Xuất khẩu gạo rẻ nhất nhưng người Việt ăn gạo đắt, vì đâu?
Doanh nghiệp ép nông dân mua gạo với giá rẻ nhưng lại đẩy giá tiêu dùng lên cao trong khi xuất khẩu giá rất thấp là không thể chấp nhận được.
- 08-07-2014Xuất khẩu gạo Việt Nam bị Thái Lan bỏ xa
- 01-07-2014Xuất khẩu gạo Việt Nam "ghi bàn" nhờ giá thấp nhất
- 01-07-2014“Đại gia” gạo tìm cách thoát nợ
GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đã nói như vậy khi phân tích thực trạng người tiêu dùng Việt Nam sống ở nước nông nghiệp nhưng đang phải sử dụng sản phẩm nông sản giá cao hơn so với giá xuất khẩu.
Chính sách đang có lợi cho nhóm lợi ích
PV: Thưa ông thời gian qua câu chuyện người nông dân Việt thiệt đơn thiệt kép vì họ trồng ra hạt lúa vất vả nhưng khi bán cho doanh nghiệp xuất khẩu giá lại rẻ, thu chẳng bù chi. Hiện giá xuất khẩu gạo đang là 9.100 đồng/kg, ngược lại giá tiêu dùng trong nước lại phải chịu với giá (13.000 đồng/kg). Giá đường nhập tại các cửa khẩu là 13.000-14.000 đồng/kg trong khi giá bán trong nước là 18.000-21.000 đồng/kg. Muối cũng đi xuất khẩu thô rồi bỏ hàng tỉ USD nhập khẩu muối công nghiệp. Ông bình luận như thế nào về thực tế này?
GS.TSKH Trần Duy Quý: Đây rõ ràng là một nghịch lý thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước chưa được rõ nét. Đáng lẽ ra điều này không thể xảy ra với một nước 70% dân số là nông dân sống bằng nghề nông nghiệp.
Tuy chúng ta sản xuất ra gạo bán trên thị trường quốc tế tính ra chỉ khoảng 9.000 đồng/kg, nhưng người tiêu dùng trong nước thì đang phải mua với giá 13.000 đồng/kg. Gạo ngon hơn một chút thì giá khoảng 15.000-17.000 đồng/kg.
Đây là một sai lầm của nhà nước để doanh nghiệp tham gia vào việc điều chỉnh giá, ép nông dân mua rẻ, bán tiêu dùng cao nhưng ra nước ngoài lại thất thế. Với thị trường quốc tế thì không ‘đấu’ được. Điều này thực sự khó chấp nhận.
PV: Thực tế đó thể hiện điều gì trong chính sách phát triển nông nghiệp?. Hiện các chính sách cụ thể dường như có sự phân biệt giữa những sản phẩm hàng hóa bán cho người tiêu dùng trong nước và bán cho nước ngoài (xuất khẩu), ví dụ như chính sách thuế mọi ưu tiên dường như cho xuất khẩu và những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tiêu thụ trong nước hầu như không được ưu đãi gì. Theo ông chính sách đó có lợi cho ai?
GS.TSKH Trần Duy Quý: Có thể thấy rõ chính sách chưa thể hiện vì dân. Đáng ra cơ quan quản lý phải thấy được rõ vai trò của doanh nghiệp, những khó khăn của người nông dân và tiêu dùng như thế nào và đứng ra bảo vệ. Đằng này lại cứ nghe doanh nghiệp báo lên là thua lỗ nhưng đâu biết là họ đang rất lãi.
Họ đang đánh vào túi tiền của những cán bộ, người lao động ở thành phố, công nhân… đang phải mua gạo trên thị trường. Đây là nhóm người phải mua gạo và doanh nghiệp mặc sức định giá và đẩy lên.
Trong khi đó các doanh nghiệp mua gạo của dân rất rẻ. Giá chỉ khoảng 70.000 đồng/kg như vậy tính ra chỉ cần bán cho người tiêu dùng khoảng 10.000 đồng/kg đã là có lãi. Thế nhưng họ vẫn đẩy giá lên 12-13.000 đồng/kg.
Cùng với đó, việc xuất khẩu hiện đang có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng doanh nghiệp vẫn ép giá nông dân mua rẻ. Có những nơi trong ĐBSCL doanh nghiệp chỉ mua với giá 4.000đồng/kg. Thế nhưng các doanh nghiệp này lại vẫn được ưu đãi, Nhà nước còn cho vay vốn để mua tạm trữ.
Như vậy bao nhiêu lợi nhuận chỉ doanh nghiệp được hưởng chứ dân đâu được cái gì. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc hỗ trợ tiền mua tạm trữ. Chính sách này mang tiếng cho người nông dân nhưng thực tế là rơi vào túi các nhóm lợi ích.
Mất động lực phát triển
PV: Chúng ta lấy động lực là phát triển nông nghiệp mà chính sách vẫn có kẻ hởi để người dân chịu thiệt, điều này phải được hiểu như thế nào? Theo ông nhà nước liệu đã thực hiện hết vai trò quản lý chưa mà lại để tình trạng đó diễn ra lâu đến vậy?
GS.TSKH Trần Duy Quý: Nói thật là vai trò quản lý nhà nước chưa thể hiện rõ việc bảo vệ người nông dân và thực tế là chưa bảo vệ được về nhiều mặt. Ngay cả Hiệp hội người tiêu dùng cũng không bảo vệ được người tiêu dùng. Tôi cho rằng cần phải cải cách mạnh trong nông nghiệp đặc biệt là chính sách đối với người dân.
Đây là lỗi của một hệ thống chứ không riêng gì ngành nông nghiệp. Ở đây còn có trách nhiệm cả của Bộ Công thương, các Tổng công ty lương thực mà Nhà nước đã trao quyền. Các Tổng công ty này được nhận ưu đãi nhưng lại đang làm lũng đoạn thị trường.
PV: Với tình trạng như hiện nay công nghiệp nặng thì không thành công. Công nghiệp nhẹ thì gia công, nông nghiệp thì như thế, theo ông nền kinh tế Việt Nam phải dựa vào nội lực nào để phát triển?
GS.TSKH Trần Duy Quý: Đúng như vậy. Những gì thuộc về công nghiệp chúng ta không phải là quốc gia có thể mạnh. Chỉ có nông nghiệp có nhiều lợi thế để phát triển nhưng tình trạng bị o ép, thua thiệt đến cùng cực khiến nhiều nơi nông dân chán, bỏ ruộng lên thành phố để kiếm việc làm.
Hiện chúng ta đang bị mất hết nội lực không biết dựa vào cái gì để làm trọng điểm phát triển kinh tế. Nếu không cải tổ xây dựng nông thôn mới, tạo công ăn việc làm và xây dựng lại các chính sách nông nghiệp thì tình trạng mất cân bằng, chênh lệch giàu nghèo sẽ diễn ra mạnh hơn.
Người dân sẽ tiếp tục kéo về thành phố làm thuê, gây mất cân đối, ùn tắc giao thông, tệ nạn xã hội tăng nhanh. Đây sẽ là một gánh nặng cho xã hội và sẽ rất khó giải quyết.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!>> Xuất khẩu gạo Việt Nam bị Thái Lan bỏ xa