Thị xã nằm giữa 2 cao tốc lớn, sắp có ‘siêu dự án’ nhiệt điện 58.000 tỷ đồng, chuẩn bị lên thành phố
Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) được quy hoạch lên thành phố vào năm 2030.
- 10-04-2024Đề xuất chuyển vùng, nhiều người được tăng lương 2 lần?
- 10-04-2024Năm 2024, những trường hợp sau sẽ bị thu hồi Sổ đỏ
- 10-04-2024Chiêm ngưỡng thành phố phía Bắc sông Hồng tương lai "cất cánh" đưa Hà Nội thành siêu đô thị tầm cỡ châu Á
Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt vào ngày 27/2/2023, về phương án phát triển đô thị, đến năm 2030, tỉnh có 47 đô thị. Trong đó, 1 thành phố là đô thị loại I (Đô thị Thanh Hóa); 2 đô thị loại III (thành phố Sầm Sơn; thành phố Nghi Sơn); 4 đô thị loại IV (huyện Hà Trung sáp nhập vào thị xã Bỉm Sơn; thành lập mới 3 thị xã gồm: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương); 40 đô thị loại V.
Đối với riêng thị xã Nghi Sơn, phấn đấu đến năm 2030, Nghi Sơn trở thành thành phố công nghiệp, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh và hiện đại. Trước mắt, giai đoạn 2021-2025, thị xã phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 19%; tỷ lệ tăng thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đạt 12% trở lên; tổng huy động vốn đầu tư phát triển 5 năm đạt 242.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của thị xã đạt 3 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa 82%.
Nằm giữa 2 cao tốc thuộc cao tốc Bắc - Nam
Về cơ sở hạ tầng, đến thời điểm này, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn thị xã ngày càng đồng bộ, hiện đại, tỷ lệ đô thị hóa đạt 80%. Từ năm 2020 đến tháng 2/2024, thị xã Nghi Sơn đã huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị được 2.350 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và của tỉnh để đầu tư các dự án.
Đặc biệt, thị xã Nghi Sơn nằm giữa 2 cao tốc lớn thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam. Cụ thể, 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đi qua thị xã Nghi Sơn với tổng vốn hơn 12.800 tỷ đồng đã chính thức khánh thành vào tháng 10/2023.
Trong đó, cao tốc QL45 – Nghi Sơn dài 43,28km, đi qua địa phận huyện Nông Cống và thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.530 tỷ đồng từ vốn đầu tư công, khởi công từ tháng 7/2021.
Đoạn cao tốc QL45 - Nghi Sơn có 18 cây cầu và 2 nút giao ra, vào cao tốc là nút giao Vạn Thiện (kết nối quốc lộ 45 tại huyện Nông Cống) và nút giao Nghi Sơn (kết nối tuyến Nghi Sơn - Bãi Trành). Điểm nhấn của dự án là cầu vượt hồ Yên Mỹ (Thanh Hóa) có chiều dài 995,8m.
Còn cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu dài 50km (địa phận Thanh Hóa 6,5km, địa phận Nghệ An 43,5km), với tổng mức đầu tư hơn 7.293 tỷ đồng từ vốn đầu tư công, khởi công tháng 7/2021.
Toàn tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu có 22 cầu gồm 8 cầu vượt cắt ngang, 14 cầu trên tuyến chính. Điểm đặc biệt của cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu là hầm Trường Vinh dài 450m xuyên núi Mồng Gà giáp ranh Thanh Hóa - Nghệ An. Hầm được đầu tư hai ống hầm rộng 12,5m/ống, mỗi ống bố trí 3 làn xe.
Việc hoàn thành đoạn cao tốc QL45 - Diễn Châu góp phần nâng tổng số cao tốc đang khai thác cả nước lên hơn 1.822 km, nối thông cao tốc từ Hà Nội tới Nghệ An dài 251km. Rút ngắn thời gian đi lại giữa 2 địa phương đầu tuyến còn khoảng 3,5 giờ đồng hồ thay vì hơn 5 giờ như đi QL1.
Đón siêu dự án nhiệt điện 58.000 tỷ đồng
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa, vào ngày 1/3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa họp và chính thức thống nhất chủ trương đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Đây là "siêu dự án" tỷ đô lớn thứ 3 tại tỉnh Thanh Hóa.
Theo tờ trình, dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn sẽ xây dựng 1 nhà máy điện LNG, công suất 1.500 MW; 1 bến cảng nhập khí LNG; đê chắn sóng dài khoảng 1 km. Các công trình phụ trợ phục vụ cảng nhập LNG, như: Kho chứa LNG, trạm tái hóa khí trên bờ sức chứa khoảng 230.000 m3; trạm tái hóa khí công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm; hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện LNG, công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm…
Dự án có quy mô dự kiến rộng khoảng 68,2 ha, ở khu vực phía nam Khu kinh tế Nghi Sơn, nằm trên địa phận xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn), có tổng mức đầu tư hơn 2,4 tỷ USD (khoảng hơn 58.000 tỷ đồng). Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, và vận hành thương mại trước năm 2030.
Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn của 5 nhà đầu tư, gồm: Tổ hợp nhà đầu tư JERA Co.Inc và Công ty CP Tập đoàn Sovico; Tổ hợp nhà đầu tư Tổng công ty điện lực nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP (APT); nhà đầu tư Gulf Energy Development Public Company Limited; nhà đầu tư SK E&s Co., Ltd; Tổ hợp nhà đầu tư Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP (PV POWER) và Công ty CP Tập đoàn T&T (T&T Group). Việc lựa chọn nhà đầu tư dự kiến diễn ra trong quý 2/2024.