng khá quan trọng.
Ông Mại phân tích thêm: Hãy thử quan sát tác động lan tỏa trên một số khía cạnh như sau:
Thứ nhất, lao động hiện nay đang làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài có khoảng 15% cán bộ có trình độ cao, tiếp cận được trình độ quốc tế. Trong tương lai sẽ hình thành đội ngũ cán bộ cốt cán để xây dựng đất nước. Ví dụ như Thái Lan, đã lợi dụng được điều này khá tốt.
Thứ hai, tác động về công nghệ, biến công nghệ của nước ngoài thành công nghệ của Việt Nam, tạo ra cú hích lớn về việc hình thành các trung tâm công nghệ lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm
Thứ ba, tác động về thị trường cả về đối nội, đối ngoại, kim ngạch xuất nhập khẩu của khối FDI đang chiếm đa số, tạo ra năng lực cạnh tranh tốt với các nước.
Ngoài ra, còn tạo cơ hội cho người tiêu dùng được hưởng thụ những sản phẩm có chất lượng cao; Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người Việt Nam trong sản xuất và kinh doanh, từng bước hội nhập được với quốc tế.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá: Các TNC đầu tư vào Việt Nam đã có tác động lan tỏa, đóng góp lớn đối với việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trước hết, khi thu hút được đầu tư của các TNC (ví dụ Intel, Samsung, Nokia, Honda,...) sẽ là cách quảng bá cho thu hút đầu tư các TNC khác và mọi nhà đầu tư nước ngoài. Họ rất tin tưởng vào khả năng đánh giá, nghiên cứu của các TNC về môi trường đầu tư Việt Nam.
Các dự án của TNC thường có quy mô vốn lớn, đóng góp về giá trị xuất khẩu, tạo việc làm, đào tạo lao động quản lý, chuyên gia kỹ thuật, chuyển giao công nghệ...; đóng góp nộp ngân sách.
Tuy nhiên, đóng góp của các TNC đã đầu tư tại Việt Nam vẫn cần chú ý làm sao trong thời gian tới phải tạo được giá trị gia tăng, đóng góp cho ngân sách nhiều hơn nữa, là đầu tàu thúc đẩy sản xuất phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Ngoài ra, cũng cần đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ qua các dự án của TNC cho phía Việt Nam.
Từ thực tiễn hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, việc lôi kéo được các TNC đầu tư vào Việt Nam đã mang lại những bước đột phá mới.
Đồng thời, đó sẽ là “gạch nối” quan trọng cho làn sóng các dự án đầu tư FDI có quy mô lớn, thậm chí lên tới nhiều tỷ USD sẽ đổ bộ vào Việt Nam trong tương lai.
Những dự án này không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng trên bình diện con số mà còn đang dần tạo nên các xu hướng mới trong thu hút FDI ở nước ta.