Thiên đường du lịch bị lãng quên ở Hoà Bình
Tiềm năng lớn để trở thành một khu du lịch quốc gia như Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhưng hồ Hoà Bình vẫn như một nàng công chúa ngủ quên.
Không phải vô cớ từ bốn năm trước Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển hồ Hòa Bình trở thành một khu du lịch quốc gia. Với vị trí đắc địa ở vị trí trung chuyển giữa vùng du lịch Tây Bắc và Hà Nội cùng với cảnh quan sơn thủy hữu tình, hồ Hòa Bình là địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch, BĐS nghỉ dưỡng với khả năng đón hơn 1 triệu lượt khách mỗi năm vào năm 2025 như mục tiêu quy hoạch đặt ra.
Hồ Hòa Bình là một trong những hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất cả nước và được hình thành sau khi xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, hồ nằm trong phạm vị hành chính của 5 huyện và thành phố, diện tích mặt hồ tới 8.000ha, chỗ rộng nhất 2km và mực nước dao động từ 81 – 113m so với mực nước biển.
Với khí hậu trong lành, diện tích mặt hồ lớn với hàng chục hòn đảo lớn nhỏ, hai bên hồ là những cánh rừng và dãy núi đá vôi sừng sững, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Hai bên bờ có nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa tâm linh nổi tiếng như động Thác Bờ, đền Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, chùa Hòa Bình Phật Quang. Bên cạnh đó còn có những bản làng dân tộc của người Mường, Thái còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống.
Tài nguyên du lịch phong phú của hồ Hòa Bình là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nên vào tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia. Theo đó, đến năm 2025, hồ Hòa Bình cơ bản đáp ứng được các tiêu chí của khu du lịch quốc gia với các chỉ tiêu như đón 1 triệu lượt khách, trong đó có 50.000 khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 600 tỷ đồng. Đến nay 2030, khu du lịch hồ Hòa Bình có thể đón 1,55 triệu lượt khách, mang lại tổng doanh thu 1.800 tỷ đồng.
Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng cho đến nay việc khai thác phát triển du lịch ở hồ Hòa Bình còn manh mún và hạn chế. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch thiếu đồng bộ và không đảm bảo về chất lượng, các sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn du khách, khiến lượng khách du lịch đến đây vẫn còn thấp.
Khách du lịch đến với hồ Hòa Bình chủ yếu đến từ Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc với mục đích chính là tham quan nhà máy thủy điện Hòa Bình, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cuối tuần và phượt. Đối tượng khách cũng chủ yếu là giới trẻ ưa thích tham quan, khám phá, mạo hiểm và khách du lịch tâm linh tập trung ở điểm đến và động Thác Bờ vào dịp cuối tuần hoặc lễ hội.
Do hồ Hòa Bình mới chỉ được coi là điểm dừng chân trong chuyến tham quan đến vùng Tây Bắc và phần lớn khách nội địa chỉ đi trong ngày nên số lượng các cơ sở lưu trú qua đêm còn hạn chế. Phần lớn các cơ sở lưu trú quanh hồ là các nhà nghỉ nhỏ lẻ hoặc các homestay với số lượng phòng và chất lượng dịch vụ hạn chế. Gần đây đã xuất hiện thêm hai khu nghỉ dưỡng trong lòng hồ là Làng Bakhan và Mai Châu Hideaway, nhưng số lượng phòng nghỉ vẫn rất ít. Các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao ở Hòa Bình hầu như chưa phát triển, mà chỉ có một số dịch vụ vui chơi giải trí quy mô nhỏ tại đảo Dừa, đảo Cối Xay Gió.
Vì thế, khách du lịch sau khi tham quan hồ Hòa Bình muốn lưu trú qua đêm hoặc nghỉ dưỡng cũng khó, mà buộc phải lựa chọn lưu trú ở trung tâm thành phố Hòa Bình hoặc tại thị trấn các huyện mặc dù hầu hết các cơ sở lưu trú chất lượng còn thấp, hệ thống tiện nghi phục vụ du lịch còn kém, trình độ đội ngũ nhân viên hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cao của khách du lịch. Đặc biệt, hồ Hòa Bình vẫn nằm ngoài xu hướng nghỉ dưỡng cuối tuần ven đô nở rộ trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, những động thái mới của tỉnh Hòa Bình trong việc thực hiện quyết tâm đưa hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia đã không thoát khỏi tầm ngắm của các nhà đầu tư, nhất là sau khi tuyến đường Hà Nội – Hòa Bình hoàn thành đã rút ngắn thời gian từ trung tâm Hà Nội đến thành phố Hòa Bình chỉ còn 1 tiếng chạy xe. Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình đang triển khai dự án đầu tư nâng cấp đường 435, tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng với chiều dài 21,18km từ ngã ba Bình Thanh đi Thung Nai đến xã Ngòi Hoa. Trước những thay đổi này, một số doanh nghiệp đã âm thầm tiến vào hồ Hòa Bình với những dự án đầy tham vọng nhằm biến nơi đây thành điểm du lịch nghỉ dưỡng ven đô xứng tầm với một khu du lịch quốc gia trong tương lai không xa.