Thị xã 10 tuổi cách TP. HCM 90 km dự kiến lên thành phố giai đoạn 2026-2030
Trong tầm nhìn và phát triển trung - dài hạn, thị xã này là đô thị có vị trí trung chuyển trong giao thương khu vực phía Tây của tỉnh Tiền Giang và tác động đến phía Tây Nam vùng Đồng Tháp Mười.
Ngày 26/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 130/NQ-CP điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy. Sau 10 năm thành lập, thị xã đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Cùng với đó, thị xã phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững với tốc độ tăng giá trị sản xuất năm 2022 là 6,86% và năm 2023 là 6,5%. Tổng giá trị sản xuất (giá hiện hành) từ 10.200 tỷ đồng tăng lên 14.889 tỷ đồng, tăng gần 46%, trong đó lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản tăng 68%, lĩnh vực dịch vụ tăng 162%. Giá trị sản xuất bình quân đầu người tăng 41% so với năm 2014, hiện giá trị sản xuất bình quân đầu người thị xã Cai Lậy đạt 117 triệu đồng. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng tăng ổn định. Số lượng cơ sở công nghiệp có hơn 1.420 cơ sở, tăng 45,6% so với năm 2014.
Trên địa bàn thị xã hiện có 514 doanh nghiệp, với vốn đăng ký hơn 450 tỷ đồng; so với năm 2014 tăng gần gấp đôi về số lượng doanh nghiệp. Toàn thị xã hiện có 5.000 hộ kinh doanh đăng ký; trong đó, hơn 99% là cá nhân kinh doanh, vốn đăng ký hơn 1.200 tỷ đồng. 10 năm qua, số hộ đăng ký kinh doanh năm sau đều tăng gấp đôi so năm trước.
Một số công trình trọng điểm quốc gia, của tỉnh qua địa bàn thị xã Cai Lậy được hoàn thành đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của đô thị, như: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nâng cấp Quốc lộ 1, xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1, xây dựng đường dẫn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tuyến tránh đường tỉnh 868 qua khu vực nội thị thị xã, nâng cấp - mở rộng đường tỉnh 874, xây dựng mở rộng các tuyến đường huyện 60, 52, 53, 54...
Tổng số vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội của thị xã năm 2023 lên 3.040 tỷ đồng, tăng 8,35 lần so năm 2014.
10 năm qua, thị xã cũng thu hút nhiều ngân hàng thương mại, siêu thị, cửa hàng điện máy, di động, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế nhiều cơ sở khám, chữa bệnh - dịch vụ y tế - tiêm chủng, các thương hiệu lớn về hàng tiêu dùng, ăn uống đã đầu tư phát triển trên địa bàn. Các cơ sở, trung tâm, siêu thị, cửa hàng ăn uống này đã và đang góp phần phát triển thương mại - dịch vụ, thu hút lượng khách lớn từ các huyện lân cận như Cai Lậy, Tân Phước, Cái Bè...
Thời gian tới, thị xã sẽ lập thủ tục mời gọi đầu tư các dự án: Khu dân cư thương mại, khu vui chơi thiếu nhi; Công viên nước; Trung tâm thương mại - dịch vụ, khu đô thị, Khu thể dục - thể thao - vui chơi giải trí…
Quyết tâm đạt tiêu chí thành phố thuộc tỉnh năm 2030
Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy Trần Văn Thức cho biết, trong chặng đường mới, thị xã Cai Lậy sẽ là địa bàn phát triển chủ yếu là kinh tế đô thị với lĩnh vực chủ đạo là thương mại - dịch vụ.
Trong tầm nhìn và phát triển trung - dài hạn, thị xã Cai Lậy là đô thị có vị trí trung chuyển trong giao thương khu vực phía Tây của tỉnh Tiền Giang và tác động đến phía Tây Nam vùng Đồng Tháp Mười với các tiềm năng phát triển về thương mại - dịch vụ có tính đầu mối trung chuyển, công nghiệp chế biến - kho vận nông sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, phát triển xây dựng đô thị, phát triển kinh tế vườn. Từ đó, thị xã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Trần Văn Thức cũng cho biết, thị xã Cai Lậy quyết tâm xây dựng đạt các tiêu chí trở thành thành phố thuộc tỉnh vào năm 2030 cũng như đầu tư các dự án trọng điểm, đột phá nhằm tiếp tục phát huy vai trò là đô thị trung tâm vùng phía Tây của tỉnh.
Trong thời gian không xa, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, cùng với những tiềm năng, lợi thế và cơ hội hiện có, TX. Cai Lậy sẽ “cất cánh” phát triển thành một đô thị công nghiệp và du lịch, góp phần vào hành trình hiện thực hóa khát vọng phát triển của tỉnh nhà.